Môn Tin học ở nhà trường phổ thông cần được đổi mới như thế nào? (tiếp theo và hết)

VietTimes -- Môn Tin học trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam đã và đang tiếp tục cần có nhiều sự thay đổi. Đây không chỉ là một môn học độc lập mà còn là nền tảng kiến thức rất quan trọng cho nhiều môn học khác trong thời đại CNTT. Dưới đây là những ý kiến tiếp theo của Thạc sĩ Hà Đặng Cao Tùng - tác giả bài viết này. 
Một lớp dạy tin học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội
Một lớp dạy tin học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội

Dạy môn Tin học là phát triển năng lực xử lý thông tin

CNTT có tầm quan trọng ngày càng tăng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, làm nên sự giàu có của thế giới, không chỉ trong ngành công nghiệp máy tính mà còn trong các ngành kinh tế quan trọng khác như hàng không, ô tô, viễn thông, v.v. Trong khi đó, là một quốc gia có thành tích trong khu vực về giáo dục khoa học tự nhiên, đặc biệt là Toán học nhưng Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với nhiều nước trong vùng về công nghiệp CNTT.

Sự chậm trễ này một phần liên quan đến những thiếu sót của giáo dục Tin học, đã bị trì trệ trong một thời gian dài do tập trung vào việc dạy sử dụng các công cụ Tin học hơn vào việc dạy tư duy đặc thù của khoa học máy tính. Việc giảng dạy hạn chế như vậy làm cho nước ta rơi vào vị trí của một quốc gia tiêu thụ những hàng hóa công nghệ được sản xuất từ nơi khác thay vì là quốc gia sản xuất ra những hàng hóa đó.

Nhận thức về nhu cầu giáo dục khoa học máy tính ngày càng tăng, trong chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, môn Tin học đã trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 9 và là môn tự chọn bắt buộc trong ba năm cuối bậc phổ thông. Chương trình môn Tin học, phiên bản 2018, đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, chuyển đổi nội dung từ chỗ dạy sử dụng máy tính sang phát triển năng lực thông tin và xử lý thông tin.

Trên thế giới, việc dạy Tin học có nhiều điểm khác nhau giữa các quốc gia. Sự khác nhau thể hiện ở nội dung học tập và độ tuổi tiếp cận các nội dung đó. Về nội dung, có thể chia làm hai nhóm chủ yếu: một tập trung vào việc sử dụng CNTT và Truyền thông, và hai tập trung vào Khoa học máy tính.

Trước đây, ở cấp Tiểu học và THCS, hầu hết các quốc gia vẫn coi máy tính là công cụ để học các môn học khác hơn là một môn học độc lập. Một bảng tổng kết so sánh năm trường hợp (Phần Lan, Nhật Bản, Massachusetts, Ontario, Singapore) của Hội Hoàng gia Vương quốc Anh cho thấy rằng độ tuổi phù hợp để học Khoa học máy tính thay đổi từ 12 đến 16 tuổi.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng từ những năm 2000. Báo cáo về việc dạy học CNTT và Truyền thông ở các nước châu Âu cho thấy nội dung này đã trở nên lạc hậu và cần phải có những thay đổi căn bản, đáp ứng yêu cầu của sự biến chuyển nhanh chóng về công nghệ. Hiện nay, nhiều nước ở châu Âu đã đưa nội dung Khoa học máy tính và kỹ năng lập trình trở thành mục tiêu học tập (Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy, Ba Lan, và Anh).

Ở hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới, một báo cáo khoa học nghiêm túc do những nhà khoa học đầu ngành chịu trách nhiệm trước chính phủ sẽ là tiền đề, căn cứ cho việc xây dựng chương trình quốc gia của một môn học. Chẳng hạn khuyến nghị “Nguyên tắc và tiêu chuẩn cho khoa học máy tính trong trường học” của nhóm tiêu chuẩn giáo dục Đức, hay báo cáo của Viện hàn lâm Khoa học Pháp “Dạy Tin học ở Pháp, gấp rồi không chờ nữa”, v.v…

Mặc dù các chương trình Tin học từ trước tới nay, đều bao gồm ba thành phần DL, IT, và CS, nhưng không được phân biệt rõ ràng. Chính sự phân tách các thành phần này mới thực sự là linh hồn của báo cáo Shut Down or Restart? Nhằm làm rõ mối vai trò của ba thành phần DL, IT, CS trong môn Tin học, báo cáo đã so sánh chúng với các thành phần trong môn tiếng Anh, mà ở đây ta sẽ gọi là môn tiếng Việt cho dễ hình dung. Theo đó,

· DL là kỹ năng cơ bản (không phải là một chủ đề), tương ứng với kỹ năng đọc và viết tiếng Việt.

