Hai kịch bản của Mỹ đã bị phá sản ở Syria
Hiện có hai trong ba kịch bản hành động của Mỹ ở Syria núp dưới chiêu bài “chống khủng bố” về cơ bản đã bị phá sản.
Kịch bản thứ nhất. Núp dưới chiêu bài “chống khủng bố”, Mỹ thực hiện chiến dịch quân sự ở Mosul của Iraq nhằm dồn phần lớn lực lượng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xựng (IS) chạy sang lãnh thổ Syria, để những lực lượng này phối hợp với các lực lượng khủng bố khác mở các đợt tấn công vào Quân đội Syria.
Đồng thời, Mỹ bí mật thỏa thuận với IS trao lại quyền kiểm soát các khu vực lãnh thổ của Syria vào tay “các lực lượng đối lập” do Mỹ chỉ huy để hình thành “nhà nước độc lập” trên lãnh thổ quốc gia này, gây sức ép đối với chính quyền Damascus. Thậm chí, Mỹ đã tính tới khả năng kiểm soát tiềm năng dầu mỏ và khí đốt của Syria nằm trên lãnh thổ “nhà nước độc lập” này. Kế hoạch này đã bị phá sản do sự cảnh giác của Chính quyền Damascus và khả năng chiến đấu cao của quân đội Syria được sự giúp đỡ của Nga và Iran.
Kịch bản thứ hai. Kịch bản này được gọi là “Afghanistan hóa chiến trường Syria”, theo đó Mỹ và liên minh quân sự mới hình thành mang tên “NATO của các nước Arab” sẽ trang bị vũ khí hặng nặng, tầm xa, cho “các lực lượng đối lập” để họ tấn công tiêu hao Quân đội Syria và lực lượng của Nga, tương tự như kịch bản trên chiến trường Afghanistan trong những năm 1980 mà khi đó Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí cho tổ chức khủng bố “Al-Qaeda” chống lại Quân đội Liên Xô hiện diện ở quốc gia này. Kịch bản này cũng đã bị phá sản sau khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đạt được thỏa thuận thiết lập “các vùng giảm căng thẳng” nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria.
Mỹ đang ráo riết chuẩn bị kịch thứ ba: bản phát động chiến tranh toàn diện ở Syria
Hiện nay, Mỹ đang ráo riết chuẩn bị kịch bản phát động chiến tranh toàn diện ở Syria. Theo nhận định của thượng nghị sỹ Nga Igor Morozov, Mỹ đang chuẩn bị một chiến dịch quy mô lớn nhằm lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Saad bằng đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng và thành lập chế độ ở Syria dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Để thực hiện kịch bản này, Mỹ vẫn áp dụng công nghệ chính trị-quân sự quen thuộc là tạo chứng cử giả để lấy cơ đó phát động chiến tranh.
Ngày 26/6/2017, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đưa ra tuyên bố:“Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang lên kế hoạch tấn công bằng vũ khí hóa học mới ở Syria. Vụ tấn công hóa học này có khả năng sẽ dẫn tới một vụ tàn sát dân thường, kể cả những đứa trẻ vô tội”. Tuy nhiên, khi được hỏi về bằng chứng, ông Sean Spicer lại nói Nhà Trắng không cung cấp vì lý do “bí mật quân sự”.
Tại diễn đàn ở LHQ, đại diện thường trực của Mỹ, bà Nikki Haley, tuyên bố: “Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào người dân Syria đều là tội của ông al-Assad, của Nga và Iran là những quốc gia ủng hộ ông ta giết hại nhân dân mình".
Trong một cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi của các nhà báo về việc Mỹ không đưa ra bằng chứng về vũ khí hóa học của Syria, người phát ngôn chính thức của Bộ ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert, tuyên bố rằng Mỹ sẽ không trưng ra các bằng chứng về việc Chính phủ Syria chuẩn bị Syria sử dụng vũ khí hóa học bởi đó là “tin tức tình báo”.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc phi lý về việc Syria chế tạo và sử dụng vũ khí hóa học. Năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng cáo buộc “Syria sử dụng vũ khí hóa học” nhưng nhờ Nga can thiệp nên đã tránh được chiến tranh trừng phạt của Mỹ, cũng giữ được thể diện cho Mỹ. Trong khi đó, Donald Trump coi sự do dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama là “sự yếu đuối”. Vì thế, gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tấn công sân bay Shayriat của Syria vào ngày 6/4/2017 cũng với cớ “Syria sử dụng vũ khí hóa học” để thể hiện “sự khác biệt và quyết đoán” so với tổng thống tiền nhiệm.
