Thứ Hai (ngày 28/08/2017) tới, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, liên quan đến những cáo buộc trong thời gian tham gia quản trị và điều hành tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank).
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và là một trong các đại án mà dư luận đặc biệt quan tâm, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo làm rõ.
Phiên xét xử sơ thẩm vụ án này thực ra đã từng được đưa ra xét xử vào cuối tháng 2/2017. Tuy nhiên, sau 8 phiên xét xử, chiều 08/03/2017, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ vụ án, để Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra bổ sung.
Trước đó, khi quá trình xét hỏi đang diễn ra, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố cho rằng vụ án có nhiều vấn đề chưa được giải quyết, những vấn đề đó không thể làm rõ ngay tại tòa nên đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Sau hơn 1 giờ tạm dừng phiên tòa để thảo luận, hội đồng xét xử đã chấp thuận đề nghị của đại diện viện kiểm sát.
Trong các nội dung cần điều tra bổ sung, nổi lên vấn đề liên quan đến số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của PVN. Theo đó, hội đồng xét xử cho rằng cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý số tiền này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vậy, 800 tỷ đồng của PVN đã đến và mất tại Ocean Bank như thế nào?
Lương duyên
Mối lương duyên PVN – Ocean Bank vốn được hoài thai từ kỳ vọng bất thành của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong kế hoạch lập một nhà băng mới hoàn toàn, mang tên Ngân hàng TMCP Dầu khí (sau đổi tên thành Ngân hàng TMCP Hồng Việt).
Cụ thể, ngày 30/09/2008, PVN đã có công văn số 7224/DKVN-HĐQT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt 2 nội dung:
(1) Cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cổ đông thể nhân cán bộ công nhân viên của Tập đoàn (đã góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt) được chuyển phần vốn đã góp vào Ngân hàng TMCP Hồng Việt dể góp vốn mua cổ phần trong đợt tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, PVN góp 20% vốn (tương đương với 400 tỷ đồng), cổ đông thể nhân, cán bộ công nhân viên của PVN góp 10% vốn (tương đương với 200 tỷ đồng);
(2) Có ý kiến để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương hoàn thành các thủ tục góp vốn mua cổ phần theo quy định hiện hành.
Đây là điều mà nhiều người đã biết, và báo chí những năm 2008, 2009 cũng từng tốn nhiều giấy mực để thông tin sự kiện này.
Nhưng có một chi tiết khác, mà có lẽ ít người biết hơn. Đó là sau khi đổ kế hoạch sáng lập một ngân hàng thương mại hoàn toàn mới, Ocean Bank lại không phải lựa chọn góp vốn đầu tiên mà PVN cũng như Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Dầu khí hướng đến.
"Mối tình đầu"
Theo đó, tại Thông báo về việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và CBCNV Tập đoàn vào Ngân hàng TMCP Dầu khí phát hành vào khoảng tháng 8/2008, Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Dầu khí và CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc không tham gia góp vốn vào Ngân hàng TMCP Hồng Việt (Ngân hàng TMCP Dầu khí trước đây) và chuyển phần vốn đã góp của Tập đoàn và CBCNV vào Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP-Bank) theo hình thức góp tăng vốn điều lệ (góp bằng mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phần) nhằm củng cố và xây dựng GP-Bank trở thành một ngân hàng hùng mạnh.
Theo tinh thần của thông báo trên, có nghĩa rằng đến khoảng tháng 8/2008, sau khi thất bại trong kế hoạch thành lập mới Ngân hàng TMCP Hồng Việt, thì nhà băng được PVN lựa chọn góp vốn ban đầu là GP-Bank, chứ không phải là Ocean Bank.
GP-Bank tiền thân là Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình, đã chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị hoạt động tại Hà Nội từ ngày 7/11/2005 với tên gọi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Toàn Cầu (G-Bank).
Năm 2006, G-Bank ra mắt và công bố cổ đông chiến lược là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Không lâu sau sự xuất hiện của “ông lớn” này, G-Bank cũng quyết định đổi tên mới, bằng việc thêm vào tên cũ tiền tố “Dầu khí”.
Ngày 09/02/2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Quyết định số 372/QĐ-NHNN, chấp thuận việc đổi tên Ngân hàng thương mại cổ phần Toàn Cầu (G-Bank) thành Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu (GP-Bank).
Việc góp vốn vào GP-Bank sẽ có rất nhiều thuận lợi. Bởi tại thời điểm đó, PVN đang là một trong những cổ đông lớn nhất của GP-Bank, với tỷ lệ sở hữu 9,5%. Nên biết, GP-Bank cũng là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên mà PVN tham gia góp vốn.