· IT là chủ đề công nghệ. Năng lực trong chủ đề này thuộc loại năng lực ứng dụng, tương ứng với năng lực Ngôn ngữ trong tiếng Việt.

· CS là chủ đề khoa học. Năng lực trong chủ đề này thuộc loại năng lực tư duy, tương ứng với năng lực Văn học trong tiếng Việt.

Ý nghĩa của sự tách biệt đó, là ở chỗ xác định được yêu cầu của mỗi thành phần ở mỗi độ tuổi, làm cho học sinh hiểu được ý nghĩa của mỗi nội dung, tạo hứng thú đối với môn học. Báo cáo đưa ra nhận xét bắt buộc phải sửa đổi nội dung môn Tin học vốn chủ yếu dựa trên công nghệ thông tin (ICT) trở thành trọng tâm vào Khoa học máy tính. Đồng thời, Computer at School (CAS), một nhóm giáo viên và chuyên gia CNTT đã đề xuất việc xây dựng một nền giáo dục Tin học dựa trên Khoa học máy tính.

Dự thảo nội dung mới của môn Tin học ở Việt Nam

Sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế, xã hội dẫn đến nhu cầu cấp bách đổi mới Giáo dục. Trong bối cảnh đó, Dự thảo chương trình mới môn Tin học ra đời, là một bộ phận của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, một nội dung quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Với quan điểm xây lại từ đầu, Dự thảo chương trình môn Tin học có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Mấu chốt của những thay đổi tích cực bắt đầu từ chỗ Tin học được xem là môn học bắt buộc. Từ đó dẫn dến thời lượng dành cho mỗi cấp học, mỗi lớp trong cấp học được ổn định, tạo điều kiện cho việc xây dựng chương trình mang tính hệ thống, liên thông cả ba cấp học, không bị trùng lặp giữa các lớp, các cấp học về cùng một chủ đề nội dung.

Môn Tin học ở nhà trường phổ thông cần được đổi mới như thế nào? (tiếp theo và hết) ảnh 1

Mối quan hệ giữa 5 thành phần năng lực, 3 mạch kiến thức, và 7 chủ đề nội dung.

Tuy nhiên, thay đổi quan trọng nhất phải kể đến là, nhờ việc chương trình được xây dựng từ đầu nên các nhà khoa học, các chuyên gia sư phạm có thể đưa vào chương trình những ý tưởng mới, những quan điểm hiện đại, nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục.

Cấu trúc của chương trình mới của môn Tin học có thể tóm tắt bằng cụm từ “5 thành phần năng lực, 3 mạch tri thức, 7 chủ đề nội dung” như được minh họa trong hình 1. Cấu trúc đó thể hiện ba ưu điểm:

a) Chương trình thể hiện được định hướng năng lực, mô tả rõ sản phẩm giáo dục khi thực hiện chương trình.

b) Chương trình thể hiện được 3 mạch tri thức Tin học phù hợp với quan niệm hiện đại về nội dung môn Tin học.

c) Chương trình cụ thể hóa được nội dung thành những chủ đề, tạo điều kiện cho việc thiết kế các hoạt động giáo dục.

Một số ý kiến thảo luận

Cái khó hiểu nhất trong chương trình nằm ở thuật ngữ “hòa quyện” trong mục “Về sự hòa quyện ba mạch kiến thức CS, ICT và DL”. Việc hòa quyện như vậy sẽ mắc phải những hậu quả tiêu cực đã được “Shut Down or Restart?” cảnh báo.

1. Sự hòa trộn ba thành phần Học vấn số (DL), Công nghệ thông tin (IT), và Khoa học máy tính (CS) gây ra sự nhập nhằng, hiểu sai bản chất. Không phải lúc nào học sinh cũng nhận thức được nội dung nào là CS, nội dung nào là IT hay DL mà họ đang học. Chẳng hạn, trải nghiệm không thú vị về Học vấn số trong nội dung hỗn hợp đó có thể khiến học sinh hiểu sai và mang ấn tượng xấu về Khoa học Máy tính.

2. Sự nhầm lẫn giữa DL, IT, cà CS khi học ở giai đoạn giáo dục cơ bản có thể làm học sinh lựa chọn sai các chuyên đề ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, từ đó dẫn đến chán học. Xa hơn nữa, sự lẫn lộn về thuật ngữ và nội dung có thể dẫn đến việc lựa chọn sai nghề nghiệp.

3. Khó định lượng được mức độ và nội dung cho mỗi mạch kiến thức. Do đó, nội dung chương trình có vẻ như bao phủ hầu hết các mạch kiến thức nhưng thời gian dành cho mỗi nội dung lại bị cắt nhỏ. Kết quả là mạch kiến thức quan trọng nhất là CS sẽ bị mất tính hệ thống, không liền mạch, không đủ thời gian để rèn luyện kỹ năng.

