Nguồn tin cho hay "Chương trình của các hệ thống điều khiển máy bay không người lái (UAV) và thả bom có công nghệ dẫn đường GPS đòi hỏi phải có những kiến thức kỹ thuật từ một nước phát triển... Bên cạnh đó, không phải bất cứ ai cũng có khả năng sử dụng dữ liệu giám sát không gian để tính toán chính xác các tọa độ. Chúng tôi muốn khẳng định lần nữa rằng cho tới thời điểm này khủng bố không có kỹ năng như vậy... Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ, khi các UAV thực hiện cuộc tấn công bầy đàn vào các phương tiện quân sự của Nga tại Syria thì máy bay do thám U.S. Poseidon bay hơn 4 giờ trên biển Địa Trung Hải ở độ cao 7.000m".
Nhưng nguồn tin này cũng không khẳng định dứt khoát việc P-8A có tấn công trực tiếp, hỗ trợ thông tin về mục tiêu hay các thông tin tình báo khác cho những kẻ tấn công căn cứ không quân và cũng không có thông tin chi tiết để đảm bảo những khẳng định trên là chính xác.
Máy bay tuần tra P-8A và P-3C của Hải quân Mỹ thường bay tuần tra trên biển Địa Trung Hải và những nơi khác trên vùng trời Châu Âu để theo dõi các điểm nóng và những khu vực có xung đột tiềm tàng, hỗ trợ bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Hải quân Mỹ triển khai P-8A trong khu vực vào năm 2016, họ đã điều 7 chiếc máy bay từ căn cứ VP-45 tới căn cứ Sigonella trên đảo Sicily, Italia với chu kỳ luân phiên 7 tháng một lần, lần thay đổi mới nhất là vào tháng 4.2017.
Cũng vào ngày 9.1.2018, tờ Sputnik của Nga đưa tin các chuyên gia đang tìm hiểu khả năng liên quan giữa P-8A và vụ tấn công - Trích dẫn tuyên bố trực tiếp từ Bộ Quốc phòng Nga. Bộ Quốc phòng Nga vẫn phủ nhận họ có ngụ ý người Mỹ có liên quan tới cuộc tấn công. Nhưng hiển nhiên người Nga có lý khi Mỹ có thể đang tiếp tay cho IS hay các nhóm khủng bố khác tại Syria.
Trên trang facebook chính thức, Bộ Quốc phòng có đưa một tuyên bố khác: "Cần phải trải qua những bài học tại một trường kỹ thuật chuyên nghiệp tại một tước phát triển để có thể lập trình hệ thống để điều khiển các UAV và thả bom có công nghệ dẫn đường GPS... Rất khó để một ai đó tính toán tọa độ dựa trên thông tin về không gian".
Chưa có chứng cứ xác thực là những quả bom được UAV thả xuống căn cứ Khmeimim là bom được trang bị hệ thống dẫn đường GPS. Ảnh mà chính phủ Nga đưa ra cho thấy hình ảnh một loạt các bom cối đã từng được sử dụng trước đó tại Syria và Iraq. Có thể những nguồn tin đưa ra đang muốn đề cập đến những chiếc UAV sử dụng chế độ bay tự động GPS để bay tới Khmeimim từ các vùng lãnh thổ do các nhóm phiến quân và khủng bố chiếm đóng hơn là những quả bom có công nghệ dẫn đường. Tuy nhiên, tọa độ GPS cho các địa điểm lớn như một căn cứ không quân cũng có thể tìm được ở trên mạng. Và những hình ảnh chi tiết của các máy bay Nga cũng được lưu hành rộng rãi trên mạng xã hội.
Tuyên bố của Nga về những chiếc UAV đã bay nhiều dặm trước khi tới một địa điểm định sẵn để thả bom vẫn chưa thể kiểm chứng. Nhưng một trong những thông tin đầu tiên về cuộc tấn công trên một bài báo đã chỉ ra những chi tiết có thể khiến chính phủ Nga khẳng định Mỹ và các đồng minh có thể liên quan tới vụ tấn công ồ ạt vào căn cứ Nga:
"Nga đã cung cấp toàn bộ thông tin về vụ đe dọa căn cứ của họ. Không ai biết độ chính xác của những chi tiết này thế nào. Nhưng nếu số lượng UAV là chính xác thì có thể nói đây là lần đầu tiên có một vụ tấn công phối hợp trên diện rộng bằng máy bay không người lái vào một căn cứ định trước. Những chiếc UAV đã bay hơn 60 dặm nghĩa là nó có thể bay từ ngoài những vùng lãnh thổ được kiểm soát và rất khó để chống lại. Mặt khác, Nga có thể đã đưa ra chi tiết này với mục đích đưa ra thông điệp các vùng quanh căn cứ quân sự là bất khả xâm phạm.
