WSJ: 26 bác sĩ Indonesia tử vong trong tháng 6 vì COVID, ít nhất 10 người đã tiêm vaccine Sinovac

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ít nhất 10 trên 26 bác sĩ tử vong do COVID-19 ở Indonesia trong tháng này từng được tiêm cả 2 liều vaccine do Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc sản xuất.
Indonesia dựa chủ yếu vào vaccine Sinovac trong chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 (Ảnh: Bloomberg)
Indonesia dựa chủ yếu vào vaccine Sinovac trong chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 (Ảnh: Bloomberg)

Hiệp hội Y khoa Indonesia hiện vẫn đang tiếp tục làm rõ hiện trạng tiêm vaccine của 16 bác sĩ còn lại; theo Tiến sĩ Adib Khumaidi. Theo con số mới nhất mà Hiệp hội đưa ra, trong giai đoạn 5 tháng, ít nhất 20 bác sĩ đã được tiêm đầy đủ vaccine do Sinovac sản xuất đã tử vong do COVID-19, chiếm hơn 1/5 tổng số ca bác sĩ tử vong trong khoảng thời gian đó.

Con số này còn có thể tăng thêm trong những tuần tới, khi mà Indonesia đang phải đối mặt với số ca nhiễm COVID-19 và trường hợp nhập viện tăng đột biến.

Giới chuyên gia bệnh dịch học nói rằng cần phải điều tra kỹ những ca tử vong này để xem những nhân tố nào đóng vai trò chính – như điều kiện chăm sóc tại bệnh viện hay bệnh nền. Họ cũng cho rằng cần phải thu thập thêm dữ liệu, như có bao nhiêu bác sĩ đã tiêm vaccine bị nhiễm COVID-19 – điều mà Bộ Y tế Indonesia hiện chưa theo dõi.

Khoảng 90% bác sĩ ở Indonesia – ước tính 160.000 người – đã được tiêm vaccine của Sinovac; theo Hiệp hội Y khoa Indonesia, bởi vậy mà những bác sĩ được tiêm vaccine đã tử vong chỉ chiếm một phần nhỏ nếu so với con số tổng.

Theo ông Paul Hunter – Giáo sư chuyên ngành dược thuộc ĐH East Anglia, Anh – thông tin về một số bác sĩ ở Indonesia dù đã được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ vẫn tử vong không hẳn là điều quá bất ngờ. Theo ông, đó là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố - như có khả năng là vaccine của Sinovac “không đạt hiệu quả như phần lớn các loại vaccine trên thị trường”, hay các bệnh viện ở Indonesia không phải lúc nào cũng đủ máy móc và khả năng để tiếp nhận những trường hợp nghiêm trọng giống như bệnh viện ở các nước có hệ thống y tế tốt hơn…

Indonesia hiện đang phải dựa vào vaccine của Sinovac để thực hiện chiến lược tiêm chủng. Chủng vaccine này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, nhưng do tỷ lệ đạt hiểu quả dao động trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng cùng thiếu sự minh bạch dữ liệu đã dẫn tới nhiều quan ngại trong cộng đồng chuyên gia y tế công đối với chủng vaccine này – như về mức độ bảo vệ mà nó cung cấp, và thời gian mà sự bảo vệ đó tồn tại.

Theo một nghiên cứu ở Brazil, tỷ lệ có hiệu quả trong ngăn chặn các ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng của vaccine Sinovac là khoảng 50%, mặc dù tỷ lệ đó có cao hơn trong việc ngăn chặn các ca nhiễm nặng. Tháng 4 vừa qua, chính quyền ở Chile nói rằng vaccine Sinovac đạt hiệu quả 80% trong ngăn chặn tử vong do mắc COVID-19, ở thời điểm 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai.

Tháng trước, chính quyền Indonesia cũng dẫn một nghiên cứu so sánh mức độ phòng COVID-19 của các bác sĩ đã được tiêm và chưa được tiêm vaccine ở Jakarta, từ đó chỉ ra rằng mũi tiêm của Sinovac đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn tử vong do COVID-19. Nghiên cứu được thực hiện từ trước khi làn sóng dịch hiện tại ở Indonesia bùng phát.

Theo WSJ, một phát ngôn viên của chính phủ Indonesia nói rằng tình trạng cá nhân của các bác sĩ bị tử vong cần phải được điều tra để từ đó đưa ra kết luận về vaccine. Ở một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Indonesia, như Kudus, phần lớn trong số vài trăm nhân viên y tế được tiêm vaccine đều chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ của COVID-19 và phục hồi nhanh chóng; theo phát ngôn viên Nadia Tarmizi, thêm rằng “không thể nói rằng (vaccine) Sinovac không lý tưởng”.

Dữ liệu được thu thập bởi Hiệp hội Y khoa Indonesia chỉ ra rằng, con số bác sĩ tử vong do COVID-19 ở nước này đã giảm so với tháng 12/2020 và tháng 1/2021 – thời điểm mà chiến dịch tiêm chủng bắt đầu và mỗi 2 tháng lại có khoảng 60 bác sĩ tử vong do COVID-19.

Ở Surabaya, thành phố lớn nhất tỉnh Đông Java, một bác sĩ X-quang 54 tuổi tên Eko Sonny Tejolaksito đã tử vong do COVID-19 hồi đầu tháng 6. Ông đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine của Sinovac từ đầu năm nay; theo bác sĩ Catur Budi Keswardino, một người bạn thân của ông tại bệnh viện trong thành phố. Bác sĩ Eko có 2 bệnh nền là cao huyết áp và tiểu đường.

Khi bác sĩ Eko có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19,tình trạng bệnh của ông không đặc biệt nghiêm trọng, và ông tới điều trị tại một bệnh viện địa phương không có phòng chăm sóc tích cực. Sức khỏe của ông suy giảm nhanh chóng trong vòng 2 ngày, khiến người ta quyết định chuyển ông tới một bệnh viện có trang bị máy thở. Tuy nhiên, chưa kịp chuyển tới đó thì ông Eko đã tử vong.

Jin Dong-Yan – Giáo sư chuyên ngành virus học phân tử tại ĐH Hong Kong – cho rằng những ca tử vong trên khiến chính quyền các cấp cần phải xem xét lại các mũi tiêm tăng cường. Các nhân viên y tế ở Indonesia nên được sử dụng thêm một mũi vaccine của Sinovac hoặc một mũi tiêm do Mỹ phát triển để đảm bảo sự bảo vệ tốt hơn; ông nói.

Tiến sĩ Adib thuộc Hiệp hội Y khoa Indonesia cũng cho rằng các mũi tiêm tăng cường có thể là cần thiết, thêm rằng “Chúng ta không biết được kháng thể tồn tại trong bao lâu”.

Theo Wall Street Journal