Loay hoay chuyện xử lý sim rác: Phải giải quyết vấn đề từ các nhà mạng chứ không phải người dùng

VietTimes – Người dân khi nạp thẻ cào điện thoại phải nhập số chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước - đề xuất này của Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng phải giải quyết vấn đề từ các nhà mạng chứ không phải ra sức quản lý người dùng.
Ảnh minh họa: Thegioihoinhap

Quản lý thuê bao di động trả trước, sim rác là vấn đề luôn được TT-TT quan tâm xử lý từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, trước thực tế vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, Thanh tra Bộ TT-TT đã đề xuất yêu cầu các thuê bao di động khi nạp thẻ, nạp tiền trả trước cần xác thực thông tin chủ thuê bao bằng số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu. Đề xuất nêu trên đã gây nhiều chú ý trong dư luận.

Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ Online, đại diện Thanh tra Bộ TT-TT cho biết giải pháp này sẽ góp phần tiến tới xóa bỏ sim rác. Khi người dùng nhập số chứng minh thư nhân dân/căn cước hoặc hộ chiếu, hệ thống thấy khớp trong dữ liệu đã lưu thì việc nạp thẻ được thực hiện bình thường. Từ các lần sau, chủ thuê bao vẫn có thể nạp bình thường mà không cần nhập lại số giấy tờ tùy thân.

Nếu số giấy tờ tùy thân không khớp với cơ sở dữ liệu, hệ thống sẽ báo cho khách hàng ra đúng cửa hàng của doanh nghiệp để kiểm tra lại thông tin.

Ngoài đề xuất trên, Thanh tra Bộ TT-TT cũng đề xuất 1 biện pháp khác: khi các tổ chức, cá nhân sử dụng số lượng sim thoại đã đủ nhu cầu của mình (ví dụ 5 số/mạng), từ thuê bao thứ 6 trở lên phải trả thêm tiền. Cách này sẽ giúp hạn chế các đại lý đăng ký thuê bao khống với số lượng lớn và họ không còn lợi nhuận khi bán sim rác.

SIM đã được đăng ký kích hoạt có thông tin đầy đủ nhưng vẫn trôi nổi trên thị trường, sau đó bán lại cho một khách hàng bất kỳ. Ảnh: Internet

Trách nhiệm ngăn chặn nguồn sim rác thuộc về các nhà mạng

Trên tờ Thanh Niên Online, ông Đỗ Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena - nhận định đầu mối sản xuất và phát hành sim là các nhà mạng. Do đó, nên giải quyết vấn đề từ gốc. Việc buộc người dùng phải nhập số giấy tờ tùy thân để sử dụng dịch vụ là không phù hợp, đây chỉ là phần ngọn của vấn đề, lại còn gây phiền phức cho khách hàng.

Cùng bàn luận về giải pháp hạn chế sim rác mà Thanh tra Bộ TT-TT đề xuất, theo ông Nguyễn Minh Đức - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar - trách nhiệm ngăn chặn nguồn sim rác thuộc về các nhà mạng. Nguồn phát tán sim là từ các nhà mạng thì chính họ là người phải đi xử lý. Nếu tiếp tục quản lý các nhà mạng lỏng lẻo như hiện nay thì sim rác vẫn còn tiếp diễn.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên các giải pháp quản lý sim rác được đưa ra. Trước đó, tháng 6/2017, các thuê bao phải bổ sung giấy tờ tùy thân, ảnh chân dung chính chủ theo quy định và các nhà mạng tích cực triển khai. Thời gian đó, người dân phải bỏ công việc đến các cửa hàng cung cấp dịch vụ của các nhà mạng để đăng ký sim chính chủ.

Tuy nhiên, đến nay, thực tế cho thấy giải pháp này chưa đạt hiệu quả như mục đích ban đầu. Theo tờ Thanh Niên Online, trong đợt thanh tra vừa qua, Bộ TT-TT ghi nhận 5 doanh nghiệp viễn thông đang có gần 130 triệu thuê bao di động, trong khi đó, dân số nước ta hiện tại khoảng 97 triệu người.

Kết quả thanh tra cho thấy nhiều triệu thuê bao có thông tin khác với dữ liệu trên hệ thống, dùng cùng một ảnh chụp để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vào các thời điểm khác nhau,...

Thanh tra Bộ TT-TT cũng phát hiện các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ trước đây để tiếp tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Đáng nói, các chủ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền sao chép, trao đổi ảnh chụp chủ thuê bao, ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người dùng để giao kết hợp đồng theo mẫu.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (TP.HCM), theo quy định pháp luật hiện hành, người dùng mua sim điện thoại bắt buộc phải khai báo thông tin. Còn thông tin người dùng cung cấp đúng hay sai, bị trùng, sao chép để đăng ký tiếp cho nhiều sim khác thì trách nhiệm thuộc về các đại lý và nhà mạng. Việc bán sim đã kích hoạt sẵn sai quy định là trách nhiệm của cửa hàng và nhà mạng là đơn vị phát hành, kiểm tra và giám sát.

Do đó, luật sư Đức cho rằng Bộ TT-TT phải xử lý nghiêm các nhà mạng như đã từng yêu cầu trong các năm trước, thay vì ra sức quản lý người dùng.