Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 10/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym Jomart Tokayev đã cách chức hai cấp phó của cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Karrim Massimov và có thể sẽ công bố danh sách thành viên nội các của chính phủ mới vào ngày 11/1, đồng thời mô tả cuộc bạo loạn là một âm mưu đảo chính. Người phát ngôn của Tổng thống tiết lộ lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga đứng đầu có thể rút về trong tuần này.
Ngày 7/1, Lực lượng gìn giữ hòa bình Kyrgyzstan chuẩn bị lên máy bay quân sự của Nga tại sân bay ngoại ô Bishkek để tới Kazakhstan (Ảnh: AP) |
Trang web của Văn phòng Tổng thống thông báo, Marat Osipov và Daulet Ergozhin, các thành viên hàng đầu của Ủy ban An ninh Quốc gia, đã bị Tổng thống Tokayev bãi chức mà không nêu lý do, cả hai đều là cấp phó của Massimov, Chủ tịch Ủy ban vừa bị bắt cách đây vài ngày vì tình nghi phản quốc.
Văn phòng Tổng thống cho biết tất cả các vùng của đất nước đã ổn định, cơ quan thực thi pháp luật đã giành lại quyền kiểm soát nhiều tòa nhà hành chính và chiếm lại một số cơ sở chiến lược dưới sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO.
Lực lượng gìn giữ hòa bình trên đường phố Almaty (Ảnh: AP). |
Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể đã tổ chức một Hội nghị đặc biệt của Hội đồng An ninh Tập thể vào thứ Hai (10/1). Tại Hội nghị, Tổng thống Kazakhstan Tokayev cho biết rằng những kẻ khủng bố có âm mưu chiếm chính quyền nhà nước: "Giai đoạn nóng đã bắt đầu, các phần tử vũ trang đợi thời cơ để bắt đầu hành động. Mục đích chủ yếu của chúng rõ ràng là phá hoại hệ thống hiến pháp, phá hoại hệ thống quản lý và cướp chính quyền". Ông mô tả Kazakhstan đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn, tồi tệ nhất trong 30 năm từ khi độc lập.
Tổng thống Kazakhstan Tokayev tuyên bố vụ bạo động là một âm mưu đảo chính không thành (Ảnh: Đông Phương). |
Các cuộc biểu tình tại Kazakhstan bắt đầu nổ ra tại nhiều nơi vào ngày 2/1/2022, yêu cầu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia lúc đó là cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã cầm quyền từ lâu từ chức. Các cuộc biểu tình bắt đầu ở thị trấn dầu lửa Zanauzin ở phía tây Kazakhstan sau khi giá gas hóa lỏng (LPG) tăng đột biến, nhưng nhanh chóng lan sang các thành phố khác bao gồm cả Almaty.
Những người biểu tình đốt xe trên đường phố Almaty (Ảnh: AP). |
Zanauzin là một thành phố dầu mỏ ở Kazakhstan, các cuộc đình công và biểu tình đã liên tục nổ ra ở đây trong nhiều năm. Theo báo cáo, giá LPG đã tăng nhiều lần. Tháng 1/2020, khi giá dầu tăng từ 55 lên 65 tenge/lít (1 tenge khoảng 0,0023 USD), người dân Zanauzin đã phản đối, yêu cầu giảm giá. Theo những người biểu tình, giá khí hóa lỏng ở địa phương đã tăng gấp ba lần kể từ ngày 1/1/2022, lên 120 tenge/lít.
Xe chở khách bị các phần tử bạo loạn đốt (Ảnh: AP). |
Ngày 2/1, người dân Zanauzin đã chặn các con đường trong thành phố để phản đối việc tăng giá khí đốt; ngày 3/1, hàng trăm cư dân của Zanauzin đã cắm trại ở quảng trường qua đêm. Đến trưa hôm sau, tiếp tục có thêm một số người gia nhập, đòi bầu cử trực tiếp lãnh đạo địa phương, số lượng tham gia lên tới khoảng 1.000 người. Trong thời gian này, cảnh sát canh chừng và không can thiệp. Ngày 4/1, khoảng 1.000 người biểu tình đã tập trung gây rối tại trung tâm thành phố Almaty lớn nhất Kazakhstan. Cảnh sát đã sử dụng đạn phát sáng và hơi cay để giải tán những người biểu tình.
