Luật sư Đào Hữu Đăng đang biện hộ cho Hà Văn Thắm. (Ảnh chụp màn hình: X.T) |
“Trước tiên phải nói rằng, bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa, cũng như trong suốt quá trình điều tra, bị cáo Hà Văn Thắm đã rất thành khẩn, khai đầy đủ những hành vi của mình. Còn cái hành vi đó có phạm tội hay không, đó là việc đánh giá và nhận thức của bị cáo và quan điểm của mỗi người”, luật sư Đăng bắt đầu. Ông Đăng không đồng tình với quan điểm mà đại diện Viện kiểm sát đã nêu ra trong phần luận tội, rằng thân chủ của ông (bị cáo Thắm) không thành khẩn.
Thứ nhất, về cáo buộc “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”, căn cứ truy tố Hà Văn Thắm về tội này là do cáo trạng cho rằng, Ocean Bank đã cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo chưa đủ. “Tôi cho rằng đây là điều cơ bản để dẫn đến quy kết tội này”, LS. Đăng nói.
Vị luật sư lập luận, theo quy định, tài sản đảm bảo không phải là điều kiện cho vay duy nhất. Bởi ngoài ra, còn có nhiều điều kiện khác. Có những món vay không cần tài sản đảm bảo, mà đáp ứng điều kiện khác, vẫn được cho vay.
Theo luật sư Đăng, bị cáo Hà Văn Thắm, ngay từ đầu đã nhận thức rằng, tài sản đảm bảo chưa đủ. Chứ không phải chờ đến lúc cơ quan điều tra vào cuộc mới biết. Chính vì nhận thức không đầy đủ, Hà Văn Thắm mới yêu cầu Nguyễn Văn Hoàn áp dụng biện pháp phong tỏa và các biện pháp bổ sung khác.
Ông Đăng nói, ông cảm thấy thấy đáng tiếc khi luận tội Hà Văn Thắm, đại diện Viện Kiểm sát không xem xét gì tới biện pháp phong tỏa này.
“Tại cáo trạng số 35 sau khi tòa trả hồ sơ lần 1, mới được Viện Kiểm sát nhắc đến biện pháp phong tỏa tài sản đảm bảo này, nhưng chỉ nhắc vài dòng gắn ngủi và không đúng, không đầy đủ”, LS. Đăng nêu.
Luật sư của ông Hà Văn Thắm đặt câu hỏi: “Đây là việc cố ý bỏ qua hay nhầm lẫn? Và đến lời luận tội của Viện Kiểm sát lại bỏ qua việc này. Vì sao cố tình bỏ qua?”.
Hà Văn Thắm khi được báo cáo hồ sơ chưa đầy đủ đã chỉ đạo P.TGĐ Hoàn áp dụng phong tỏa, nhấn mạnh là việc áp dụng biện pháp phong tỏa được xác lập trước khi ký hợp đồng tín dụng, thông qua một biên bản 3 bên.
Cũng theo LS. Đăng, sau khi giải ngân, OJB có thực hiện quyền giám sát của mình chứ không phải không thực hiện quyền giám sát của mình; Chứ không phải không thực giám sát như kết luận của Viện Kiểm sát.
Trên cơ sở phân tích, LS. Đào Hữu Đăng cho rằng, khoản 500 tỷ đồng mà OJB đã cho Công ty Trung Dung vay “đủ điều kiện cho vay”, “không trái quy định cho vay”. “Chúng tôi thấy rằng không đủ căn cứ để quy kết cho Hà Văn Thắm về tội vi phạm quy định cho vay”, ông Đăng nêu quan điểm.
Thứ hai, về cáo buộc “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cáo trạng cho rằng, tổng số tiền Ocean Bank chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng (có lẻ). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Hà Văn Thắm hoàn toàn thừa nhận việc chi lãi ngoài là trái quy định. Việc chi thiếu chứng từ là trái quy định pháp luật của kế toán – bị cáo không thanh minh về điều này. “Số liệu bị cáo cũng thừa nhận, do đó hành vi làm trái và số liệu tôi không nói thêm”, LS. Đăng nói.
Ông Đăng muốn tập trung đi sâu vào vấn đề thiệt hại, và nói, đây là mấu chốt để xem xét bị cáo có phạm tội.
Luật sư biện hộ đề nghị HĐXX xem xét tới nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến hành vi “chi lãi ngoài”. Theo luật sư, Hà Văn Thắm và các bị cáo không muốn làm trái, không mong muốn chi lãi ngoài nhưng hoàn cảnh bắt buộc.
