Mây kỳ ảo kể truyền thuyết gần lăng mộ Lạc Long Quân

VietTimes – Nếu thời gian trước tác giả bài viết đã ghi được những hình ảnh Phượng Hoàng Lửa trên bầu trời Tây Hồ thì gần đây, vào những thời khắc khác nhau trong ngày, tác giả may mắn ghi lại được hình ảnh Long Phụng sánh đôi, Long Phụng vầy duyên hay rồng cuộn khúc, khỉ thần Hanuman, cặp cá làm duyên trên bầu trời gần khu lăng mộ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Cặp mắt rồng trong tư thế rồng nằm cuộn khúc trên bầu trời gần lăng mộ và đền thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân tại Thanh Oai, Hà Nội.
Cặp mắt rồng trong tư thế rồng nằm cuộn khúc trên bầu trời gần lăng mộ và đền thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân tại Thanh Oai, Hà Nội.

Từ trước tới nay chúng ta luôn nghĩ rằng câu truyện về Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ chỉ có trong truyền thuyết. Nhưng qua những hình ảnh mà tác giả may mắn ghi lại được ở những thời khắc khác nhau trên bầu trời gần lăng mộ và ngôi đền Nội tại Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội - nơi thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân - đã khiến những ai quan tâm tới thế giới tâm linh phải suy nghĩ lại.

Long Phượng sánh đôi và hình tượng chim Lạc trên trống đồng của người Việt Cổ

Vào buổi sáng ngày 23/07/2020, vào thời khắc tinh sương, lúc 5h19, bầu trời quang đãng, ánh sáng còn mờ mờ, trên bầu trời xuất hiện duy nhất một dải mây hình chim Phượng Hoàng Lửa màu hồng cam và ẩn hiện dải mây đen lớn hình vảy rồng sánh đôi bay ngang bầu trời gần khu lăng mộ của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Hình ảnh xuất hiện rất lâu, chừng 10 phút mới tan và đám mây tan ấy đổi màu, tạo ra hình ảnh tựa như hình chim Lạc trên trống đồng của người Việt Cổ với một dải mây cùng màu mờ mờ bên dưới.

Hình ảnh Long Phụng sánh đôi gần lăng mộ và đền Nội thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội.
Hình ảnh Long Phượng sánh đôi gần lăng mộ và đền Nội thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội.

Trong bài viết trước, với tựa đề Thiên nhiên kỳ thú: Phượng hoàng lửa giữa hoàng hôn Tây Hồ, tác giả may mắn ghi lại được hình ảnh chim Phượng Hoàng Lửa sải cánh gặp Rồng vàng trên bầu trời Hồ Tây trong ráng chiều hoàng hôn cạnh chùa Trấn Quốc gợi nhớ về vua Lý Thái Tổ và Hoàng hậu Phất Ngân sau khi tác giả lễ vọng tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ tại Hồ Gươm trở về, qua chùa Trấn Quốc lễ vọng Phật A Di Đà thì lần ghi được hình ảnh Long Phượng sánh đôi này gợi cho chúng ta liên tưởng tới Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ.

Hình ảnh rồng cuộn khúc gần lăng mộ và đền thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân.

Hình ảnh Long Phượng sánh đôi vốn là biểu tượng cho vua và hoàng hậu theo các truyền thuyết được cho là xuất phát từ Trung Quốc dù cho các truyền thuyết này không thấy được nhắc tới trong các tài liệu được lưu truyền và không rõ được xuất phát từ đâu, ở thời điểm nào. Tuy nhiên, với lịch sử hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước với truyền thuyết cha Rồng - mẹ Phượng với thủy tổ theo truyền thuyết của người Việt là Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ, rất có thể, hình ảnh Long Phượng sánh đôi được xuất phát từ tích truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ của Việt Nam từ thời cổ xưa đó.

Từ hình ảnh Long Phượng sánh đôi xuất hiện hình ảnh dải mây tựa họa tiết chạm khắc về chim Lạc trên trống đồng cổ của người Việt Nam.
Từ hình ảnh Long Phượng sánh đôi xuất hiện hình ảnh dải mây tựa họa tiết chạm khắc về chim Lạc trên trống đồng cổ của người Việt Nam.

Cho tới thời điểm này, chưa có tài liệu nào chứng minh đã có sự tồn tại của Rồng và Phượng mà chủ yếu các câu chuyện được mô tả qua sự truyền miệng dân gian. Sự xuất hiện của Rồng và Phượng qua các hiện tượng thiên nhiên kỳ ảo cũng hiếm gặp và những hình ảnh tác giả bài viết này ghi lại được thực sự là một điều may mắn hiếm hoi.

Có chăng sự liên hệ giữa vua Lý Thái Tổ, Quốc Tổ Lạc Long Quân và thần Vishnu?

Hình ảnh mây kỳ ảo với cặp mắt rất rõ cùng khuôn mặt gợi nhớ tới thần kỉ Hanuman.
Hình ảnh mây kỳ ảo với cặp mắt rất rõ cùng khuôn mặt gợi nhớ tới thần kỉ Hanuman.