Không chỉ là dự định góp vốn vào GP-Bank, PVN còn lên sẵn kế hoạch bố trí nhân sự tham gia quản trị điều hành nhà băng này. “Để thúc đẩy quá trình chuyển góp vốn của CBCNV, Tập đoàn đã có quyết định cử đ/c Nguyễn Ngọc Sự - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn và đ/c Nguyễn Xuân Sơn – Trưởng Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Dầu khí tham gia quản trị điều hành ngân hàng GP-Bank, đ/c Nguyễn Xuân Sơn được đề cử làm Tổng Giám đốc GP-Bank từ 1/8/2008. Hiện nay Tập đoàn và GP-Bank đang rất tích cực triển khai các thủ tục tăng vốn, tái cấu trúc quản trị của GP-Bank để sớm hoàn tất việc góp vốn của CBCNV ngành Dầu khí vào GP-Bank, dự kiến các thủ tục liên quan sẽ hoàn tất trước ngày 1/10/2008”, Thông báo cho hay.
Tương tự, trong thông cáo báo chí phát đi vào chiều 28/7/2008 về việc không tiếp tục tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt, PVN cũng khẳng định rằng: Trên cơ sở xem xét, đánh giá các thỏa thuận đạt được, Petro Vietnam thấy rằng, giữa Petro Vietnam và GP-Bank đã có một hợp đồng góp vốn mua cổ phần và hợp tác chiến lược được ký kết năm 2006, trong đó quy định rõ lộ trình tham gia tăng tỷ lệ vốn góp của Petro Vietnam tại GP-Bank.
Do đó, việc lựa chọn GP-Bank làm đối tác để tiếp tục góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ sắp tới là phù hợp với các cam kết giữa hai bên tại hợp đồng góp vốn mua cổ phần và hợp tác chiến lược đã ký trước đây.
“Việc mở rộng hợp tác, đầu tư của Petro Vietnam vào GP-Bank là phù hợp với nguyện vọng của cả hai bên và xu hướng củng cố tăng cường năng lực hệ thống tín dụng trong nước giai đoạn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, Tập đoàn này nhấn mạnh.
Dứt tình
Thông báo và thông cáo rõ ràng là vậy nhưng chỉ khoảng một tháng sau đó, PVN bỗng nhiên “dứt tình”. Không những không góp thêm vốn vào GP-Bank như dự kiến, PVN còn thực hiện thoái toàn bộ số vốn góp đang có tại GP-Bank. “Cuộc tình” hơn 2 năm giữa GP-Bank – PVN kết thúc đầy chóng vánh!
“Ngày 15/09/2008, các cổ đông tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đã tổ chức họp lần thứ 4 và nhất trí quyết nghị thôi không thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt. Cũng trong thời gian này, đến ngày 08/09/2008 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần mà Tập đoàn hiện đang tham gia góp vốn tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP-Bank). Như vậy, hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện không tham gia, góp vốn, mua cổ phần của bất cứ ngân hàng thương mại cổ phần nào”, một tài liệu cho hay.
Có một chi tiết cần làm rõ ở đây, là nhà đầu tư nào đã nhận chuyển nhượng số cổ phần GP-Bank mà PVN thoái?
Theo tìm hiểu, đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI). Ngày 8/9/2008, PVFI đã chính thức thay thế PVN, trở thành cổ đông của GP-Bank với số cổ phần sở hữu là 9.753.900 cổ phần, chiếm 9,759% vốn điều lệ của GP-Bank. Thương vụ vốn đã được lên kế hoạch từ trước đó một thời gian và chỉ là kết quả thực thi Nghị quyết số 3029/NQ-DKVN ngày 29/4/2008 của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại GP-Bank cho PVFI.
Đáng nói, PVFI chính là pháp nhân được thành lập theo Nghị quyết số 1194 /NQ-DKVN ngày 19/04/2007 của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Có nghĩa, PVN đã bán toàn bộ cổ phần tại GP-Bank cho một pháp nhân, vốn do Tập đoàn này mới lập ra hơn một năm trước đó, để trở về trạng thái “không tham gia, góp vốn, mua cổ phần của bất cứ ngân hàng thương mại cổ phần nào” – điều kiện cần để có thể giữ vốn tại một nhà băng khác.
Có một chi tiết khá thú vị trong thương vụ nắm giữ cổ phần GP-Bank của PVFI. Đó là, song song với việc PVFI sở hữu 9.753.900 cổ phần GP-Bank, thì ở hướng ngược lại, GP-Bank cũng sở hữu khối lượng đáng kể cổ phần PVFI.
Thậm chí, GP-Bank còn là cổ đông sáng lập nên PVFI. Cập nhật tại ngày 31/12/2008, trong số 300 tỷ đồng vốn điều lệ của PVFI, thì GP-Bank đóng góp 33 tỷ đồng (11%), PVN đóng góp 105 tỷ đồng (35%), Công đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp 15 tỷ đồng (5%), CTCP Chứng khoán dầu khí đóng góp 17,595 tỷ đồng (5,87%). Vậy, nên hiểu thế nào về quan hệ sở hữu giữa PVFI và GP-Bank, ai sở hữu ai?
“Mối tình” PVN – GP-Bank dang dở. Đương nhiên, cơ hội tham gia quản trị điều hành GP-Bank của hai ông Nguyễn Ngọc Sự và Nguyễn Xuân Sơn đóng lại. Nhưng hai ông sẽ chẳng phải buồn, bởi, một cánh cửa mới đã được mở ra. Duyên mới sẽ đưa hai nhân vật này đến với “ghế nóng” nhà băng.
