"Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết". Cùng với việc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một số nước trong đó có Hàn Quốc đã bắt đầu tìm kiếm lối thoát cho mình.
Quan hệ căng thẳng về thương mại giữa Trung - Mỹ khiến cho Hàn Quốc không ngừng làm sâu sắc quan hệ với Việt Nam. Việt Nam sắp vượt qua Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn có một tính toán khác. Đó chính là, do ảnh hưởng từ chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump và "sóng gió THAAD" gây ra bởi Trung Quốc, quan hệ giữa Hàn Quốc với hai nền kinh tế lớn này hiện đều không được tốt lắm.
Chủ nhiệm Kim Ill-san của Văn phòng Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (Korea International Trade Association) tại TPHCM cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc đã sớm xây dựng nhà máy ở Việt Nam, có điều sau "sóng gió THAAD”, địa vị của Việt Nam với tư cách là một cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu đã được tăng cường.
Năm 2017, xuất khẩu của Hàn Quốc với Việt Nam đã tăng gần 50%, trong 3 năm qua đã tăng hơn gấp đôi. Theo quan điểm của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc.
Chủ nhiệm Kim Ill-san nói: "Hàn Quốc thường tiêu thụ các sản phẩm trung gian và tư liệu sản xuất ở Việt Nam, nhưng cùng với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, không gian tiêu thụ hàng tiêu dùng sẽ lớn hơn".
Các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc với đại diện là Samsung và Lotte đang dẫn dắt đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, lĩnh vực đầu tư của họ cũng từ ngành dệt may bắt đầu từng bước chuyển sang chế tạo sản phẩm điện tử, ngành dịch vụ và ngành bán lẻ.
Hiện nay, Bộ trưởng Tài chính của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã đồng ý tổ chức gặp gỡ mỗi năm một lần để mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Số liệu của Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng nhà máy của Samsung tại Hà Nội đã thuê 100.000 nhân viên, trong khi đó số lượng các công ty thành viên và nhà cung cấp của họ dự tính lên tới khoảng 300.
Số liệu còn cho thấy trong các hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có khoảng 1/3 là chất bán dẫn và tấm panel - những mặt hàng này được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất sản phẩm điện tử.
Không chỉ là một cơ sở sản xuất, cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế và trẻ hóa dân số của Việt Nam, sức hút của thị trường Việt Nam cũng đang tăng lên.
1/3 dân số Việt Nam đều đang ở độ tuổi từ 15 - 34, trong khi đó vào quý 1/2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp Hàn Quốc như Lotte, E-Mart đều đang tích cực mở cửa thị trường Việt Nam.
Khi tiến hành chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết quan hệ Việt - Hàn ngày càng mật thiết, hai bên sẽ thực hiện "cùng thắng".
Ông Moon Jae-in nói: "Hiện nay có khoảng 5.500 công ty Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam... Có 1 triệu công nhân Việt Nam có việc làm rất tốt. Công lao thuộc về họ, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phát triển nhanh chóng".
Tuy nhiên, mặc dù Hàn Quốc đang tích cực triển khai chính sách "hướng Nam mới", muốn qua đó giảm lệ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ, nhưng vai trò "làm giảm xóc" của Việt Nam đối với Hàn Quốc còn rất hạn chế. Dù sao, rất nhiều hàng hóa do doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất ở Việt Nam cuối cùng vẫn tiêu thụ ở Trung Quốc và Mỹ.
Một chuyên gia từ Viện nghiên cứu chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc cho rằng Việt Nam và ASEAN không thể thay thế Mỹ và Trung Quốc, nhưng là thị trường bổ sung mới, họ có thể giúp cho Hàn Quốc ứng phó tốt hơn với những tác động từ Trung Quốc và Mỹ.