Liệu kỷ nguyên Phương Tây thống trị thế giới đã tới hồi kết?

VietTimes -- Do quá nhiều bất đồng, Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay đã không thể kết thúc bằng Tuyên bố chung. Nó là tấm gương phản chiếu bức tranh của thế giới hôm nay với đặc điểm nổi bật là những bất ổn và bất định do sự cạnh tranh và xung đột lợi ích giữa các cường quốc đang được coi là người “cầm cân nẩy mực” trong giải quyết những chương trình nghị sự lớn của toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo cùng thưởng thức bữa sáng tại Hội nghị G7. Ảnh: AP.
Các nhà lãnh đạo cùng thưởng thức bữa sáng tại Hội nghị G7. Ảnh: AP.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-7 thường niên năm 2019 ở thành phố Biarritz, do tổng thống nước chủ nhà chủ trì, trong bài phát biểu tại cuộc gặp các đại sứ Pháp tề tựu tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng kỷ nguyên Phương Tây thống trị thế giới do tác động của những chuyển dịch địa chính trị, đã có sự nổi lên của nhiều cường quốc Phương Đông đóng vai trò không thể thiếu được trong việc giải quyết các chương trình nghị sự toàn cầu như là Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ [1].

Không chỉ có lời cảnh báo của ông Emmanuel Macron 

Không chỉ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra lời cảnh báo kỷ nguyên thống trị thế giới của Phương Tây đã tới hồi kết mà nhiều chính khách và chuyên gia phân tích chính trị thế giới cũng đưa ra nhận định tương tự. Sau đây đơn cử vài thí dụ.

Các nhà lãnh đạo G7 trên bàn họp ngày 26/8. Ảnh: AFP.
Các nhà lãnh đạo G7 trên bàn họp ngày 26/8. Ảnh: AFP.

Trước hết phải kể tới Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Angela Merkel - nữ chính khách đã từng được Tạp chí Forbes của Mỹ nhiều năm liên xếp vào danh sách 10 nhà lãnh đạo quyền lực và có ảnh hướng nhất thế giới, từng tuyên bố rằng thế giới phải chấp nhận một thực tế không thể phủ nhận là nhân loại đang bước sang một thời đại mới. Sau một phần tư thế kỷ nước Đức thống nhất và kết thúc Chiến tranh lạnh, thế giới đang bước sang một kỷ nguyên lịch sử khác thay thế kỷ nguyên do Phương Tây nắm quyền thống trị. Còn Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier, cũng từng lưu ý rằng cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 đưa Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ là một cột mốc lịch sử đặt dấu chấm hết cho trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh lạnh [2] .

Bình luận về chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga V.Putin có ghé thăm dinh thự riêng của người đồng cấp Emmanuel Macron, ngày 18/8/2019, trong một cuộc phỏng vấn của báo Le Figaro, Cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Pháp Hubert Vedrin nhận định rằng chuyến thăm này của chủ nhân Điện Kremlin sẽ giúp Châu Âu thoát khỏi tình thế khủng hoảng hiện nay. Dù chưa phải là ngay và luôn, nhưng kỷ nguyên đó sẽ tới.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản, trả lời phỏng vấn tờ Finalcial Times (Anh), Tổng thống Nga V.Putin nhận định, thế giới tự do của Phương Tây đã lỗi thời, trong đó nhiều quốc gia không chấp nhận việc một siêu cường tự cho mình cái quyền áp đặt cái gọi là “các giá trị tự do” cho phần còn lại của thế giới. Chính vì thế mà nỗ lực và mưu toan của Mỹ đứng đầu Phương Tây áp đặt “các giá trị tự do” cho Nga đã thất bại [3].

Báo Mỹ The Wall Street Journal đăng nhiều bài viết của các chuyên gia phân tích nhận định rằng, trong điều kiện phải hóa giải nhiều yếu tố kiềm chế chính sách đối ngoại, Matxcơva dưới thời cầm quyền của V.Putin đã tìm cách giành lại vị thế và vai trò của nước Nga trong "hội đồng quản trị toàn cầu", hoàn toàn có khả năng vô hiệu hóa mọi nỗ lực của Phương Tây kiềm chế Nga [4].

Từ một góc nhìn khác, khi nói kỷ nguyên Phương Tây thống trị thế giới đã tới hồi kết, giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng phát trong năm 2008 ở Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới Phương Tây trong suốt thế kỷ XX tới đầu thế kỷ XXI, thực chất là cuộc khủng hoảng toàn bộ hệ thống kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới (System Crisis), đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, thống trị thế giới [5,6].

