Cách đây một phần tư thế kỷ, các nhà lập pháp Philippines đã "trục xuất"quân đội Mỹ khỏi căn cứ hải quân Vịnh Subic - tiền đồn lớn nhất tại Biển Đông của Washington, đồng thời tuyên bố vĩnh viễn thoát khỏi "xiềng xích độc tài" và không bao giờ cho phép quân đội nước ngoài quay trở lại. Tuy nhiên, tình thế này có thể sẽ thay đổi.
Manila hiện cũng đang yêu cầu Washington hỗ trợ hàng trăm triệu USD để tăng cường lực lượng quân sự, hiện bị coi là một trong những quân đội yếu nhất tại châu Á. Sự thay đổi này chỉ là một dấu hiệu phản ánh các tính toán chiến lược trong khu vực của Manila khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông bằng thủ đoạn bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa trái phép các hòn đảo nhân tạo.
Các quan chức Mỹ phản đối Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trái phép tại các vùng biển tranh chấp và đây nhiều khả năng sẽ trở thành một chủ đề nóng trong cuộc gặp ngày 24/9 sắp tới ở Washington giữa nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong lúc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trái phép trên Biển Đông, chính quyền Mỹ đã nỗ lực điều phối để có một phản ứng chung ở châu Á, nơi nhiều nhà lãnh đạo không biết chắc họ nên chống lại cường quốc kinh tế khu vực là Trung Quốc đến mức nào và họ nên dựa vào Mỹ, cường quốc quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đến đâu.
Năm ngoái, chính phủ Manila đã ký một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ triển khai binh lính cùng vũ khí và quân trang luân phiên tại các căn cứ của nước này trong vòng 10 năm, tạo tiền đề cho việc Mỹ trở lại một số căn cứ quan trọng, trong đó có căn cứ tại Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark gần đó. Tuy nhiên, văn bản này hiện đang đối mặt với thách thức pháp lý theo quy định của Hiến pháp Philippines.
Tại Philippines đang nổ ra các cuộc tranh cãi gay gắt về việc có nên cho phép Mỹ trở lại hay không, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện các mối lo ngại về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như về các nguy cơ vấp phải phản ứng từ phía Trung Quốc. Rene Augusto V. Saguisag - một trong những nhà lập pháp từng bỏ phiếu ủng hộ việc “trục xuất” quân đội Mỹ hồi năm 1991 và vừa kiến nghị Tòa án Tối cao Philippines đình chỉ thỏa thuận quân sự mới được ký - nói: "Mỹ và Trung Quốc không nên lôi Philippines vào các cuộc cãi vã và tranh giành".
Washington đã tỏ ra thất vọng trước sự chậm trễ của Manila trong việc thực thi thỏa thuận, văn bản được Tổng thống Obama công bố trong chuyến thăm Philippines năm 2014. Sớm nhất là cho tới cuối năm nay, Tòa án Tối cao Philippines mới cân nhắc xem liệu Hiệp ước Phòng thủ mở rộng Mỹ-Philippines có phù hợp với Hiến pháp hay không. Nếu mọi chuyện thuận lợi, hiệp ước này sẽ cho phép Mỹ triển khai hoạt động ngay trên bờ Biển Đông, cách các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc chỉ chưa đầy 500 dặm. Hiện tại Mỹ đang duy trì quân đội ở các căn cứ tại Nhật Bản và đảo Guam, cách khu vực này hơn 1.500 dặm.
Philippines, với lợi thế có nhiều vùng biển sâu, là một trong những trọng tâm trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Lầu Năm Góc. Căn cứ quân sự tại Vịnh Subic, có diện tích gần bằng Singapore, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến do Mỹ tiến hành ở thế kỷ 20. Sau khi Mỹ rút khỏi căn cứ này, kể từ năm 1992 tới nay, nơi đây được phát triển trở thành một khu kinh tế trọng yếu. Nhiều căn biệt thự hạng sang đã được xây dựng bên trên những boong-ke quân sự, và một công viên hải dương cũng đã được hình thành ở dọc bờ biển. Bên ngoài tòa nhà chính quyền địa phương, người ta dựng lên bức tượng một người phụ nữ mang trên tay chú chim bồ câu để kỷ niệm sự kiện Mỹ rút quân. Trên bức tượng có khắc dòng chữ "Hãy gỡ bỏ xiềng xích khỏi chúng tôi".
Bên cạnh những rào cản do thời Mỹ chiếm đóng Philippines để lại, một yếu tố khác cản trở hợp tác quân sự song phương là năng lực cực kỳ yếu kém của quân đội nước chủ nhà, lực lượng có nhiều vụ bê bối tham nhũng và lãng phí. Bất chấp nhiều nỗ lực hiện đại hóa quân đội trong thời gian gần đây, Philippines hiện vẫn thiếu các trang thiết bị cơ bản, như tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Tàu nổi tiếng nhất trong hạm đội của quốc gia này là chiếc Siera Madre từ thời Chiến tranh Thế giới Thứ hai đang mục nát. Viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Philippines trong những năm gần đây đã tăng mạnh, năm nay vào khoảng 50 triệu USD (gấp đôi so với năm ngoái), song vẫn chưa bằng một phần nhỏ con số hàng trăm triệu USD mà Mỹ từng chi trong thời Chiến tranh Lạnh.
Theo một quan chức giấu tên, trong các cuộc gặp riêng, Tổng thống Bengino S.Aquino III đã kêu gọi Mỹ viện trợ khoảng 300 triệu USD cho Philippines, để nước này có thể mua được các máy bay và tàu chiến cần thiết nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho tới nay, chính quyền Obama vẫn chưa đáp lại yêu cầu này bởi lo ngại về tình trạng tham nhũng tràn lan và năng lực hạn chế của Philippines trong việc xử lý nguồn viện trợ khổng lồ.
Thượng Nghị sỹ Mỹ Dan Sullivan bang Alaska, một thành viên phe Cộng hòa trong Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cho rằng hai nước sẽ phải mất một thời gian dài để khôi phục lòng tin song phương. Ông nói: "Philippines đã đột ngột quay lưng với Mỹ tại Vịnh Subic. Điều này chắc chắn vẫn hằn sâu trong tâm trí cả hai bên".
Trong khi đó, một số người Philippines lại lo ngại rằng việc quá dựa dẫm vào Mỹ sẽ càng khiến Philippines thụ động và khó khăn hơn trong việc tự mình xây dựng lực lượng quân sự. Số khác lại cho rằng thay vì tập trung vào hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, Mỹ lại đang bị phân tâm bởi cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông. Maria Turco, một giáo viên 42 tuổi, hiện sống tại Vịnh Subic nói: "Chúng tôi không thể cứ ngồi đó và chờ người khác đến cứu. Philippines phải tự mình làm chủ".
TTK theo Báo Tin Tức