Trẻ em và công nghệ thông tin: Cần có những biện pháp tích cực cho lứa tuổi học trò

VietTimes – Ngày nay, máy tính và điện thoại thông minh đã trở nên rất phổ biến trong xã hội. Riêng với trẻ em, việc sử dụng cũng là chuyện bình thường. Bên cạnh những nỗi lo của xã hội về vấn nạn cận thị học đường, đam mê game online thì cũng rất phải ghi nhận một cách tích cực về tác dụng của CNTT.
Máy tính bảng cũng đã trở nên quen thuộc với nhiều học sinh. Ảnh: thegioididong
Máy tính bảng cũng đã trở nên quen thuộc với nhiều học sinh. Ảnh: thegioididong

Rất có lợi nếu đúng cách

Theo TS Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu trẻ em được sớm tiếp xúc với máy tính theo hướng hữu ích thì đó là điều rất tốt. Trước hết là thông qua những game hữu ích như Hangman, các em sẽ biết trả lời được những câu đố của game. Và nếu được học lập trình sớm thì cũng rất tốt vì các em sẽ làm quen dần được với việc xây dựng một phần mềm, dù là đơn giản để phục vụ cho các môn như Toán học, Vật lý…

Tuy nhiên, theo ThS Hà Đặng Cao Tùng – nguyên Chủ nhiệm Khoa CNTT của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ Đô), thay vì dạy lập trình cho các em, điều mà các bậc thầy cô nên làm là dạy xử lý thông tin chứ không phải là lập trình. Theo nhà giáo này, thực tế là rất nhiều người có thể không biết lập trình nhưng rất giỏi xử lý thông tin. Ví dụ có thể nêu ra là với một người tiều phu thì nếu gặp ngày mưa thì họ sẽ không vào rừng để đốn củi. Và với việc đi cắm trại chẳng hạn thì những vật dụng mang theo luôn phải tính toán tối ưu. Cụ thể là đương nhiên phải có áo mưa nhưng không nhất thiết phải mang theo cốc vì hoàn toàn có thể uống nước bằng bát…

Cũng cần nói thêm là các em còn có thể chủ động biết khai thác rất nhiều phần mềm tiện ích phục vụ cho giáo dục. Theo một giáo viên Địa lý ở Hà Nội, chắc chắn rằng với các phần mềm tiện ích thì hoàn toàn có thể xây dựng được những bài giảng sinh động với đủ âm thanh và hình ảnh một cách hấp dẫn. Tuy nhiên, bản thân giáo viên này lại chỉ biết không nhiều các kiến thức về phần mềm ứng dụng. Vì thế, cô đã ra yêu cầu với các học sinh của mình là làm sao xây dựng được bài giảng điện tử cho chính môn học của mình. Kết quả là chỉ trong vài ngày sau, cả lớp đã có sản phẩm với cả hình ảnh cùng âm thanh sinh động. Bản thân các em cũng say sưa thuyết trình về sản phẩm của mình trước sự ngạc nhiên của rất nhiều giáo viên.

Song cũng phải cảnh giác trước các hệ lụy xấu

Điều mà ai cũng thấy là nếu tiếp xúc với máy tính quá nhiều thì rất dễ bị cận thị. Có thể thấy, tỷ lệ cận thị ở học sinh phổ thông hiện là khá cao và thậm chí có những lớp có tới trên 50%. Chính vì thế, bác sĩ Hoàng Minh Châu – Chủ tịch Hội Nhãn khoa Hà Nội đã đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ là phải quan tâm, đưa con em mình đi khám mắt thường xuyên chứ không nên để đến lúc đã muộn. Bà cũng cho biết là không chỉ với trẻ em, người dùng máy tính sau cỡ 45 phút thì nên nghỉ mắt. Chính vì thế, theo quy định của ngành giáo dục thì mỗi tiết học chỉ kéo dài trong 45 phút. Đương nhiên, trong giờ nghỉ giữa 2 tiết học, lời khuyên cho các học sinh là không nên dán mắt tiếp vào màn hình của điện thoại thông minh, máy tính bảng để chơi game hoặc lướt Facabook.

Cũng cần phải nói thêm đến một thực tế nữa trên mạng đang thu hút, lôi cuốn học sinh. Đó là các game online và để tham gia thì chắc chắn là sẽ ngốn nhiều tiền bạc và thời gian. Đây là vấn đề rất nan giải với nhiều bậc phụ huynh và cũng không dễ gì có biện pháp để quản lý, răn đe. Nên chăng, họ chỉ có thể gửi con em của mình đến sinh hoạt ở các địa chỉ có tổ chức câu lạc bộ tin học cho học sinh như ở Cung Thiếu nhi Hà Nội để có được một môi trường sinh hoạt lành mạnh về CNTT cho chính lứa tuổi học trò. Cô Dương Thanh Thủy - người phụ trách Câu lạc bộ Tin học của Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết, không ít học sinh vốn nổi tiếng là đã đốt tiền của cha mẹ vào game online sau một thời gian đến sinh hoạt tại đây đã có những chuyển biến tích cực. Thậm chí đã có em đoạt giải tại Hội thi Tin học trẻ của thành phố.

Một lớp học tin học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội
 Một lớp học tin học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội

Riêng với việc tham gia các mạng xã hội như Facebook, đây là câu chuyện luôn luôn có tính hai mặt. Thông qua Facebook, chính các em sẽ có thêm nhiều bè bạn không học cùng trường. Tuy nhiên, những mối nguy cơ với các em qua môi trường này không phải là không có. Nhất là nếu các em chỉ đi một mình để offline với các đối tượng chưa từng quen biết.

Thay cho lời kết của bài viết này, xin được nhắc đến ý kiến của một nhà giáo là TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: "các bậc cha mẹ và thầy cô giáo cần thực sự là những người bạn của các em trong việc tham gia mạng xã hội. Chỉ có như vậy, họ mới thật sự nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em và góp phần định hướng lành mạnh khi tham gia vào môi trường này cho lớp trẻ".