Tổng thống D. Trump và Tổng thống Pháp Macron
Tổng thống D. Trump và Tổng thống Pháp Macron

Cuộc khủng hoảng của Phương Tây nhìn từ Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Pháp

Đúng như dự báo của giới phân tích, Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm 2019 tại thành phố Biarritz của nước Pháp phản ánh tính trạng bất ổn và bất định của Phương Tây trong khuôn khổ “câu lạc bộ” các nhà lãnh đạo 7 cường quốc phát triển nhất thế giới có chức năng đưa ra các biện pháp để giải quyết các chương trình nghị sự toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay, lãnh đạo các nước thành viên thể hiện quan điểm mâu thuẫn và bất đồng khó có thể hóa giải về tất cả các hồ sơ lớn và nóng của thế giới như chiến tranh thương mại, tăng trưởng toàn cầu, hay biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Ukraine, Libya và Syria,

Về chiến tranh thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ quan điểm cứng rắn về thương chiến với Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ EU và Nhật Bản mặc dù ông thông báo đã đạt được nhất trí về nguyên tắc về hiệp định thương mại Mỹ-Nhật. Ông Donald Trump hoàn toàn không đả động gì tới Hiệp định đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU mà Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama ra sức theo đuổi. Ngay trước thềm Hội nghị, ông Donald Trump đã đe dọa áp thuế đối với rượu vang Pháp nếu như Paris không từ bỏ kế hoạch đánh thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ của Mỹ. Đáp lại, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cảnh báo EU sẽ phản ứng thích đáng nếu như Mỹ thực hiện lời đe dọa này.

Về việc giúp kinh tế thế giới tăng trường, Tổng thống Pháp Macron chỉ có thể dừng lại ở việc bày tỏ hy vọng G-7 sẵn sàng cho những cải cách tổ Tổ chức thương mại thế giới mà không thể đề xuất bất cứ biện pháp cụ thể. Về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, năm nay G-7 không đề cập đến bất cứ kế hoạch nào nhằm phục hồi kinh tế thế giới mà ông Emmanuel Macron chỉ kêu gọi cần có những yếu tố thúc đẩy kinh tế.   

Về hồ sơ hạt nhân Iran, có một sự kiện đáng chú ý, là bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-7, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Iran đã bất ngờ đến Biarritz để gặp người đồng cấp Pháp trong vòng 3 giờ với sự tham dự của các cố vấn đối ngoại của Anh và Đức, sau đó tiếp kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để xoa dịu căng thẳng quan hệ giữa Teheran và Brussels. Tổng thống Mỹ Donald Trump bề ngoài hoan nghênh cuộc gặp này nhưng cho biết vẫn không thay đổi sách lược đối đầu với Iran sau khi đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Teheran.  Do đó, Mỹ và nhóm 6 nước trong G-7 vẫn có sự khác biệt quan điểm về quan hệ với Teheran và vì thế họ chỉ thống nhất quan điểm về hai nguyên tắc hóa giải hồ sơ hạt nhân Iran là Teheran không được phát triển vũ khí hạt nhân và cần phải hành động để chấm dứt sự leo thang căng thẳng ở Vùng Vịnh.

Liên minh châu Âu (EU) phản đối lời mời vô điều kiện để Nga tái tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh Reuters
Liên minh châu Âu (EU) phản đối lời mời vô điều kiện để Nga tái tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh Reuters

Về chống biến đổi khí hậu, duy trì đa dạng sinh học và chống ô nhiễm đại dương, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm gia tăng căng thẳng giữa các nước Châu Âu khi ông bất ngờ đe dọa ngăn chặn một thỏa thuận thương mại của EU với một nhóm các quốc gia Nam Mỹ liên quan đến việc Brazil xử lý các đám cháy rừng Amazon.

Về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump mâu thuẫn với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong việc đánh giá về mức độ nghiêm trọng của loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên. Trong khi phía Nhật tỏ ra quan ngại về các vụ thử tên lửa này thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho rằng Bình Nhưỡng “hoàn toàn có quyền làm điều đó”.

Về hồ sơ các điểm nóng Ukraine, Libya và Syria, Hội nghị thượng đỉnh G-7 lại không đưa ra được bất cứ đề xuất mới nào. Để hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine, G-7 chỉ nhắc lại chủ trương tiếp tục tổ chức cuộc gặp theo định dạng Normandie với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ucraina. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G-7 vẫn đưa ra cáo buộc Nga rằng “Nga không thực hiện Thỏa thuận Minsk” bởi trong chương trình 12 điểm thực hiện thỏa thuận này hoàn toàn không liên quan tới Nga mà chỉ xác định trách nhiệm rất cụ thể của chính quyền Kiev cũng như chính quyền hai tỉnh Miền Đông Ukraine. Trong khi đó, chính Kiev đã không thực hiện bất kỳ cam kết nào của của họ trong thỏa thuận này. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới sự bế tắc của Thỏa thuận Minsk.     