Toan tính của Mỹ hiện nay tương tự như chuyện vào năm 2003 Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Colin Powell trong bài phát biểu tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã trình ra chiếc lọ thủy tinh đựng chất bột trắng và gọi đó là “vũ khí hóa học” của Iraq. Mượn cớ đó, Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq vào ngày 20/3/2003. Sau đó, chính ông Colin Powell đã phải công nhận đó là sai lầm.
Theo kết quả điều tra của nhà báo Mỹ rất nổi tiếng Seymour Hersh, cáo buộc của Mỹ về việc “Syria sử dụng vũ khí hóa học ở thành phố Khan-Sheikhun” ngày 4/4/2017 là sự bịa đặt của Nhà Trắng để biện minh cho quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng 59 quả tên lửa Tomahawk tấn công sân bay Shayriat của Syria ngày 6/4/2017.
Trong bài viết đăng trên báo “Die Welt”, ông Seymour Hersh cho biết nhận định của ông dựa trên cơ sở các nguồn tin rất tin cậy trong các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Theo ông, trong quyết định vội vàng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công Syria ngày 6/4/2017 có lỗi của tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Ủy ban tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Hai người này đã cung cấp cho Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster những tin tức thu được từ các phương tiện truyền thông của Mỹ về việc “Syria sử dụng vũ khí hóa học”.
Ông Seymour Hersh cho biết, theo thỏa thuận Mỹ-Nga về giảm căng thẳng và tránh xung đột, các sỹ quan Không quân Nga và Syria đã chuyển cho Mỹ kế hoạch bay của không quân hai nước tới Khan-Sheikhun và ngược lại. Theo kế hoạch này, mục tiêu tấn công của Không quân Syria là ngôi nhà hai tầng mà bên trong diễn ra cuộc gặp của “những đối tượng đặc biệt” là những chỉ huy cấp cao của hai nhóm chiến binh cực đoan đang kiểm soát thành phố này.
Nhận thấy được ngôi nhà náy là mục tiêu đặc biệt, Nga đã chuyển cho Syria loại quả bom dẫn đường bằng vệ tinh chỉ chứa chất nổ thông thường, chứ không phải là vũ khí hóa học. Cuộc gặp của các chỉ huy cấp cao của các lực lượng khủng bố diễn ra ở tầng trên, còn tầng ngầm của ngôi nhà này là kho chứa vũ khí, đạn dược, một số hóa chất được chế tạo trên cơ sở thành phần chất hóa học clo để xử lí thi thể các chiến binh bị chết trước khi mai táng.
Sau khi bị bom của không quân Syria tấn công tiêu diệt các chỉ huy khủng bố, ngôi nhà này bị phá hủy và một số hóa chất bị phát tán ra ngoài. Trong vụ tấn công này của không quân Syria có 4 chỉ huy khủng bố bị tiêu diệt cùng với lái xe và các nhân viên bảo vệ. Trong khi đó, hãng truyền thông Mỹ CNN đưa tin có 92 người dân thường thiệt mạng trong vụ không kích này.
Theo Seymour Hersh, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn thấy các bức ảnh về vụ tấn công do báo chí Mỹ đưa tin, ông ra lệnh cho các trợ lý an ninh chuẩn bị đòn tấn công trừng phạt Syria. Theo kết quả điều tra, những bức ảnh này do một tổ chức có quan hệ với IS là đội tình nguyện “White Helmets” dàn dựng và chế tác, sau đó tung lên mạng Internet.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng của Duma quốc gia (Hạ viện Nga) cho biết, với cáo buộc “Syria đang có kế hoạch tấn công bằng vũ khí hóa học”, Mỹ đã đặt nền tảng cho sự can thiệp quân sự chống lại Syria.
Một thông tin khác có liên quan là Thái tử Arabia Saudi, ông Mohammad bin Salman Al Saud, vừa được Quốc vương sắc phong, đã ngay lập tức tuyên bố Nga là “mối đe dọa chính” ở Syria. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng ở Syria có rất nhiều nhóm khủng bố cần phải tiêu diệt. Nhưng người Nga đang cố gắng truyền bá chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông. Liên bang Nga giúp đỡ những kẻ khủng bố khi tấn công vào các lực lượng dân quân của quân đội Syria tự do". Ông còn nói: “Nếu Nga tiếp tục ném bom bừa bãi, chúng tôi sẽ phải nói rằng, mặc dù khó khăn, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp để kiềm chế sức mạnh của họ. Liên bang Nga nên nhớ rằng với khả năng quân sự của mình, chúng tôi chỉ cần ba ngày để tiêu diệt các lực lượng Nga ở Syria".
