Hoàn cầu chỉ ra rằng, Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng trở nên cấp bách, đầu mối ngày càng hỗn loạn. Với tư cách là nước láng giềng của Triều Tiên, Trung Quốc ngày càng cảm nhận được nhiều sức ép và thách thức nặng nề.
Người dân Trung Quốc cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, suy nghĩ của họ về Triều Tiên cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Một số người vẫn đang bàn luận về “thuyết bức bình phong Triều Tiên”, bàn về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong thời kỳ Trung Quốc viện trợ Triều Tiên chống Mỹ.
Việc Bình Nhưỡng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh, liên tục thử nghiệm hạt nhân đã đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, cộng với việc xuất hiện những tin đồn liên quan đến vấn đề “chà đạp lên nhân quyền” của chính phủ Triều Tiên, đã ảnh hưởng đến cái nhìn của người Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Một xu hướng đang ngày càng bộc lộ rõ là, ngày càng có nhiều người Trung Quốc không còn coi Triều Tiên là quốc gia hữu hảo, trong đó không ít người cho rằng Triều Tiên là gánh nặng của Trung Quốc, còn có người thẳng thắn nói đó là một “người hàng xóm tồi”. Khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn cầu, hai chuyên gia Trung Quốc ủng hộ hai chính sách khác nhau đối với Triều Tiên đều dự đoán, số người Trung Quốc giữ quan điểm trên chiếm khoảng 60% - cũng có thể con số này sẽ cao hơn.
Do hoạt động ngoại giao đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, rõ ràng kết quả điều tra dân ý không thể được coi là kim chỉ nam cho chính sách ngoại giao. Tuy nhiên kết quả điều tra dân ý lại là một trong những cơ sở quan trọng để Trung Quốc xây dựng chiến lược ngoại giao. Hiện nay, cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã cảm nhận được rất rõ rằng, giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và mối quan hệ Trung – Triều đều là những bài toán rất khó đặt ra cho Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc cho rằng cần phải công bố kết quả điều tra dân ý về cái nhìn của người Trung Quốc đối với Triều Tiên.
Sự thay đổi này đang từng bước làm thay đổi môi trường dư luận ở Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ chuyển hóa thành sức ép thúc đẩy chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trừng phạt đối với Triều Tiên. Vì vấn đề hạt nhân của Triều Tiên dù làm thế nào cũng rất khó giải quyết, trong bối cảnh cục diện bán đảo hỗn loạn, rối ren như hiện nay, chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên càng lệch với kết quả điều tra dân ý thì cái giá mà Trung Quốc phải trả có thể sẽ càng đắt hơn.
Từ những suy nghĩ của người dân có thể thấy, một mặt Trung Quốc cần tăng cường mức độ trừng phạt đối với Triều Tiên, mặt khác vẫn quan tâm đến mối quan hệ Trung – Triều, cách làm vẹn toàn này trước đây luôn nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dân ý bắt đầu có sự thay đổi, ngày càng có nhiều người ủng hộ chính phủ bắt tay vào hành động “để Bình Nhưỡng cảm nhận được nỗi đau thật sự vì hành vi ngoan cố của mình”.
Hoàn cầu nhấn mạnh, việc người dân Trung Quốc “ghét Triều Tiên” không phải là suy nghĩ thâm căn cố đế, khác với “ghét Nhật Bản”, thái độ “ghét Triều Tiên” sẽ dễ thay đổi hơn. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết người Trung Quốc đã mất đi lòng kiên nhẫn và sự hứng thú “bỏ qua cho Triều Tiên”. Nếu Bình Nhưỡng không chịu thay đổi chính sách hạt nhân của họ, nỗi oán hận của người dân Trung Quốc đối với Triều Tiên sẽ ngày càng lớn hơn.
Do sự tuyên truyền kéo dài của dư luận phương Tây, những quan điểm như không thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vì “Trung Quốc không chịu trừng phạt”, Trung Quốc “quá nhẫn nhịn” trước Bình Nhưỡng... đã ảnh hưởng đến suy nghĩ một bộ phận người dân Trung Quốc. Do các cơ quan truyền thông chính thống không đề cập nhiều đến vấn đề Triều Tiên, không ít quan điểm mơ hồ trở thành tâm điểm được đề cao trong dư luận.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang phát triển sang lĩnh vực rộng hơn, đồng thời có nguồn năng lượng tiềm ẩn có thể làm tổn hại đến lợi ích chính trị của Trung Quốc trong tình huống cực đoan. Nếu như vậy, có thể nó sẽ không còn là vấn đề của Đông Á, thậm chí không còn là “vấn đề ngoại giao”. Trước nguy cơ này, phía Trung Quốc cần sớm chuẩn bị đối sách.
Đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, e rằng cần tuân thủ phương châm giữa các phương án tồi, tìm một phương án đỡ tệ hơn cả. Cách làm của Mỹ hết sức đơn giản, đó là tăng cường đe dọa Triều Tiên, chiêu này không làm được gì Triều Tiên, mục đích thực sự mà Mỹ sử dụng chiêu bài này chỉ là túm chặt lấy Hàn Quốc nhằm tạo ra hiệu quả chiến lược lớn hơn để gây sức ép lớn về quân sự cho Trung Quốc.
Trung Quốc khuyên Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên nhưng đều không mang lại kết quả gì, cái mà Trung Quốc cần đề phòng nhất là bị một trong ba bên điều khiển như một con rối, đảm bảo cho sự cơ động, linh hoạt của mình, bảo vệ giới hạn cuối cùng mà mình đã vạch ra.
Đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể kỹ thuật hóa, chi tiết hóa. Chỉ có chiến lược lớn, quyết tâm lớn mới có thể tạo cho mình thế chủ động. Một số quan niệm lưu truyền lâu năm như “Triều Tiên là bức bình phong chiến lược của Trung Quốc”... đều cần suy nghĩ và đánh giá lại.
T.A