Một kỳ vọng từ việc khởi tố P. TGĐ PVN Ninh Văn Quỳnh

VietTimes – Phiên xét xử sơ thẩm “đại án” Ocean Bank – Hà Văn Thắm đang nhận được sự chú ý lớn của dư luận. Một trong những vấn đề nổi lên là mối quan hệ PVN – Ocean Bank và hoạt động huy động tiền gửi của Ocean Bank (OJB) với nhóm các công ty thành viên của PVN.
Nguyên Kế toán trưởng, Phó TGĐ PVN Ninh Văn Quỳnh. (Ảnh: Cơ quan công an)
Nguyên Kế toán trưởng, Phó TGĐ PVN Ninh Văn Quỳnh. (Ảnh: Cơ quan công an)

Trong đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đang tập trung làm rõ việc có hay không chuyện Ocean Bank thông qua Nguyễn Xuân Sơn (nguyên lãnh đạo PVN) để “chăm sóc” lãnh đạo tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên của PVN, để các doanh nghiệp này gửi tiền vào Ocean Bank.

Theo cáo trạng, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 01/2011 đến tháng 06/2014, OJB đã chi cho Nguyễn Xuân Sơn – Phó TGĐ PVN 246 tỷ đồng để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn.

Trước Tòa, Sơn khai rằng, tất cả số tiền “chăm sóc khách hàng” đều được Sơn sử dụng đúng mục đích “chăm sóc khách hàng”, chứ không sử dụng riêng một đồng nào.

Khi được gọi hỏi, Hà Văn Thắm cũng khẳng định tin tưởng hoàn toàn việc Sơn đã sử dụng tiền nhận từ OJB để chăm sóc các khách hàng PVN giúp OJB.

Thắm còn nói rằng, Thắm có các biện pháp giám sát để khẳng định Sơn đã “chi thật”.

Theo đó, số tiền OJB chuyển cho ông Sơn được ông Sơn chăm sóc khách hàng nào, điều này thể hiện ngay trên biến động tiền gửi của khách hàng đó tại OJB.

Hằng ngày, 6h sáng, Thắm đều nhận được báo cáo tiền gửi khách hàng, Thắm nắm rõ 100% dòng tiền gửi của khách hàng gửi vào, gửi ra như thế nào.

“Tiền mà anh Sơn chi ra thì có kết quả về, và kết quả đó thì bị cáo theo dõi hằng ngày”, bị cáo Thắm khẳng định.

Một kỳ vọng từ việc khởi tố Ninh Văn Quỳnh

Dù không nhớ tất cả nhưng trước Tòa, Nguyễn Xuân Sơn nhiều lần nêu tên một số đơn vị và một số cá nhân mà Sơn đã chuyển tiền.

Chẳng hạn, tại phiên xét xử 1/9, bị cáo Sơn cho biết, đã nhiều lần vào Vũng Tàu cùng bà Nguyễn Thị Kiều Liên – Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu để gặp lãnh đạo Liên doanh Dầu khí VietsovPetro, sau đó đưa tiền cho Kế toán trưởng là ông Võ Quang Huy và Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tuyến. Sơn nói, chỉ nhớ mang máng khoảng chục lần, mỗi lần đưa từ 10.000 đến 20.000 USD, hoặc 200 đến 300 triệu đồng.

Được triệu tập tới Tòa để đối chứng, các lãnh đạo và cựu lãnh đạo VietsovPetro đều phủ nhận hoàn toàn những gì mà Nguyễn Xuân Sơn đã khai. Họ khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào.

Thực tế, không riêng gì VietsovPetro, hầu như tất cả những nhân vật, tổ chức được Sơn và các lãnh khác của OJB khai là đã tham gia nhận tiền "chi lãi ngoài" đều lên tiếng phủ nhận.

Chưa rõ đâu mới là sự thực nhưng thiết nghĩ đây là một vấn đề cần kiên quyết làm rõ.

Bởi lẽ, khác với việc gửi tiền của các khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp bình thường, các khách hàng “họ” PVN là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, do Nhà nước nắm giữ hoặc chi phối vốn.