Tuy nhiên, bất đồng lớn nhất và gây tranh cãi nhất giữa các thành viên G-7 là chuyện mời Nga quay trở lại G-7. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, đây là “một công việc đang được tiến hành”. Trước đó, ngày 20/8/2019, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên đã đạt được sự thống nhất quan điểm cho rằng cần xem xét khả năng mời Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm 2020 sẽ được tổ chức tại Mỹ.

Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tuyên bố nên để Nga gia nhập nhóm G-7 vì điều này là hợp lý. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk lại đưa ra tuyên bố rằng ông không thể đồng ý với đề xuất mời Nga tham gia G-7 bởi các điều kiện để loại Nga khỏi G-7 vào năm 2014 vẫn còn hiệu lực. Theo ông Donald Tusk, Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm tới nên mời Ukraine với tư cách khách mời để nghe ý kiến của tân Tổng thống V.Zelensky. Có lẽ, chưa bao giờ có một nhà lãnh đạo nào ở Phương Tây dám cả gan bốp chát bằng ngôn từ như vậy với một tổng thống Mỹ. Do đó, các nhà lãnh đạo G-7 chỉ thống nhất được quan điểm cho rằng muốn tăng cường đối thoại và phối hợp với Nga nhưng còn quá sớm để đồng ý cho Nga tái gia nhập diễn đàn này.

Báo Pháp Le Figaro bình luận, đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Nga trở lại định dạng G-8 là cách ông đoạn tuyệt với các đồng minh trong G-7, đồng thời là một sự khiêu khích mới đối với Châu Âu, nhất là đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bởi ông ấy vừa mới tuyên bố trong tháng 6 vừa qua rằng nếu không có tiến triển rõ rệt và cụ thể đối với Thỏa thuận Minsk để chấm dứt chiến sự tại miền Đông Ucraina thì sẽ không thể mời Nga để tái thành lập G-8.

Trước đó, năm 2018, khi nhận định về bất đồng trong nội bộ G-7, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng G-7 hiện nay thực chất là G-6+1, nghĩa là nhóm 6 nước Anh, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Italia cộng với Mỹ, do Washington luôn đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã hoàn toàn thay đổi, trong đó Mỹ đã không thể đóng vai trò lãnh đạo và gần như bị cô lập trước nhóm 6 nước còn lại trong G-7 trong việc giải quyết nhiều chương trình nghị sự của thế giới.

Do quá nhiều bất đồng, Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay đã không thể kết thúc bằng Tuyên bố chung như các kỳ diễn đàn thường niên khác. Thậm chí, lãnh đạo các nước thành viên G-7 đã không thể tổ chức cuộc chụp ảnh chung sau khi hội nghị kết thúc. Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay là tấm gương phản chiếu bức tranh của thế giới hôm nay với đặc điểm nổi bật là sự bất ổn và bất định do sự cạnh tranh và xung đột lợi ích của các cường quốc được coi là những người “cầm cân nẩy mực” trong việc giải quyết các chương trình nghị sự lớn của toàn cầu. Thế giới hôm nay gần tương đồng với thế giới đầu thế kỷ XX, trong đó diễn ra sự cạnh tranh giữa các cường quốc tư bản, đã từng dẫn tới ba cuộc đại chiến: Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh lạnh. Lúc này, thế giới đang bước vào kỷ nguyên Chiến tranh lạnh 2.0 trong những điều kiện hoàn toàn mới so với Chiến tranh lạnh 1.0 trong thế kỷ XX./.

Nguồn tài liệu trích dẫn

[1] Макрон заявил о конце эпохи доминирования Запада. https://www.kommersant.ru/doc/4073513?utm_source=yxnews&utm_medium=desktop

[2] Ангела Меркель: мир вступает в новую историческую эру. https://www.vesti.ru/doc.html?id=2846433

[3]«Запад в бешенстве, но Россию мы не изменим»: во Франции признали бессмысленность попыток «повлиять на русских». https://politpuzzle.ru/147158-zapad-v-beshenstve-no-rossiyu-my-ne-izmenim-vo-frantsii-priznali-bessmyslennost-popytok-povliyat-na-russkih/?utm_source=onesignal&utm_medium=push&utm_campaign=main

[4]Американская пресса связала политические успехи Путина с навыками дзюдо. https://politpuzzle.ru/146638-amerikanskaya-pressa-svyazala-politicheskie-uspehi-putina-s-navykami-dzyudo/

[5] Кризис мировой экономики и закат американской гегемонии. https://inosmi.ru/world/20131225/216001733.html

[6] Системный кризис западной цивилизации. http://kob.su/base/doc/analiticheskie_zapiski/2007/20070726_o_tm_7(67)/pechat_sistemniy_krizis_zapadnoy_zivilizazii.htm