Cũng trên bầu trời gần lăng mộ và đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân ở những thời khắc khác nhau trong ngày tác giả đã vô tình ghi lại được các hình ảnh được kết từ những đám mây tựa như một hiện tượng thiên nhiên kỳ ảo, ví như vào 19h40 ngày 21/8/2020, tác giả ghi được hình ảnh từ đám mây cho thấy một khuôn mặt tựa như khuôn mặt của thần khỉ Hanuman trong sử thi Ramayana, chiều ngày 21/08/2020, trong ánh hoàng hôn, lúc 17h27 tác giả ghi được hình ảnh một cặp cá quấn quýt với mặt trời nằm trọn ở giữa hoặc trưa ngày 23/08/2020 vào lúc 10h52 ghi được hình ảnh tựa như một vị thần cưỡi trên chú chim khổng lồ; vào lúc 12h58 cùng ngày ghi được hình ảnh một người trong trang phục xưa…

Vị thần cưỡi chim trong những áng mây trắng bồng bềnh giữa trưa ngày 23/8/2020.
Vị thần cưỡi chim trong những áng mây trắng bồng bềnh giữa trưa ngày 23/8/2020.

Tất cả những hình ảnh trên gợi cho những ai quan tâm tới thế giới tâm linh hoặc quan tâm tới các nền văn hóa khác nhau trên thế giới liên tưởng tới hình ảnh của thần Vishnu - vị thần bảo hộ sự sống, duy trì các giá trị đạo đức. Đây là vị thần được tôn kính và thờ tự ở rất nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cho biết là một trong những hóa thân của Ngài. Trong đời sống, Ngài được xem là người chồng vĩ đại với sự hướng đạo con người tới các giá trị gia đình. Ngài luôn đặt hình ảnh vợ mình - nữ thần Lakshmi, nữ thần tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng (cả về tinh thần và vật chất), vận may và sắc đẹp trong đạo Hindu - trong ngực và đeo khuyên tai, trang sức “đồng bộ” với người vợ yêu của mình.

Một số tài liệu cho rằng, có sự liên hệ giữa truyền thuyết về Vua An Dương Vương với các nhân vật trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ thì liệu rằng có mối liên hệ nào đó giữa sử thi Ramayana với Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và phải chăng Lạc Long Quân cũng là một hóa thân của thần Vishnu và Đức Quốc Mẫu Âu Cơ là một trong những hóa thân của thần nữ Lakshmi?

Thần kỉ Hanuman trong sử thi Ramayana của Ấn Độ, được biết tới qua trích đoạn kịch của Lưu Quang Vũ với tựa đề
Thần kỉ Hanuman trong sử thi Ramayana của Ấn Độ, được biết tới qua trích đoạn kịch của Lưu Quang Vũ với tựa đề "Nàng Sita" được lấy từ wiki.

Điều khá thú vị là trước đó, Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân vẫn là vị thủy tổ trong truyền thuyết của Việt Nam, nhưng cho tới năm 1032, vua Lý Thái Tông, con trai trưởng và là người kế vị Vua Lý Thái Tổ đã hiến sắc suy tôn Đức Lạc Long Quân với bút tích được lưu truyền lại tại đền: “Lý triều hiến sắc/ Thánh tổ tiên vương/ Nhất bào bách noãn/ Sinh hạ bách thần/ Khai quốc an dân”.

Chưa có tài liệu nào đề cập tới việc liệu Đức Lý Thái Tổ có phải là hậu nhân của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân hay không? Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, với xuất thân và điểm nổi bật là bảo hộ Phật Pháp với việc cho xây dựng rất nhiều ngôi chùa, đưa người vào đạo, nhân hậu từ ái nổi tiếng trong sử sách Việt Nam, lại có nhiều tích gắn với rồng thiêng như Rồng vàng hiện ra trên thuyền để đặt tên thành là Thăng Long cho tới ngày nay thì rất có thể Đức Lý Thái Tổ chính là một hóa thân của thần Vishnu và người cũng chính là hậu nhân của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Cũng như vậy, hình ảnh chim Phượng Hoàng Lửa sánh đôi Rồng vàng ghi được trong ráng chiều hoàng hôn cạnh hồ tây ở bài viết trước được đoán là hoàng hậu Phất Ngân, 1 trong… 9 vị hoàng hậu của vua Lý Thái Tổ bởi bà không chỉ là vợ đích của Đức Lý Thái Tổ mà bà còn là công chúa con vua Lê Hoàn với Thái hậu Dương Vân Nga, là mẹ của vua Lý Thái Tông tức Hoàng thái Hậu đầu tiên của nhà Lý. Dù chỉ có vài dòng ngắn ngủi rất trân trọng viết về bà trong sử sách nhưng với sự cống hiến thầm lặng của bà trong việc nuôi dạy những người con - những nhân tài nổi danh muôn thuở cho nước Đại Việt thì rất có thể bà chính là một hóa thân của nữ thần Lakshi và cũng là hậu nhân của Đức Quốc Mẫu Âu Cơ.

Cặp cá làm duyên trong ánh chiều hoàng hôn với mặt trời ở giữa.
Cặp cá làm duyên trong ánh chiều hoàng hôn với mặt trời ở giữa.

Dĩ nhiên, với sự hiểu biết còn nông cạn, tác giả chỉ xin mạo muội gửi vài dòng mang tính gợi mở bởi với những điều vượt qua ngoài sự nghĩ bàn của chúng ta thì mọi sự liên hệ chỉ nhằm làm tăng thêm lòng tự hào về dân tộc và hướng chúng ta tới những cảm xúc tích cực. Những hình ảnh ghi được từ những đám mây chúng tôi chỉ dám dừng ở việc ghi nhận một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và còn để đề xuất một ý kiến nào đó về lịch sử hẳn nhiên phải nhờ các nhà nghiên cứu với các dẫn chứng từ khảo cổ hoặc chứng tích lịch sử từ cổ xưa.