Có nghĩa, nguồn lực tiền gửi là của doanh nghiệp nhưng bản chất là của Nhà nước. Số tiền chi trả lãi ngoài mà OJB đã chi cho việc gửi tiền của các đơn vị này – nếu có – thì đã được hạch toán ra sao (?), vào tài khoản của doanh nghiệp hay “vào túi riêng” của ai(?).

Nếu có chuyện “tư túi”, sự việc sẽ có dấu hiệu của tội “tham ô tài sản” và “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 278, 280 BLHS.

Ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố điều tra đối với ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc PVN và một số nguyên cán bộ tập đoàn này về tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo công bố, việc khởi tố này để phục vụ hoạt động điều tra đối với vụ việc góp vốn của PVN vào OJB trong giai đoạn trước đây.

Tuy nhiên, động thái trên cũng được kỳ vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ đường đi của hàng trăm tỷ đồng “chăm sóc khách hàng” mà OJB đã chi qua kênh Nguyễn Xuân Sơn.

Bởi như những gì Sơn đã khai trước cơ quan điều tra cũng như hội đồng xét xử, thì phần lớn số tiền OJB chi cho Sơn đã được Sơn chuyển cho Quỳnh, để nhờ Quỳnh chăm sóc khách hàng “họ” PVN.

Nên nhớ, một ngày trước khi bị bắt, khi đến phiên tòa sơ thẩm "đại án" Ocean Bank với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Quỳnh vẫn một mực phủ định thông tin mà Nguyễn Xuân Sơn đã khai.

Nhiều doanh nghiệp “họ” PVN vẫn “kẹt tiền” ở Ocean Bank

Báo cáo tài chính giữa niên độ mới được CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (HSX: PXI) công bố cho thấy, tại ngày 30/6/2017, doanh nghiệp này đang có 45 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.

PXI thuyết minh rằng đây là khoản tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng tại Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank) – Chi nhánh Vũng Tàu.

Song “chi nhánh ngân hàng đang tạm dừng việc chi trả tiền gửi cho đến khi nhận được chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước”.

Một kỳ vọng từ việc khởi tố P. TGĐ PVN Ninh Văn Quỳnh ảnh 1Trích báo cáo của PXI.

Theo Công văn số 676/TTGSNH1.m ngày 11/05/2017 của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị chuyển tiền trong tài khoản mở tại Ocean Bank gửi Ban Kiểm soát đặc biệt Ocean Bank để chỉ đạo thực hiện chi trả số tiền trên.

Theo Công văn số 2560/2017/CV-OCEANBANK ngày 14/06/2017 của Ocean Bank phúc đáp công văn số 534/CNDD-TCKT ngày 07/06/2017 của PXI, Ocean Bank tạm dừng việc chi trả cho khách hàng là tổ chức kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Ocean Bank đang chờ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phê duyệt để thực hiện việc chi trả.

“Ban Giám đốc đánh giá khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai, không có rủi ro tổn thất và theo đó không phải trích lập dự phòng tổn thất tài sản”, PXI khẳng định.

Như thông tin mà PXI đã nêu, rằng “Ocean Bank tạm dừng việc chi trả cho khách hàng là tổ chức kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước”, có thể hiểu, tính đến giữa năm 2017 – tức là khoảng 2 năm sau ngày Ocean Bank bị mua lại với giá 0 đồng - nhiều doanh nghiệp họ PVN vẫn đang bị “kẹt tiền” tại Ocean Bank.

Được biết, trong báo cáo công bố năm 2016, một doanh nghiệp “họ” PVN khác, là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM), cũng từng thuyết minh: “Theo Công văn số 17/2015/CV-GĐCNCM ngày 14 tháng 5 năm 2015 của OceanBank – Chi nhánh Cà Mau, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ocean Bank đang tạm dừng chi trả tiền gửi cho các khách hàng là tổ chức đang gửi tiền tại Ocean Bank từ ngày 11 tháng 2 năm 2015”

Trong một bài viết gần đây, VietTimes đã phân tích về sự phụ thuộc của Ocean Bank và nguồn tiền huy động từ hệ thống doanh nghiệp “họ” PVN. Nhóm doanh nghiệp “họ” PVN đã gửi thanh toán và tiết kiệm nhiều chục nghìn tỷ đồng tại Ocean Bank./.