Chiều 9/11, tại Đà Nẵng, hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, đại diện các tỉnh miền Trung, cùng đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cùng họp bàn về phát triển logistics tại khu vực trong Hội thảo chuyên ngành-“Liên kết xây dựng hệ thống và Trung tâm Logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2015 - 2016 đánh giá cao vai trò của 5 tỉnh thành gồm: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định trong tiến trình phát triển của Vùng. Không chỉ ở vai trò phát triển kinh tế-xã hội mà cả an ninh-quốc phòng. Chính vì vậy, việc liên kết xây dựng hệ thống logistics là vấn đề sống còn của sự phát triển tại khu vực.
"Với 4 cảng hàng không, 2 cảng hàng không quốc tế; 6 cảng biển, 4 khu kinh tế lớn; 1 khu công nghệ cao; 24 khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp; 7 đô thị lớn; 63 trường đại học, cao đẳng...Sở hữu hơn 3,76 triệu người trong độ tuổi lao động, cùng 4 di sản văn hóa thế giới, cùng hệ thống giao thông kết nối với hành lang kinh tế của khu vực cho thấy Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển chua bền vững, chưa tương xứng, còn chồng chéo, thiếu đồng bộ,...
Nên hy vọng Hội thảo lần này sẽ phân tích, đánh giá được các tiềm năng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển hệ thống và trung tâm Logistics tạ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời đề xuất giải pháp, các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống và trung tâm Logistics tạ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới", ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ.
Báo cáo đề dẫn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Trong kế hoạch phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, dịch vụ Logistics được xem là một ngành đặc biệt quan trọng, có nhiệm vụ khai thác lợi thế của vùng để phát triển và đóng góp tăng trường kinh tế".
"Chính vì vậy, Hội thảo cần xác lập tầm nhìn phát triển, sứ mệnh cho ngành Logistics với vai trò trong cơ cấu kinh tế vùng trước cơ hội hội nhập và bùng nổ phát triển; vai trò với sự phát triển của các vùng có liên quan cũng như việc hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và các ngành khai thác biển. Bên cạnh đó, Hội thảo cần đánh giá các điều kiện cơ bản để phát triển logistics vùng như: thực trạng, triển vọng; năng lực hạ tầng; mức độ đáp ứng yêu cầu; Các hạ tầng mềm;...Nhất là định hướng, ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp Logictis trong vùng", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cùng quan điểm chủ trì Hội thảo, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung: "Trong suốt thời gian qua, chúng ta loay hoay tìm nhạc trưởng và thật sự chúng ta đang thiếu nhạc trưởng. Chính vì vậy, tại sự kiện lần này, các đại biểu hãy bàn và cho biết nhạc trưởng là ai, Chính phủ, cơ quan nhà nước, địa phương hay doanh nghiệp đầu tàu. Có như vậy mới tạo dựng và liên kết trong việc xây dựng hệ thống Logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét, đánh giá là định hướng hoạt động, phát triển của doanh nghiệp Logistics trong nước. Bởi thực tế hiện tại, dù doanh nghiệp Logistics nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng thị phần và tỷ trọng chiếm đến 85%, trong khi đó số doanh nghiệp của chúng ta nhiều, nhưng hoạt động không mấy hiệu quả".