Từ khi được thành lập vào năm 1944, trong hơn 70 năm qua, MGIMO đã đào tạo tất cả hơn 64.000 sinh viên. Mục tiêu ban đầu là để đào tạo ra một tầng lớp các nhà ngoại giao mới, thay thế cho những thế hệ đã bị thanh trừng dưới thời Stalin. Cùng năm tháng, chương trình của trường không chỉ giới hạn ở môn quan hệ quốc tế mà đã được mở rộng đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến luật quốc tế hay báo chí …
Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, trường MGIMO vẫn tiếp tục là «lò đào tạo» ra các nhà ngoại giao của các nước trong vòng kềm tỏa của Matxcơva từ Ba Lan đến Roumani, từ Cu Ba đến Mông Cổ, và kể cả một số các chuyên gia Trung Quốc. Kể từ khi bức tường Berlin được xóa bỏ, Học viện Quốc gia về Quan hệ Quốc tế Matxcova đã mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu của tây Âu, như Học viện nghiên cứu Chính trị Paris-Sciences Po hay trường đại học Berlin … và giờ đây các chuyên gia xuất thân từ MGIMO đã có mặt tại tất cả các định chế đa quốc gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến Tổ chức Y tế Thế giới …
Điểm mạnh của trường là 54 ngoại ngữ khác nhau, từ tiếng Ả Rập đến tiếng Ba Tư, từ tiếng Phần Lan đến Triều Tiên, hay cả những hai ngoại ngữ ít được sử dụng nhất là tiếng Afrikaans của Nam Phi và Dari của Afghanistan. Tùy thuộc theo nhu cầu về địa chính trị, mỗi khóa học viên đều được chỉ định theo học ít nhất là 2 hai thứ tiếng nước ngoài và tất cả phải được sử dụng rất thông thạo. Chẳng vậy mà xưa kia ông Lavrov đã được chỉ thị để theo học ba ngoại ngữ chính là tiếng Cingalais của người SriLanka, tiếng Anh và tiếng Pháp. Một người bạn cùng khóa của ông là Anatoly Torkunov thì nói tiếng Hàn không thua tiếng mẹ đẻ.
Để làm chủ một ngoại ngữ như vậy mỗi học viên được đào tạo đến 10 giờ sinh ngữ một tuần và trong lớp học chỉ có tối đa là 7 người! Gần đây, nhu cầu về tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc và Ukraine đã tăng rất nhanh. Một đặc điểm khác của trường là các sinh viên khi rời MGIMO có kiến thức rất thấu đáo về thế giới Hồi giáo.
Bên cạnh các vấn đề trọng tâm đó, quá trình đào tạo của trường còn đòi hỏi một trình độ rất cao về lịch sử quan hệ quốc tế, về các vấn đề từ tôn giáo đến tầm mức quan trọng của bàn cờ năng lượng thế giới, từ nghệ thuật đàm phán đến nghi lễ ngoại giao. Về mặt tâm lý, thì các nhà ngoại giao Liên Xô trước kia và Nga sau này, nổi tiếng là những người cứng rắn. Đó là điều từng được kiểm chứng qua biệt danh «Mr.Niet» mọi người từng dành cho ngoại trưởng Liên Xô Gomyko khi ông đàm phán với đồng nhiệm Tây Đức Gensher năm 1983 về hạt nhân.
Điều không thay đổi với năm tháng, là trong hơn 70 năm được hình thành đến nay, quan điểm chính thức của «lò đào tạo các nhà ngoại giao» tại Matxcơva luôn rất gần gũi với lập trường của điện Kremlin. Như lời một sinh viên của trường thổ lộ: trên hồ sơ Crimea hay về luật pháp quốc tế, quan điểm được ngoại trưởng Lavrov đưa ra bao giờ cũng được sinh viên của trường ủng hộ rộng rãi.