Trụ sở chính quyền thành phố Almaty bị đốt (Ảnh: AP). |
Ngày 5/1, Tổng thống Tokayev nói rằng ông sẽ xem xét tất cả các yêu cầu hợp lý của những người biểu tình. Sau khi thảo luận với những người biểu tình, ủy ban đặc biệt đã đồng ý giảm giá LPG xuống còn 50 tenge/lít.
Tuy nhiên, ngày 5/1, các cuộc biểu tình leo thang thành bạo động, những người biểu tình đã xông vào đốt phá dinh tổng thống và văn phòng của thị trưởng Almaty. Tổng thống Tokayev nói "20.000 kẻ cướp" đã tấn công vào Almaty thành phố chính của đất nước.
Cảnh sát chống bạo động xếp hàng ngăn chặn người biểu tình ở Almaty hôm 5/1 (Ảnh: AP). |
Tổng thống Tokayev ban bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Mangistau và Almaty từ ngày 5/1 đến ngày 19/1. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Tokayev đe dọa sẽ làm mọi cách để trấn áp mạnh mẽ những người gây bạo loạn, nhấn mạnh ông không có ý định sống lưu vong.
Trụ sở Đảng Ánh sáng Tổ quốc cầm quyền bị đốt phá (Ảnh: AP). |
Trụ sở của Đảng Ánh sáng Tổ quốc cầm quyền cũng bị phóng hỏa và đập phá. Một nguyên nhân chính khác khiến biểu tình bùng nổ là do người dân bất bình trước việc ông Nazarbayev, người được cho là đã cai trị đất nước suốt 30 năm đã từ chức tổng thống sau các cuộc biểu tình năm 2018, nhưng vẫn nắm quyền với tư cách là người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Kazakhstan.
Sáng sớm 5/1, các nhân viên thực thi pháp luật Kazakhstan thực thi giới nghiêm tòa nhà chính quyền thành phố Almaty. (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Vào đêm ngày 5/1, Tổng thống Tokayev đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng An ninh Quốc gia do ông chủ trì. Tokayev cho biết ông đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) vì có những “băng đảng khủng bố” được đào tạo ở nước ngoài xâm nhập Kazakhstan. CSTO đã sớm quyết định cử một lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể đến Kazakhstan theo yêu cầu của ông Tokayev.
Trên đường phố Almaty, thi thể một binh sĩ nằm cạnh một chiếc xe tải quân sự bị thiêu rụi sau vụ đụng độ (Ảnh: AP). |
Ngày 6/1, các cơ cấu tài chính ở Kazakhstan đã tạm ngừng kinh doanh và chính phủ cùng ngày cũng ngắt mạng Internet. Các nhà chức trách cho biết họ đã giành được quyền kiểm soát tất cả các tòa nhà chính phủ ở Almaty và cho biết các cuộc đụng độ đã khiến hàng chục người biểu tình và ít nhất 12 cảnh sát thiệt mạng.
Cảnh sát Almaty bắt giữ những kẻ gây rối (Ảnh: AP). |
Hôm 6/1, Bộ Nội vụ cho biết trong một tuyên bố: "Sở cảnh sát Almaty đã mở một chiến dịch truy quét trên các đường phố Karasay-Batel và Masanchi, các biện pháp đang được thực hiện để bắt giữ những kẻ phạm tội. Tổng cộng, khoảng 2.000 người đã bị đưa đến đồn cảnh sát".
Ngày 7/1, ông Tokayev cho biết trật tự hiến pháp phần lớn đã được khôi phục trên toàn quốc và ông đã ủy quyền cho lực lượng an ninh "nổ súng mà không cảnh báo trước" đối với những kẻ bạo loạn chống chính phủ, những người không đầu hàng sẽ bị "tiêu diệt".
Một xe cảnh sát bị những người bạo loạn bắn trực diện với những vết đạn trên kính phía trước (Ảnh: AP). |
Sáng ngày 6/1, sau khi Tổng thống Tokayev chính thức đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể hỗ trợ, chính phủ Nga đã cử một sư đoàn đổ bộ đường không và hai lữ đoàn tới Kazakhstan.