Không phải ngẫu nhiên mà Quốc vương Arabia Saudi bất ngờ phế truất Thái tử cũ và sắc phong Thái tử mới cho Mohammad bin Salman Al Saud bởi nhân vật này nổi tiếng với quan điểm “diều hâu” lại kiêm cả chức Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng. Câu chuyện này có liên quan tới vai trò của Arabia Saudi-quốc gia dẫn đầu “NATO của các nước Arab” và là công cụ của Mỹ trong chiến lược mới ở Trung Đông.
Thời điểm nào là “giờ G” trong cuộc chiến Syria?
Theo dự báo của giới phân tích, thời điểm “giờ G” trong cuộc chiến Syria là trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao G-20 ở CHLB Đức vào đầu tháng 7/2017.
Lần trước, vào năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng dự định phát động chiến tranh trừng phạt Syria mượn cớ quân đội nước này “Syria sử dụng vũ khí hóa học” trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao G-20 ở Nga. Ông Barack Obama dự định tấn công trong 3 ngày, mở đầu vào ngày 31/8/2013, sau đó ông sẽ “ngẩng cao đầu” tới dự Hội nghị để tuyên bố về “chiến thắng”.
Trước khi diễn ra Hội nghị G-20 ở Nga năm đó, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo Mỹ về dự kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama tấn công trừng phạt Syria, Tổng thống Nga V.Putin trả lời rằng, nếu Mỹ đưa ra được bằng chứng xác thực Syria sử dụng vũ khí hóa học thì chính ông cũng ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama tấn công Syria. Nhưng Mỹ đã không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào.
Năm đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoãn cuộc tấn công “trừng phạt” Syria trước thời điểm diễn ra Hội nghị G-20 ở Nga. Sau Hội nghị này, Tổng thống Nga V.Putin đã đề xuất sáng kiến Syria hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học. Chính quyền Damascus chấp nhận sáng kiến đó và Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã ra Nghị quyết về Syria, trong đó khẳng định bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào vào Syria với lý do quốc gia này “sử dụng vũ khí hóa học” đều phải dựa trên cơ sở các bằng chứng từ kết quả điều tra của LHQ.
Theo CNN, lúc này cụm tàu chiến và tàu sân bay của Mỹ ở Vùng Vịnh đã sẵn sàng cho đòn tấn công phủ đầu Syria một khi quân đội nước này “sử dụng vũ khí hóa học” [18].
Đã đến lúc nước Nga phải hành động
Ông Paul Craig Roberts, tiến sỹ kinh tế, cựu Thứ trưởng Bộ tài chính Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan, người từng giữ chức biên tập viên và bình luận viên báo “Wall Street Journal”, Tạp chí “Businessweek” và hãng thông tấn “Scripps Howard News Service” và là tác giả nhiều cuốn sách về các vấn đề chính trị quốc tế đương đại, đưa ra nhận định rằng, đã đến lúc người Nga cấn hiểu ra rằng mọi thỏa thuận với Mỹ trong vấn đề Syria chẳng có giá trị gì hết. Ông Paul Craig Roberts cho rằng, Mỹ tuyên bố “chống IS” chỉ là để hợp pháp hóa hành động can thiệp phi pháp ở Syria. Chỉ có Nga và Iran hành động hợp pháp ở Syria vì được chính quyền Damas chính thức yêu cầu, còn Mỹ thì không.
Ông Paul Craig Roberts nhận định:“Rõ ràng, Tổng thống Nga V.Putin hành động chống IS thực sự vì muốn đem lại hòa bình và điều tốt cho tất cả. Nhưng thỏa thuận của Tổng thống Nga V.Putin với Mỹ bị Washington cho là “biểu hiện của sự yếu đuối” và do đó Mỹ càng lấn tới. Đã đến lúc, nước Nga phải hành động.
Theo giới phân tích, Syria cần phải có được một “Điện Biên Phủ trên không” như ở Việt Nam, hay “một Stalingrad” như trong Thế chiến II thì mới có thể xoay chuyển cơ bản được tình hình./.