Luật sư nhắc lại một chi tiết mà Hà Văn Thắm từng nêu, đó là trong một cuộc họp với các ngân hàng, Thống đốc NHNN đã thông báo rằng có tới 29/34 ngân hàng có tình trạng chi lãi ngoài. Từ đó vị luật sư đánh giá, tại thời điểm đó, OJB không phải là ngân hàng duy nhất chi lãi ngoài, mà đó là một tình trạng phổ biến.
Nhưng, theo LS. Đăng, đến nay chỉ có OJB là ngân hàng duy nhất bị xử lý hình sự với hành vi chi lãi ngoài. Đáng nói, OJB còn là ngân hàng đầu tiên, thậm chí duy nhất, chấp hành Chỉ thị 02.
Vị Luật sư nêu, sau khi NHNN có Chỉ thị 02, Hà Văn Thắm đã nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo ngừng chi lãi ngoài trên toàn hệ thống. Tuy nhiên OJB là ngân hàng nhỏ, không có tác dụng trên thị trường. Và vì hành vi đi ngược với xu thế chung của thị trường này nên hậu quả là, sau khi ngừng chi lãi ngoài, khách hàng đã bỏ đi, lượng huy động của OJB đã bị sụt giảm nghiêm trọng, đe dọa thanh khoản nên OJB lại phải tiếp tục thực hiện chi lãi ngoài.
Theo phân tích của LS. Đăng, thực tế OJB là ngân hàng thực hiện “chi lãi ngoài” với quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các ngân hàng khác.
LS. Đăng cũng nêu rằng, trong hoạt động chi lãi ngoài, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo bộ phận kế toán hạch toán công khai. Có nghĩa, thông qua công tác thanh tra giám sát, cơ quan quản lý hoàn toàn biết được, nhưng các cơ quan này hoàn toàn không có biện pháp cảnh báo hay xử lý nào với OJB. “Phải chăng đây là sự đồng tình của cơ quan thanh tra, kiểm tra trước thực trạng như vậy?”.
“Vì sao OJB là ngân hàng duy nhất bị xử lý hình sự với hành vi chi lãi ngoài?”, ông Đăng đặt câu hỏi nhưng cũng phân trần rằng, ông nêu ra vấn đề này không phải để xem xét trách nhiệm hình sự của các ngân hàng khác.
“Tôi chỉ mong rằng Hà Văn Thắm và các bị cáo ngồi trước phiên tòa hôm nay được hưởng sự công bằng trước pháp luật”, LS. Đăng nói.
Bổ sung cho phần biện hộ của LS. Đào Hữu Đăng, LS. Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, số tiền bị quy kết, bị coi là thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng, đến nay hoàn toàn toàn do tính toán của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát.
Ông Thiệp viện dẫn rằng, thực tế tại phiên tòa, khi trả lời câu hỏi, vị đại diện cho Đoàn giám định NHNN đã xác định không có trách nhiệm để giám định hậu quả thiệt hại. Còn lần 2 được hỏi thì nói rằng số liệu này được cơ quan điều tra xác định nên tổ giám định không xác định thiệt hại.
“Như vậy, việc xác định thiệt hại là hoàn toàn đơn phương của cơ quan điều tra xác định, dẫn đến tình trạng duy ý chí, có biểu hiện hình sự hóa quan hệ kinh doanh của ngân hàng thương mại”, Ls. Thiệp đánh giá.
Theo vị luật sư, căn cứ vào yêu cầu của chính nguyên đơn dân sự, là Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương, thì chính đại diện của ngân hàng này cũng hoàn toàn không đưa ra được một cái gì để xác định chính mình bị thiệt hại, thể hiện rằng chính người bị thiệt hại cũng không biết gì. Ông Thiệp gọi rằng, đây là nghịch lý, “các cơ quan tố tụng buộc anh phải là nguyên đơn mà anh không biết được”.
Ông Thiệp cũng đặt ra một số vấn đề về việc NHNN mua bắt buộc OJB với giá 0 đồng.
Từ các phân tích, ông Thiệp cho rằng, việc quy kết thân chủ của ông tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đủ căn cứ.
Sáng 14/9, sau khi luận tội, đại diện Viện Kiểm sát – giữ quyền công tố tại tòa – đã đề nghị xử bị cáo Hà Văn Thắm: 19-20 năm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 18-20 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; chung thân tội Tham ô. Tổng mức hình phạt bị đề nghị là chung thân./.