Lò lửa Syria và đại chiến dầu khí Trung Đông

VietTimes -- Hiện nay, cuộc chiến vì dầu mỏ và khí đốt giữa các cường quốc thế giới, chủ yếu giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, là nhằm giành quyền kiểm soát tiềm năng dầu khí trên lục địa Á-Âu. Động lực dẫn tới các biến động đó là cuộc chiến giành giật dầu mỏ và khí đốt-hai loại tài nguyên được mệnh danh là “vàng đen” và “vàng xanh” của thế giới.
Mỹ đã gây ra và can thiệp vào nhiều cuộc chiến trên thế giới
Mỹ đã gây ra và can thiệp vào nhiều cuộc chiến trên thế giới

Cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh bùng phát từ ngày 5/6/2017 do Saudi Arabia, Bahrain, UAE (Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất) khởi xướng chống lại Qatar với cáo buộc Chính quyền Doha “tài trợ khủng bố” và “kết thân với Iran”-một quốc gia mà họ là đang liên kết với tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xựng (IS) thành “trục ma quỷ”, tới nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Những biện pháp các bên đưa ra để hóa giải cuộc khủng hoảng này đều vô tác dụng bởi nguyên nhân sâu xa và có ý nghĩa quyết định lại xuất phát từ một câu chuyện khác mà các bên có liên quan không tiện nói tới. Đó là cuộc chiến dầu mỏ khí đốt đã, đang và sẽ diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt trên một khu vực rộng lớn được gọi và Trung Đông Lớn, trong đó Syria là một tâm điểm mà Qatar đã và đang dính líu vào.

Cuộc chiến dầu khí ở Đại Trung Đông  

Đại Trung Đông là một vành đai địa chính trị rộng lớn và có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, trải dài từ châu Phi, qua Trung Đông tới Trung Á và Nam Á, trong đó tiềm ẩn các nguồn tài nguyên khổng lồ và quý hiếm như dầu mỏ, khí đốt, vàng bạc châu báu và các nguyên tố hiếm. Trong những năm gần đây, một câu hỏi lớn khiến giới phân tích tốn khá nhiều công sức để tìm lời giải là các biến động chính trị-xã hội ở các nước trong khu vực Trung Đông Lớn mang tên “Mùa xuân Arab” liệu có quan hệ gì với dầu mỏ và khí đốt? Hiện đã có hàng ngàn chuyên khảo và công trình nghiên cứu về chủ đề này.

Trong khi đi tìm lời giải cho câu hỏi đó, các chính khách và chuyên gia được phân chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất cho rằng, phong trào mang tên “Mùa xuân Arab” được phương Tây do Mỹ đứng đầu cổ suy mà đỉnh điểm là Syria chỉ là nhằm “xúc tiến dân chủ” và “cải cách” cho các quốc gia ở khu vực này. Còn nhóm thứ hai khẳng định, động lực dẫn tới các biến động đó là cuộc chiến giành giật dầu mỏ và khí đốt-hai loại tài nguyên được mệnh danh là “vàng đen” và “vàng xanh” của thế giới trong thế kỷ XXI. Đại diện điển hình cho nhóm thứ hai này có những nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Mỹ như Alan Greenspan-cựu Chủ tịch Hội đồng thống đốc Cục dự trữ liên bang của Mỹ, John McCain-đương kim Chủ tịch Ủy ban quân lực của Thượng viện Mỹ, George W. Bush-cựu Tổng thống Mỹ, Dick Cheney-cựu Phó Tổng thống Mỹ và nhiều nhân vật cao cấp nhất trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney từng tuyên bố: “Dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông là ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ”. Vì thế, 5 tháng trước khi xảy ra sự kiện ngày 11/9/2001, Mỹ đã chủ trương sử dụng sức mạnh quân sự để can thiệp vào Iraq nhằm giành quyền kiểm soát đối dầu mỏ và khí đốt của quốc gia này. Theo Cơ quan tình báo Pháp, cuộc chiến tranh ở Afghanistan cũng đã từng được vạch kế hoạch trước khi xảy ra sự kiện 11/9/2001.

Trước đó rất lâu, Mỹ muốn xây dựng đường ống để chuyển tải dầu mỏ và khí đốt từ khu vực Trung Á đi qua lãnh thổ Afghanistan tới Ấn Độ Dương sao cho rẻ hơn và dễ dàng hơn. Hai thượng nghị sĩ Mỹ Markey và Graham từng nói, Mỹ có mặt ở Lybia là vì lợi ích dầu mỏ. Cũng theo hai ông, Mỹ và Anh cùng phối hợp để lật đổ Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Tổng thống Venezuela Hugo Chaves bởi hai nhà lãnh đạo này đưa ra chủ trương sẽ quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ, đe dọa lợi ích của các tập đoàn năng lượng xuyên quốc gia.  

Tuyến đường ống
Tuyến đường ống

John Bolton, Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, kiến trúc sư chủ chốt của chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ, từng tuyên bố: "Trung Đông Lớn là khu vực có ý nghĩa rất quan trọng về dầu mỏ và khí đốt mà để giành giật nó Mỹ đã phải tiến hành chiến tranh để kiểm soát nhằm bảo vệ nền kinh tế trong nước không bị khó khăn một khi không kiểm soát được nguồn năng lượng này, hoặc Mỹ phải nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt theo giá quá cao”.

