Theo yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan Tokayev ngày 6/1, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đã cử lực lượng gìn giữ hòa bình, trong đó có hàng ngàn binh sĩ Nga tới Kazakhstan để giúp dẹp yên tình trạng hỗn loạn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói, những bài học trong lịch sử gần đây cho thấy, khi người Nga đặt chân đến các quốc gia khác, đôi khi rất khó để mời họ rời đi. Ông cho rằng chính phủ Kazakhstan có khả năng ứng phó thích hợp với tình hình biểu tình, cùng với việc tôn trọng quyền của người biểu tình trong khi vẫn duy trì pháp quyền, không hiểu tại sao phải mời bên ngoài vào hỗ trợ. Ông nhắc nhở quân đội nước ngoài và Kazakhstan cần tuân thủ tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Ông Antony Blinken cảnh báo người Kazakhstan về sự có mặt của Quân đội Nga (Ảnh: Sina). |
Bộ Ngoại giao Nga trong một bài đăng trên mạng xã hội Telegram đã chỉ trích ông Blinken vì “đã đùa cợt với bi kịch xảy ra ở Kazakhstan và chế nhạo phản ứng hoàn toàn hợp pháp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO)”. Bộ Ngoại giao Nga chỉ rõ: "Nếu ông Blinken yêu thích những bài học lịch sử đến vậy, thì ông hãy xem xét đến những điều sau: Khi người Mỹ ở trong nhà của bạn, sẽ thấy rất khó để sống vì nếu không bị cướp cũng bị cưỡng hiếp" và “người Mỹ thổ dân, Hàn Quốc, Việt Nam, Syria thật bất hạnh vì có những vị khách không mời mà đến (quân đội Mỹ) trước cửa nhà họ".
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã giận dữ chỉ trích ông Antony Blinken là "ấu trĩ và loạn ngôn".
Bà Maria Zakharova chỉ trích ông Antony Blinken là "ấu trĩ và loạn ngôn". (Ảnh: RIA). |
Theo Hãng thông tấn Sputnik và kênh truyền hình Zvezda ngày 9/1, bà Zakharova đã phát biểu trong một chương trình truyền trực tiếp trên YouTube rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là "ấu trĩ và loạn ngôn". Bà nói: "Có người nói đó là hội chứng sợ Nga. Tôi nghĩ đó là biểu hiện của sự tuyệt vọng và thiếu luận cứ. Nói chính xác, họ (Mỹ) đang tuyệt vọng vì thiếu luận cứ. Bây giờ mọi người đang hỏi người Mỹ về Kazakhstan và họ đang bối rối, không biết ăn nói thế nào, cho nên mới ấu trĩ và nói bừa như thế", bà Zakharova nói.
Liên quan đến tình hình Kazakhstan, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 9/1, sau nhiều ngày bất ổn, tình hình ở Kazakhstan nói chung đã trở lại bình yên vào cuối tuần. Hơn 5.100 người đã bị bắt giữ tại nhiều nơi khác nhau trên khắp đất nước do bị tình nghi tham gia bạo loạn, trong đó có cả những người mang hộ chiếu nước ngoài. Các nhân viên thực thi pháp luật tiếp tục các hoạt động chống khủng bố, binh lính đóng quân tại các trạm kiểm soát gần thành phố lớn nhất Almaty để ngăn các phần tử vũ trang trốn thoát; lực lượng gìn giữ hòa bình Nga thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã đóng quân tại các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Lực lượng an ninh Kazakhstan truy bắt các phần tử vũ trang bỏ trốn (Ảnh: Đông Phương). |
Vào ngày Thứ bảy (8/1) vừa qua, người dân Almaty tranh thủ tình hình bớt căng thẳng để ra ngoài mua đồ tại các cửa hiệu vẫn kinh doanh. Một chủ hàng ăn nhỏ cho truyền thông Đức biết nhu cầu về hàng hóa rất lớn, đặc biệt là bánh mì và mì sợi. Trước khi mở cửa bán hàng, ông đã tới xếp hàng ở tiệm bánh để mua 50 ổ bánh mì, và tất cả các hàng hóa trong cửa hiệu của ông đã được bán hết trong vòng 1 giờ sau khi mở cửa. Ông cho biết, tiệm bánh mì vẫn đang hoạt động nhưng vấn đề là các tài xế của tiệm ngại giao hàng vì lo ngại người biểu tình. Trong mấy ngày qua, Kazakhstan bị ngắt kết nối Internet, một số người thỉnh thoảng kết nối Internet và biết được diễn biến của cuộc biểu tình, họ cảm thấy lo lắng khi thấy có cả phụ nữ và trẻ em bị bắn.