Thực ra, theo một cách hiểu không xa bản chất các mạch tri thức, cấp độ năng lực “biết cách sử dụng máy tính” (DL) là thấp hơn “biết cách sử dụng máy tính như công cụ để làm việc” (IT) và năng lực này còn thấp hơn “Biết cách sử dụng máy tính để giải quyết vấn đề” (CS). Theo quan niệm của GS. John Vũ, trong bài viết “Bàn về dạy công nghệ thông tin trong trường phổ thông”, các năng lực này cần phải được trang bị ở các cấp học từ thấp đến cao. Mặc dù không có nghĩa là mỗi cấp học chỉ chứa nội dung của một mạch tri thức nhưng về mức độ, mỗi cấp học đều có mạch tri thức ưu tiên cho phù hợp lứa tuổi và nội dung tri thức.

Về các thành phần năng lực Tin học

Sự phân chia năng lực chung của môn Tin học thành 5 năng lực thành phần của dự thảo chương trình môn Tin học có thể chỉ là sự phân chia mang tính ước lệ. Chẳng hạn, NLb và NLe có thể ghép vào một - nhóm năng lực Tin học mang yếu tố xã hội. Thậm chí có thể ghép cả NLa vào đó với ý nghĩa là năng lực cơ bản về sử dụng công cụ kỹ thuật số.

Dự thảo chương trình Tin học yêu cầu hòa quyện các mạch tri thức. Tuy nhiên, theo cách tự nhiên của tư duy, người ta vẫn muốn nhìn nhận sự vật một cách có cấu trúc hơn. Chẳng hạn, theo ông Bùi Việt Hà, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục Tin học, mỗi chủ đề kiến thức có thể được phân loại vào các mạch tri thức tương ứng. Tương tự như vậy, mỗi nhóm năng lực thành phần, do đặc điểm yêu cầu của nó đã tự quy định mạch tri thức và năng lực liên quan như trong bảng dưới đây.

Phân loại 5 nhóm năng lực thành phần theo các mạch tri thức môn Tin học
Phân loại 5 nhóm năng lực thành phần theo các mạch tri thức môn Tin học

Vì vậy, nếu không có những ràng buộc dựa trên cơ sở khoa học hay yêu cầu bắt buộc nào khác thì có thể tổ chức lại các nhóm năng lực. Khi đó, nội dung chương trình sẽ bớt phức tạp hơn, các nhóm năng lực thành phần sẽ tương đồng với các mạch tri thức, dễ chuyển tải hơn tới đội ngũ giáo viên. Có thể tổ chức lại thành 3 nhóm năng lực thành phần như sau.

1. Năng lực sử dụng công cụ kỹ thuật số an toàn và có trách nhiệm (tương ứng mạch tri thức DL)

- Biết sử dụng những tính năng tối thiểu của thiết bị kỹ thuật số, những ứng dụng phổ biến, biết truy cập mạng đáp ứng nhu cầu thông tin cá nhân.

- Biết cách sử dụng công cụ một cách an toàn, bao gồm an toàn đối với sức khỏe, với tài sản, và với thông tin.

- Có tinh thần trách nhiệm đối với việc trao đổi thông tin về phương diện văn hóa, xã hội, bao gồm cả yếu tố đạo đức và pháp lý.

2. Năng lực ứng dụng CNTT một cách hiệu quả trong công việc (tương ứng mạch tri thức IT).

3. Năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề bằng phương pháp số hóa (phương pháp khoa học xử lý thông tin – Computer Science, tương ứng mạch tri thức CS).

Về phân phối chương trình

Trong chương trình phổ thông, môn Tin học được dành thời lượng 560 tiết (trong đó 245 tiết chia cho 7 năm từ lớp 3 đến lớp 9 và 315 tiết cho ba năm THPT). Với thời lượng như vậy, nếu mỗi nội dung được phân phối dạy liên tục để đạt được một ngưỡng năng lực nhất định thì sẽ hiệu quả hơn cách tổ chức mỗi năm học đều học đầy đủ cả bảy chủ đề nội dung.

Chẳng hạn, ở lớp bảy, trong 35 tiết, các em sẽ học bảy nội dung: 1) Cấu trúc máy tính, 2) Hệ điều hành và chương trình ứng dụng 3) Mạng xã hội và một số kênh trao đổi thông tin trên internet, 4) Văn hóa ứng xử qua kệnh truyền thông, 5) Phần mềm bảng tính điện tử và sử dụng ở mức cơ bản, 6) Sơ đồ tư duy và phần mềm sơ đồ tư duy, và 7) Một số thuật toán sắp xếp và tìm kiếm cơ bản.