Hiện nay, cuộc chiến vì dầu mỏ và khí đốt giữa các cường quốc thế giới, chủ yếu giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, là nhằm giành quyền kiểm soát tiềm năng dầu mỏ và khí đốt trên lục địa Á-Âu. Nga và Mỹ ở trong trạng thái cạnh tranh ở khu vực này kể từ khi Liên Xô tan rã, trong đó Nga kiên quyết không để Mỹ tiếp cận vào “sân sau” của họ ở Trung Á. Nga còn chủ trương duy trì quyền kiểm soát đối với tiềm năng trên thị trường dầu mỏ và khí đốt ở châu Âu, trong khi đó Mỹ lại muốn EU đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu khí đốt và loại bỏ thế độc quyền của Nga. Hiện nay, về cơ bản Matxcơva đang kiểm soát các đường ống dẫn khí đốt lớn cung cấp năng lượng cho châu Âu và đang có phương án xây dựng thêm các tuyến đường ống mới.

Iran là một quốc gia có vị thế rất quan trọng trên bản đồ năng lượng của thế giới, sở hữu nguồn khí đốt lớn thứ 2 thế giới và trữ lượng dầu mỏ với 93 tỷ thùng. Teheran đã từng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang Trung Quốc và hiện đang có kế hoạch xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu. Vì thế, Washington đang muốn loại bỏ chính quyền hiện nay ở Iran và dựng lên chính quyền mới do Mỹ kiểm soát để khống chế dầu mỏ và khí đốt của nước này. Vì thế, việc Trung Quốc ủng hộ Iran xuất phát trước hết là lợi ích dầu mỏ và khí đốt.

Syria-tâm điểm chiến tranh dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông

Sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Syria hoàn toàn đi ngược lại các kế hoạch của Arabia Saudi và Qatar-hai thế lực  đều đang theo đuổi tham vọng giành quyền bá chủ trong thế giới Arab. Trong đó, điều khiến Arabia Saudi và Qatar tỏ ý lo ngại nhất là chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy khai thác-chế biến khí đốt hóa lỏng và mạng lưới chuyên chở dầu mỏ và khí đốt nối liền Syria với Egypt, Jordan, Iran, Iraq và Azebaizan. Trong tương lai dài hạn, Syria-quốc gia sở hữu nguồn dự trữ khí đốt ước tính 240 tỷ mét khối, sẽ trở thành quốc gia trung gian chuyển tải khí đốt của Egypt, Iraq và Iran.

Năm 2000, Syria, Libanon, Iraq, Jordan và Egypt ký một hiệp định chung về xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuyên Arab AGP (Arab Gas Pipeline). Dự kiến, tuyến đường ống này khi được đưa vào sử dụng có  công suất của nhánh nối liên hai nước Egypt và Jordan là 10,3 tỷ mét khối mỗi năm. Nhánh tiếp theo sẽ được xây dựng đi từ Jordan tới thành phố Homes của Syria và sau đó đi tới Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khu vực Nam Âu.                                                                                                   

Năm 2009, tại khu vực thành phố Palmira của Syria-nơi có ba mỏ khí đốt ở Abu Ribah, Kamkam và al-Fade, đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến khí đốt có công suất hàng năm là 2,2 tỷ mét khối khí sạch và 23.000 tấn khí đốt hóa lỏng. Syria cũng bắt đầu khởi công thực hiện dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất và chế biến khí đốt cách có công suất 1,3 tỷ mét khối mỗi năm, cách đông thành phố Al-Rakka 74 km về phía và cách thành phố Homes 205 km.

Syria là chiến trường khốc liệt giữa các thế lực tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên
Syria là chiến trường khốc liệt giữa các thế lực tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên

Trước khi bùng phát “Mùa xuân Arab”, Syria cùng với Iraq và Iran ký hiệp định xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt mang tên “Islamic Magistral” (“Tuyến đường lớn Hồi giáo”) có công suất thiết kế 110 triệu mét khối mỗi ngày. Dự án này được nhìn nhận như là đối trọng với tuyến đường ống dẫn khí đốt “Nabuco” đi từ Azebaizan và Turmenia qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu. Tháng 9/2010, Syria và Iraq ký biên bản gi nhớ về việc xây dựng ba tuyến đường ống dẫn, trong đó có hai tuyến dẫn dầu mỏ công suất 2,5-3 tỷ thùng mỗi ngày và một tuyến dẫn khí đốt.

Đầu năm 2011, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đề xuất ý tưởng mang tên “Chiến lược bốn biển” nhằm kết nối Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Azebaizan thành một hệ thống chuyển tài dầu mỏ và khí đốt thống nhất hướng ra Địa Trung Hải. Ý tưởng chiến lược này nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga, nhưng điều chủ yếu và quan trọng nhất là các công ty dầu mỏ và khí đốt của Mỹ và các nước châu Âu không không được mời tham gia. Trong khi đó, Công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Nga lại nhận được sự ưu tiên khi tham gia thực hiện sáng kiến chiến lược này của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Một khi những dự án trên đây được thực thi thành công thì Mỹ sẽ bị tước quyền kiểm soát đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Trung Đông và Cận Đông, còn quyền này sẽ thuộc về Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và có thể là cả Nga nữa. Đặc biệt, các tuyến đường ống dẫn khí đốt này với chi phí khai thác và chuyên chở thấp sẽ là đòn giáng mạnh vào hoạt động kinh doanh dầu mỏ và khí đốt của Arabia Saudi và Qatar. Hơn nữa, những tuyến đường ống dẫn khí đốt này sẽ đem lại cho Iran một lợi thế có ý nghĩa chiến lược: giảm bớt sự phụ thuộc của Iran vào eo biển Hormus[1].  

(còn tiếp)

[1] A Primer On the REAL Global Geopolitical Battle.

http://www.zerohedge.com/contributed/2012-10-08/primer-real-global-geopolitical-battle  

[2] Причины арабской весны От Ливии до Сирии  http://arguendi.livejournal.com/278990.html