Mất đi "đối tượng công kích", truyền thông Mỹ còn gì để viết khi Tổng thống Trump hết nhiệm kỳ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Cựu CEO của công ty truyền thông Mỹ CBS đã từng phát biểu: “ Ông Trump có thể không tốt cho nước Mỹ, nhưng ông ấy rất tốt cho CBS”. Vậy, báo chí Mỹ sẽ ra sao sau khi ông Trump hết nhiệm kỳ?

Truyền thông Mỹ vốn không có mấy thiện cảm với Tổng thống Trump. (Ảnh: MercatorNet)
Truyền thông Mỹ vốn không có mấy thiện cảm với Tổng thống Trump. (Ảnh: MercatorNet)

Cũng như hầu hết các quốc gia phát triển, truyền thông Hoa Kỳ đang ở trong một cuộc khủng hoảng để tồn tại. Trong hơn một thập kỷ, doanh thu quảng cáo đã giảm dần và các mối đe dọa có dấu hiệu trầm trọng hơn trước sự lên ngôi của các nền tảng kỹ thuật số cũng như mạng xã hội. Điều này đã tạo ra áp lực không nhỏ đối với các tổ chức tin tức chính thống.

Với tư cách là Tổng thống, ông Trump không chỉ giúp báo chí Mỹ nâng cao thứ hạng mà còn tạo cơ hội để cho các tờ báo có các tin tức gây chú ý. Những phát ngôn gây sốc và các chính sách khác biệt của Tổng thống Trump thực tế đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các phương tiện truyền thông Mỹ khai thác. Ông Trump thậm chí còn gọi truyền thông Mỹ là “kẻ thù của nhân dân”.

Cuộc chiến của Trump với truyền thông Mỹ cũng đã tạo cho các nhà báo có cơ hội để khẳng định lại quyền lực của họ và quan trọng hơn là sự hiện diện của họ. Đúng như cựu CEO đài CBS Les Moonves đã nói vào năm 2016: “Trump có thể không tốt cho nước Mỹ, nhưng ông ấy rất tốt cho CBS”.

Ông Trump sẽ phải rời Nhà Trắng vào tháng 1/2021, và các phương tiện truyền thông sẽ bắt đầu đưa tin về vị Tổng thống mới Joe Biden như thế nào là điều được nhiều người quan tâm.

Ông Biden đã có một mối quan hệ khá tốt đẹp với truyền thông Mỹ trong quá khứ, ngay từ khi ông còn là Phó Tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama - người được coi là “con cưng” của giới truyền thông. Ông Obama hầu như không nằm trong tầm ngắm của bất kỳ cuộc tấn công nào đến từ báo chí trong suốt chiến dịch tranh cử và hai nhiệm kỳ sau đó của ông tại Nhà Trắng.

Nhà phê bình nổi tiếng Jack Shafer viết trên Politico rằng trong nhiều năm qua, “ưu ái lớn nhất của giới truyền thông dành cho Biden là phớt lờ ông ấy”. Do đó, cách báo chí phản ứng với ông Biden thời gian sắp tới sẽ là chìa khóa quan trọng chứng minh sự tín nhiệm liên tục của giới truyền thông Mỹ. Điều này quan trọng gấp đôi các bài viết về chính sách và phát ngôn của Tổng thống Trump. Báo chí Mỹ có thể sẽ phải làm việc căng thẳng hơn để củng cố vai trò của mình.

Sắp tới, sau ông Trump - người mà hầu hết các nhà báo kỳ cựu của Mỹ chẳng ưa, ông Biden được dự đoán sẽ trở thành một “ngôi sao truyền thông mới” - người có thể mang đến cho các nhà báo những “câu chuyện hay” để viết, tạo cơ hội cho các chuyên gia bình luận, phân tích và mổ xẻ. Và, nếu Biden “tốt cho nền dân chủ” thì các nhà báo sẽ đưa tin như thế nào trước gần một nửa nước Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Trump?

Theo Misha Ketchell, biên tập viên của The Conversation, việc giảm bớt sự tập trung vào Tổng thống Trump có thể đem tới cho các nhà báo cơ hội quan tâm đến những vấn đề quan trọng khác. Tuy nhiên, ông Misha cũng lo lắng rằng mảng tin chính trị mà không có sự hiện diện của ông Trump liệu có khiến báo chí trở nên nhàm chán?

Nhiều người sẽ phản biện rằng các chính sách cũng như phát ngôn của Tổng thống Trump đã gây chia rẽ và nguy hiểm cho nước Mỹ. Nhưng các nhà báo và những nhà đầu tư của họ sẽ phải tìm một “kẻ thù mới” nếu họ muốn thăng hạng mức tín nhiệm và thậm chí là danh tiếng của chính họ sau khi ông Biden lên làm Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021.

Lịch sử đã chứng minh rằng, sự khác biệt luôn thu hút sự chú ý hơn là ổn định. Bởi vậy, có những câu hỏi cấp thiết dành cho các phương tiện truyền thông Mỹ trong thời gian tới. Sự chống đối một cách thẳng thắn của Tổng thống Trump với truyền thông Mỹ - cái mà ông gọi là “truyền thông tin tức giả mạo” đã giúp cho các tổ chức tin tức nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Điều này có thể sẽ thay đổi khi nước Mỹ bước vào “thời đại” của ông Biden.

Theo The Conversation