Trong thí dụ trên, nội dung chương trình khá lan man, thiếu trọng tâm. Trong điều kiện thực tế, học sinh lớp 7 chưa đủ kiến thức tổng hợp để phân biệt các mạch và các chủ đề tri thức, sự dịch chuyển nhanh từ chủ đề này sang chủ đề kia sẽ dẫn đến chỗ các em chưa kịp ghi nhớ và hình thành thói quen đã bị chuyển sang chủ đề khác. Kết quả là việc học trở thành “cưỡi ngựa xem hoa” và tính hiệu quả trong việc hình thành năng lực không cao.

Cần sử dụng thuật ngữ Học vấn cơ bản về công nghệ số (hay ngắn gọn là Học vấn số) thay cho thuật ngữ Học vấn số hóa phổ thông trong chương trình để phù hợp hơn với cấu trúc ngữ pháp, ngôn ngữ tiếng Việt, và nội hàm của thuật ngữ Digital Literacy.

Cần sử dụng thuật ngữ Công nghệ thông tin (IT) thay cho Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong chương trình. Sự phù hợp về thuật ngữ sẽ giúp cho học sinh, phụ huynh học sinh, và đặc biệt là giáo viên hiểu đúng nội hàm khi đọc các tài liệu tham khảo liên quan bằng tiếng Anh.

Nhận định “đức tính chịu khó, chăm chỉ kiên nhẫn, khéo léo, có tính thẩm mĩ, v.v. của nữ giới là một lợi điểm giúp họ có nhiều cơ hội việc làm và thành đạt trong lĩnh vực tin học” có lẽ là một nhận định mang tính chủ quan, dễ gây hiểu nhầm về sự phân biệt giới tính.

Kết luận và khuyến nghị

Quyết định đưa Tin học trở thành môn học độc lập bắt buộc trong trường phổ thông là một quyết định chiến lược, và là quyết định đúng đắn nhằm hình thành cho học sinh năng lực thông tin và xử lý thông tin bằng các công cụ kỹ thuật số. Đó là tiền đề quan trọng để xây dựng một chương trình môn học xuyên suốt các bậc học, tạo điều kiện cho việc bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội thông tin và nên kinh tế tri thức.

Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Tin học có nhiều ưu điểm so với chương trình hiện hành. Chương trình có nội dung xuyên suốt và nhất quán trong 10 lớp học từ lớp 3 đến lớp 12, với ba mạch tri thức, bảy chủ đề nội dung, và đặc biệt là định hướng rèn luyện năng lực cho học sinh. Nội dung chương trình dược chia thành hai mức, mức cốt lõi có mặt ở tất cả các lớp thuộc giai đoạn giáo dục cơ bản, và mức chuyên đề (ở THPT) giúp học sinh định hướng nghề nghiệp.

Mặc dù đã có những đổi mới quan trọng như trên, nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới môn Tin học có vẻ như vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực đặc thù như Công nghệ Thông tin. Đó là do chương trình chưa làm nổi bật được những đặc điểm và yêu cầu khác nhau giữa Học vấn số, Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin trong việc hình thành năng lực cho học sinh về thông tin và xử lý thông tin.

Hiệu chỉnh chương trình dựa trên ba thành phần năng lực của Tin học, lấy Khoa học máy tính (CS) làm trọng tâm của cả chương trình môn học. Xác định trọng tâm của mỗi cấp học đối với ba thành phần của môn học, mặc dù mỗi cấp học đều học cả ba nội dung này. Chẳng hạn, cấp Tiểu học đặt trọng tâm vào DL, cấp THCS đặt trọng tâm vào IT, và cấp THPT đặt trọng tâm vào CS.

Không sa vào những nội dung kém tính hiệu quả kiểu như “Làm quen với cách gõ bàn phím” (lớp 3) và “Phân tích lợi ích của việc gõ bằng mười ngón tay” (lớp 4), mà tập trung vào việc củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng, từ đó hình thành thói quen, bồi dưỡng năng lực cho học sinh và làm cho các em yêu thích môn học.

Phân phối lại chương trình thay vì phụ thuộc vào các chủ đề, nên được tổ chức lại thành các mô đun, trong đó mỗi mô đun phải nhằm hình thành một mức độ năng lực nhất định về một thành phần nhất định của Tin học. Việc chia nhỏ một nội dung ra nhiều năm học làm giảm tính hiệu quả của việc hình thành năng lực.

Điều chỉnh một số nội dung. Chẳng hạn, “Nhận ra được mối liên hệ giữa thiết kế thuật toán theo kiểu quay lui và đệ quy” (lớp 11) trong khi vốn chúng chẳng có liên hệ gì đặc biệt. Quay lui thì biểu diễn bằng đệ quy hay theo lược đồ lặp đều được, và đệ quy thì được dùng để cài đặt thuật toán nào cũng được, chẳng riêng gì quay lui.