Luồng tin độc hại và thuyết âm mưu về vaccine COVID-19 làm hại nỗ lực tiêm chủng ở Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Rất nhiều người ở những “điểm nóng” COVID-19 như Malaysia, Indonesia và Philippines do dự đi tiêm phòng do làn sóng bài trừ vaccine.
Luồng tin sai lệch về vaccine COVID-19 gây ra thách thức cho nỗ lực tiêm chủng ở nhiều nước Đông Nam Á (Ảnh: EPA)
Luồng tin sai lệch về vaccine COVID-19 gây ra thách thức cho nỗ lực tiêm chủng ở nhiều nước Đông Nam Á (Ảnh: EPA)

Mặc dù Gerry Casida nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 ở Philippines do bị bệnh hen suyễn, nhưng ông lại không có ý định đi tiêm sớm. Một đoạn video mà ông bắt gặp trên mạng xã hội, có cảnh một phụ nữ tuyên bố rằng các chủng vaccine đang được sử dụng để diệt chủng, chính là nguyên nhân mà ông do dự.

“Tôi đọc rất nhiều bài đăng trên Facebook về việc nhiều người chết ở các nước khác do vaccine” – người công nhân xây dựng 43 tuổi đến từ Manila, nói với SCMP – “Mẹ tôi cũng tìm đến một y sĩ địa phương, và người này nói rằng vaccine có thể ảnh hưởng tới tim của tôi”.

Có đến hàng triệu người giống như Casida ở những “điểm nóng” COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á đang không muốn đi tiêm sớm hoặc nói không với tiêm vaccine, nguyên nhân là do luồng thông tin sai lệch trên mạng xã hội – từ cả các nguồn tin địa phương và làn sóng bài trừ vaccine ở Mỹ. Những thông tin sai lệch này đang gây ra làn sóng hoang mang ở nhiều nước, làm ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 ngay ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất của châu Á.

Ở Philippines, 68% người dân hoặc không chắc chắn hoặc không sẵn sàng đi tiêm vaccine; theo công ty thăm dò Social Weather Stations. 1/3 người dân ở Thái Lan nghi ngờ hoặc từ chối tiêm vaccine; theo kết quả thăm dò của Suan Dusit Poll, trong khi ở Indonesia, gần 1/5 dân số do dự tiêm vaccine.

Và làn sóng bài trừ vaccine chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đó, khiến cho nhiều quốc gia vốn đã gặp khó với việc đảm bảo nguồn cung vaccine nay còn chật vật thuyết phục người dân đi tiêm. Tính đến nay, mới chỉ có chưa đến 10% dân số Thái Lan và Philippines đã tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19.

“Đây là kiểu truyền thông ô nhiễm” – Melissa Fleming, phó tổng thư ký phụ trách truyền thông toàn cầu của LHQ, nói trong một diễn đàn trực tuyến hồi tháng 5 – “Thứ dịch bệnh truyền thông này giờ đã biến đổi, và nó tập trung vào việc phát tán thông tin sai lệch về vaccine. Nó reo rắc nỗi sợ hãi cho nhiều người”.

Trong số nhiều nhóm thảo luận chống vắc xin trên mạng xã hội mà hãng tin Bloomberg tìm hiểu, một nhóm tôn giáo tại Philippines cho rằng những người tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị "đóng dấu của quái vật", và bài đăng trên mạng xã hội này thu hút được hàng nghìn lượt xem.

Ở Malaysia, thông tin sai lệch cho rằng vaccine gây nguy hiểm đến tính mạng, nội tạng và thậm chí làm biến đổi gien…lan tràn trên ứng dụng WhatsApp. Rất nhiều trong số đó còn cố tình thổi phồng những phát ngôn của giới chính trị gia Mỹ, thậm chí là phát ngôn của Michael Yeadon, một nhà khoa học từng làm việc cho Pfizer nay trở thành một hình tượng trong cộng đồng bài trừ vaccine.

Nhiều thuyết âm mưu đang lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội ở khắp khu vực, trong đó có một thuyết nói răng những con chip siêu nhỏ chứa bên trong các chủng vaccine COVID-19 sẽ thu thập thông tin sinh trắc học của người dân.

Làn sóng này đã trở thành một thách thức đối với chính phủ nhiều nước đang nỗ lực tiêm chủng cho 80% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. Gần như tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều đang chật vật đương đầu với giông bão: các đợt bùng phát dịch do các chủng virus dễ lây lan hơn, chiến dịch tiêm chủng tụt hậu do thiếu nguồn cung vaccine, và nhiều nước giàu tích trữ vaccine.

Một người phụ nữ đang được tiêm vaccine COVID-19 ở Indonesia (Ảnh: Reuters)

Một người phụ nữ đang được tiêm vaccine COVID-19 ở Indonesia (Ảnh: Reuters)

Tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin đã phải ra mặt đảm bảo với người dân rằng vaccine an toàn, nói rằng các chủng vaccine không có chứa chip siêu nhỏ bên trong. Ông cũng bác bỏ thuyết âm mưu cho rằng vaccine là chiêu trò của tổ chức Illuminati nhằm thiết lập trật tự thế giới mới; theo Strait Times.

Thậm chí ở Singapore, nước phần lớn đã kiểm soát được dịch COVID-19, những người trẻ tuổi và có học thức cũng bị lừa bởi thông tin sai lệch; Leong Hoe Nam, bác sĩ chuyên ngành dịch bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena nói.

“Một số câu chuyện bị thổi phồng quá mức, nhưng lý do thì giống nhau” – ông nói.

Tháng 5 vừa qua, một bức thư mở mà hơn một chục bác sĩ Singapore chắp bút viết đã tỏ ý hoài nghi về độ an toàn của các chủng vaccine mRNA, trong đó nói rằng các mũi tiêm sẽ làm biến đổi DNA của con người. Bức thư này được chia sẻ mạnh trên WhatsApp. Sự việc khiến Bộ Y tế nước này đưa ra một thông cáo báo chí nói rằng tất cả các chuyên gia y tế trên “sau đó đã rút lại tuyên bố của họ”.

Còn một nguyên nhân khác khiến người dân do dự đi tiêm vaccine. Đó là, trong khi các nước giàu có ở phương Tây đang đi chiwa sẻ các mũi tiêm mRNA cực kỳ hiệu quả, thì các nước nghèo hơn phải tranh nhau nguồn cung và không có quyền lựa chọn nhãn hiệu vaccine. Khi một quốc gia chỉ được chọn một loại vaccine duy nhất, nhiều người dân ở nước này lại muốn chờ đợi để có các mũi tiêm có hiệu quả cao hơn.

Ở Thái Lan, nhiều người từ chối tiêm vaccine của hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc và AstraZeneca của Anh. Ở Philippines, gần 50% người dân tham gia một bản thăm dò nói rằng họ tin vaccine của Mỹ nhất, nhưng thực tế là chương trình tiêm chủng nước họ chủ yếu dựa vào vaccine Sinovac.

Theo SCMP