Cảnh đổ nát ở một khu thương mại Almaty sau vụ bạo loạn (Ảnh: Toutiao). |
Thành phố vào Chủ nhật (ngày 9/1) rất bình yên, một số cơ quan truyền thông mô tả hoạt động chống khủng bố trong nước đang bước vào một "giai đoạn mới". Quân đội án ngữ 13 trạm kiểm soát xung quanh thành phố Almaty, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ của mọi người, khống chế mọi cửa ngõ thành phố. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp ổn định tình hình mà chính phủ Kazakhstan thực hiện đã có hiệu quả tích cực. Phòng Thương mại Quốc gia Kazakhstan ước tính thiệt hại kinh tế do cuộc bạo loạn mấy ngày qua gây ra lên tới 212 triệu USD, hơn 400 xe cộ bị đốt, hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng bị tấn công, cướp phá.
Có tin đồn rằng cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã rời khỏi Kazakhstan. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông hôm Chủ nhật (9/1) làm rõ rằng hiện ông đang ở thủ đô Nur-Sultan để hỗ trợ Tổng thống Tokayev. Trước đó ông cũng đã tự nguyện từ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia để giao quyền lãnh đạo cho Tổng thống Tokayev.
Sputnik đưa tin về người Kyrgyzstan thừa nhận đã nhận tiền để biểu tình ở Kazakhstan. |
Trong khi đó, truyền thông Nga đưa tin có bằng chứng cho thấy sự can thiệp của nước ngoài trong cuộc bạo loạn vừa qua: một người đàn ông nước ngoài bị bắt thừa nhận đã nhận hơn 200 USD để tham gia các cuộc biểu tình ở Kazakhstan
Hãng tin Nga Sputnik ngày 9/1 dẫn nguồn cơ quan truyền thông địa phương Khabar 24 nói, một người đàn ông đến từ Kyrgyzstan bị bắt ở Almaty đã thú nhận rằng một người "không rõ nhân thân" trước đó đã đưa cho anh ta hơn 200 USD để tham gia biểu tình ở Kazakhstan.
“Một nhóm người lạ đã gọi cho tôi trước đó và nói (yêu cầu) tôi tham dự một cuộc biểu tình (ở Kazakhstan) và họ sẽ đưa cho tôi 90.000 tenge (khoảng hơn 200 USD). Vì tôi không có việc gì làm ở Kyrgyzstan nên tôi đã đồng ý", nghi phạm bị bắt nói với phóng viên Khabar 24.
Người đàn ông Kyrgyzstan bị bắt thú nhận trên đài Khabar 24 (Ảnh: Sina). |
Người đàn ông này cho biết nhóm người không rõ danh tính đã mua vé xe và trả tiền thuê chỗ ở cho anh ta ở Kazakhstan. Khoảng 10 người khác đến từ Uzbekistan và Tajikistan sống cùng với anh ta, người đàn ông bị bắt này khai.
Hãng Sputnik trước đó đưa tin, ông Sergei Lebedev, Thư ký điều hành của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đã nói rằng các cuộc biểu tình ở Kazakhstan đã được chuẩn bị từ trước để gây bất ổn, những kẻ tổ chức nó rõ ràng có sự hậu thuẫn của nước ngoài. Theo Sputnik ngày 7/1, Nga cũng đã tuyên bố rằng một loạt vụ bạo loạn hiện nay ở Kazakhstan là do các thế lực nước ngoài xúi giục nhằm phá hoại an ninh quốc gia của nước này.