Ngày 7/1, tại một sân bay ở Nga, các xe quân sự của lực lượng gìn giữ hòa bình đã xếp hàng để lên máy bay quân sự tới Kazakhstan (Ảnh: AP) |
Kyrgyzstan, Armenia, Belarus và Tajikistan cũng được cho là đã gửi quân vào Kazakhstan sau đó.
Ngày 8/1, lực lượng gìn giữ hòa bình Belarus đi trên một xe bọc thép chở quân trên phố Kazakhstan. (Ảnh: AP). |
Ngày 9/1, các nhà chức trách Kazakhstan cho biết, dưới sự kiểm soát của các cơ quan chức năng Kazakhstan, tình hình Kazakhstan đang ổn định trở lại. Các đơn vị của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến khi tình hình ở Kazakhstan hoàn toàn ổn định. Các hoạt động chống khủng bố sẽ tiếp tục ở Cộng hòa Kazakhstan cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn những kẻ khủng bố và khôi phục trật tự hiến pháp của Cộng hòa Kazakhstan.
Ngày 9/1, tại sân bay Almaty, các công dân Nga chuẩn bị rời Kazakhstan về Nga. Lực lượng gìn giữ hòa bình đang duy trì trật tự. (Ảnh: AP). |
Theo tin của Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 10/1, khi trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình Đài truyền hình địa phương "Khabar-24" về khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố khác, Thư kí Bộ Ngoại giao Kazakhstan Yerlan Kalin nói: "Tôi không muốn thả lỏng và lạc quan mù quáng vì vẫn còn những nguy cơ khá nghiêm trọng, tất cả các ngành đã chuẩn bị sẵn sàng và công dân của chúng ta cần phải giữ cảnh giác."
Quân đội và cảnh sát kiểm tra xe cộ trên đường phố (Ảnh: AP). |
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Kazakhstan ngày 9/1, tình hình tất cả các khu vực trên cả nước đã cơ bản ổn định, tất cả các tòa nhà của thành phố đã được kiểm soát, các công trình công cộng và các dịch vụ khác đang được khôi phục. Theo chỉ thị trước đó do Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ban hành, tình trạng khẩn cấp trên toàn Kazakhstan sẽ kéo dài đến ngày 19/1.
Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 10/1, Hiệp hội Doanh nghiệp Quốc gia Kazakhstan (Atameken) đã công bố thông tin: theo ước tính sơ bộ, cuộc bạo loạn đã gây thiệt hại cho các công ty Kazakhstan khoảng 93,7 tỷ tenge (217 triệu USD), trong đó thiệt hại 92,2 tỷ tenge (213 triệu USD) tại thành phố Almaty.
Ngày 10/1, dân chúng dọn dẹp cửa hiệu bị cướp phá trước đó (Ảnh: AP). |
Thông tin cho biết, 1.319 thực thể và cơ sở thương mại tại 10 khu vực của Kazakhstan bị ảnh hưởng và ảnh hưởng, trong đó 1.234 thực thể và cơ sở thương mại ở Almaty bị ảnh hưởng. Trong số 1.319 thực thể và cơ sở thương mại, có 1.245 thuộc ngành thương mại, 25 thuộc ngành ăn uống công cộng, 37 thuộc lĩnh vực tài chính, cũng như 9 công ty logistic và 2 công ty truyền thông đại chúng.
Người dân Almaty xếp hàng trước ngân hàng chờ rút tiền (Ảnh: Toutiao). |
Văn phòng Thị trưởng Almaty ngày 10/1 cho biết tình hình thành phố đang dần khôi phục sự ổn định bình thường, và các cơ quan của thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm chống khủng bố. Hiện hàng chục siêu thị và hơn 100 nhà thuốc trên địa bàn thành phố đã kinh doanh trở lại, mạng internet cũng đã được khôi phục.
Ngày 10/1, Bộ trưởng Nội vụ Kazakhstan cho biết: 7.939 người đã bị bắt vì tham gia gây bạo loạn, cảnh sát đã thu hồi được các xe cộ và vũ khí bị đánh cắp,. Trước đó, Bộ Y tế Kazakhstan ngày 9/1 cho biết 164 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo động, trong đó 103 người ở Almaty.