Duyên mới
Sau khi dứt tình cũ, PVN gần như ngay lập tức tìm ra “lương duyên” mới của mình. Đó là Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), một đối tác mà theo đánh giá chủ quan của chính PVN, là “một ngân hàng có quy mô vốn nhỏ (1.000 tỷ đồng), hiệu quả hoạt động còn chưa cao và khả năng cạnh tranh thấp”.
Trong một văn bản ký vào cuối tháng 9/2008, PVN lý giải lý nguyên căn của mong muốn “se duyên” với Ocean Bank như sau: “Một số lượng không nhỏ các cổ đông thể nhân, CBCNV đã góp vốn tham gia thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt chưa rút vốn về và đề đạt nguyện vọng được tiếp tục chuyển phần vốn góp để mua cổ phần của một ngân hàng thương mại cổ phần. Việc xử lý, sử dụng có hiệu quả và tránh gây lãng phí, thất thoát một bộ phận vốn của cổ đông đã được đầu tư vào tài sản, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, và bố trí nhân sự, CBCNV đã được tiếp nhận để làm việc cho Ngân hàng TMCP Hồng Việt cũng là một vấn đề phức tạp”.
“Để xử lý hợp lý những vấn đề nêu trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành làm việc và đạt được thỏa thuận về việc tham gia góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank)”, văn bản viết.
Liên quan đến việc “đạt được thỏa thuận” trên, trước đó, ngày 18/09/2008, tại phòng họp văn phòng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 18 Láng Hạ - Ba Đình – Hà Nội, PVN và Ocean Bank đã tiến hành ký kết thỏa thuận.
Theo đó, HĐQT Ocean Bank đồng ý và cam kết sẽ thực hiện các thủ tục theo các quy định nội bộ và Điều lệ, các quy định cần thiết khác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thông qua phương án tăng vốn điều lệ Ocean Bank từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Và trong đợt tăng vốn điều lệ này, Ocean Bank sẽ chào bán cho PVN và các cổ đông là CBCNV của PVN (đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt và có nguyện vọng được tham gia góp vốn vào 1 ngân hàng thương mại cổ phần).
Trong đó, PVN dự kiến tham gia đóng góp 20% vốn điều lệ (tương đương với 400 tỷ đồng), và cổ đông là CBCNV của PVN sẽ tham gia đóng góp 10% vốn điều lệ (tương đương với 200 tỷ đồng). Giá chào bán cho đợt tăng vốn này là bằng mệnh giá (10.000 đồng), một mức khá rẻ cho thời kỳ sục sôi cổ phiếu “vua” như giai đoạn đó.
Chuyện sau này có lẽ ai cũng biết, PVN trở thành một trong ba cổ đông lớn nhất của Ocean Bank, bên cạnh 2 doanh nghiệp thân hữu của ông Hà Văn Thắm là CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty TNHH VNT. Tỷ lệ sở hữu của cả ba cùng là 20% vốn điều lệ.
Sau sự kiện khởi tố và bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm và một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo khác của Ocean Bank (trong đó có ông Nguyễn Xuân Sơn), ngày 25/4/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông cáo tuyên bố mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng. Qua đó, trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của Ocean Bank; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của OceanBank.
Hệ quả của quyết định trên là khối cổ phần, khi ấy đã lên tới 800 tỷ đồng – căn cứ theo mệnh giá, của PVN tại Ocean Bank bỗng chốc tiêu tan. Hay nói một cách “tư pháp” hơn là thất thoát.
Nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp và có lẽ sẽ được sáng tỏ sau phiên tòa sắp tới.
Số phận những nhà băng mà PVN tham gia sở hữu cổ phần
Tạm thống kê, từng có 4 nhà băng mà PVN từng tham gia hay có ý định sở hữu cổ phần:
1. Ocean Bank (PVN là cổ đông chiến lược, sở hữu 20% VĐL): Bị NHNN mua lại 0 đồng vào ngày 25/4/2015.
2. GP-Bank (PVN là cổ đông chiến lược, sở hữu 9,5% VĐL. Tháng 9/2008, PVN chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại GP-Bank cho PVFI - một pháp nhân do PVN thành lập vào năm 2007): Bị NHNN mua lại 0 đồng vào ngày 7/7/2015.
3. PVcomBank (tiền thân là PVFC, đơn vị thành viên của PVN): Là một trong những nhà băng bị NHNN điểm tên trong diện tái cơ cấu. Tháng 6/2016, NHNN chính thức tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank, chấm dứt vai trò sở hữu của PVN tại ngân hàng này.
4. Ngân hàng TMCP Hồng Việt (PVN là cổ đông sáng lập): Ngày 15/09/2008, các cổ đông tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đã tổ chức họp lần thứ 4 và nhất trí quyết nghị thôi không thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt./.
PVFI và “mối tình” PVN – Ocean Bank...