Bên cạnh những mối đe dọa từ máy bay không người lái, rocket, đạn pháo, không quân Nga cũng coi những tên lửa đất đối không vác vai là một mối đe dọa trực tiếp tới khu vực căn cứ, điều này cho thấy Nga đang hoạt động trong một vùng có rất nhiều vấn đề hơn là Bộ Quốc phòng và chế độ Assad đang thể hiện. Tuyên bố của Nga cũng ám chỉ dù ai đã điều khiển những chiếc UAV này, lực lượng chống Assad hay những nhóm khủng bố cũng đang nhận sự trợ giúp từ bên ngoài để tạo ra những loại tên lửa được nâng cấp hệ thống dẫn đường. Nga đang ám chỉ rõ ràng về khả năng các nước khác "thò tay" vào những cuộc tấn công này".
Sự khẳng định Mỹ và đồng minh đang hỗ trợ IS chống lại chế độ của tổng thống Bashar al-Assad vẫn được coi là một thuyết âm mưu. Đây không phải lần đầu Nga vin vào những lý lẽ như vậy. Vụ tấn công dồn dập vào căn cứ Khmeimim là một điều thật sự khó chịu với Nga vì nó tới ngay sau khi tổng thống Putin tuyên bố chiến thắng tại Syria và có chuyến thăm các nước trong khu vực vào Tháng 12.2017.
TASS đưa tin về những lo ngại tàu chiến của Nga tại cảng Tartus có thể bị khủng bố tấn công bằng tàu không người lái. Đây là chiến thuật từng được nhóm Houthi sử dụng thành công với những tàu chiến của liên minh Ả rập Xê-út tại Yemen. Năm 2000, khủng bố Al Qaeda cũng từng sử dụng tàu tấn công tự sát vào tàu chiến USS Cole của Mỹ khi nó đang neo ở cảng Aden, Yemen.
Câu chuyện thứ hai của TASS cho thấy khả năng tiềm tàng về việc khủng bố sử dụng UAV để tấn công dồn dập vào các cơ sở của Nga tại Syria bao gồm cả những địa điểm có tính chất ngoại giao. Nhiều chuyên gia có tên tuổi khẳng định trong các cuộc phỏng vấn là họ tin rằng khủng bố tại Syria không thể tấn công căn cứ Khmemmim hoặc sẽ có những cuộc tấn công tiếp theo mà không có sự hỗ trợ trực tiếp từ bên ngoài.
Trả lời phỏng vấn TASS, ông Igor Korotchenkov tổng biên tập tạp chí National Defense nói: "Tôi có thể kể tên những trung tâm sản xuất máy bay không người lái: các nước NATO bao gồm cả Mỹ, các nước Trung Đông (Ả rập Xê-út, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Israel) cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng không thể nói chính xác nước nào đứng đằng sau vụ tấn công nếu thiếu dữ liệu tình báo đáng tin cậy".
Tuy nhiên, cũng có những khẳng định ngược lại như ông Denis Fedutinov tổng biên tập Tạp chí Máy bay không người lái giải thích với TASS: "Không có gì bí mật vì IS đã từng sử dụng máy bay không người lái chế tạo bởi các nước khác tại Syria và Iraq nhưng những bức ảnh của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy những chiếc UAV này được lắp từ những bộ phận có bán trên thị trường". Theo Sputnik, quân đội Mỹ phủ nhận mọi liên quan tới cuộc tấn công. Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh kỹ thuật cần thiết để chế tạo các máy bay không người lái đều có bán rộng rãi trên thị trường.
Nếu chính phủ Nga không cung cấp được những bằng chứng xác thực hay liên quan, rất khó để họ giữ được lý lẽ của mình. Có thể sẽ có những cuộc tấn công ồ ạt tiếp theo ở cả trên bộ và trên biển và người Nga đang ý thức rõ ràng về điều này.