|
Chiều 24/8, VPF lại phải tổ chức một cuộc họp trực tuyến với 27 CLB gồm cả V.League lẫn hạng Nhất. Ảnh VPF. |
Nội dung chính của cuộc họp liên quan đến việc các CLB xem xét biểu quyết hủy tổ chức các Giải BĐCN QG 2021 và hạng Nhất theo định hướng chỉ đạo của BCH LĐBĐVN. Có lẽ nắm bắt được tính chất quan trọng của cuộc họp, nên có khá nhiều quan chức VFF lẫn VPF, ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực LĐBĐVN; ông Lê Văn Thành – Phó Chủ tịch LĐBĐVN; ông Trần Anh Tú – Ủy viên Thường trực BCH LĐBĐVN, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF; ông Lê Hoài Anh – Tổng Thư ký LĐBĐVN; ông Nguyễn Minh Ngọc – Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty VPF.
Tiếng bấc, tiếng chì
Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT Công ty VPF chia sẻ khó khăn của các CLB trong mùa dịch và rất mong các CLB sẽ cùng đoàn kết, chung tay để cùng nhau vượt qua khó khăn, hướng đến những mục tiêu lâu dài ở phía trước để bóng đá Việt Nam được không ngừng phát triển. Một đề dẫn hay và gọn gàng tưởng như sẽ giúp cuộc họp nhẹ nhàng, kết thúc nhanh chóng.
|
12 ý kiến của các CLB và màn đối thoại của quan chức VPF đã khiến cho cuộc họp trực tuyến kéo dài đến tận 3 giờ đồng hồ. Ảnh chụp màn hình. |
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đề xuất quyết định hủy mùa giải 2021 được thông qua. Thực ra, VPF và các CLB cũng khó có thể đưa ra phương án nào hay hơn, sát thực với tình hình và bối cảnh dịch đang phức tạp như hiện nay.
Nhưng “hệ quả” tiếp theo của hủy giải là các suất đại diện cho Việt Nam tham dự các giải đấu của Châu Á năm 2022, lên-xuống hạng hay công tác tài chính (trả/không trả lệ phí, bản quyền truyền hình) lại không thể quyết định tại đây. Ngay việc dùng các khá niệm “huỷ giải" hay "kết thúc giải, thậm chí "dừng mùa giải 2021 ở thời điểm hiện tại" VPF vẫn phải chờ ý kiến của VFF.
Do các điều lệ giải không quy định chi tiết các vấn đề phát sinh, nên khi Covid-19 bùng phát đã có khá nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều về việc nên duy trì hay kết thúc (thậm chí là hủy giải) giữa các CLB và Ban tổ chức. Nhất là khi công tác tổ chức, lấy ý kiến của VPF không được sự đồng thuận của các quan chức CLB, dẫn đến những tranh luận nảy lửa trên các mặt báo. Bầu Đức (HAGL), bầu Hoàn (Hải Phòng) còn chả còn nể nang, đăng đàn chỉ trích gay gắt vài cá nhân trong Ban tổ chức.
Năng lực điều hành của VPF
12 ý kiến của các CLB và màn đối thoại của quan chức VPF đã khiến cho cuộc họp trực tuyến kéo dài đến tận 3 giờ đồng hồ. Mặc dù cuộc họp được gói gọn nội dung xem xét biểu quyết về phương án thực hiện các giải đấu chuyên nghiệp đang bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhưng các đại diện CLB Hải Phòng, Nam Định, Phố Hiến, Quảng Nam, SLNA vẫn “tranh thủ” chuyển sang chủ đề năng lực điều hành của VPF.
|
Họp xong xuôi tất cả lại về và chờ… kết luận của VFF. Ảnh màn hình |
Trước các ý kiến trái chiều và có phần khó nghe đó, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF đã khá ôn hòa khi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu thậm chí hứa sẽ sửa đổi nếu VPF đang thực hiện sai. Kể cả ý kiến của CLB Phố Hiến đề nghị Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cần theo sát hoạt động VPF. Nhất là nói về bất cập khi có người vừa đứng vị trí trong VFF, vừa đứng VPF mà ông Trần Anh Tú thừa biết ám chỉ ai. Đại diện CLB Hải Phòng, thậm chí còn không tham gia biểu quyết.
Điều đáng nói là VPF được thành lập trên cơ sở các CLB là cổ đông, mục đích để các giải bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển nhưng hiện nay nó đang bị chính các CLB “vạch tội”. Những quyết định không dứt khoát, gây tranh cãi gần đây của VPF đang khiến cho các CLB mất hàng tỷ đồng chi phí tiền lương, tập luyện.
Ngay cả cái lịch V.League 2022 khai mạc vào tháng 2 năm sau cũng chỉ là dự kiến, nên mới có việc sau cuộc họp Nam Định và Hải Phòng “mặc cả” chi phí tập luyện, nếu giải đấu phải lùi lại. Thực ra, thay vì dự kiến lịch thi đấu mùa giải tới VPF chỉ cần thống nhất với CLB thời gian thông báo tối thiểu để chuẩn bị cho giải đấu, lịch cụ thể thì phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh.
Liệu có đại hội cổ đông bất thường?
Việc hàng loạt CLB như Hải Phòng, Thanh Hóa, SLNA thay đổi vị trí nhà tài trợ, người đứng đầu lại càng khiến cho VPF gặp khó khăn trong quan hệ. Đã có những ý kiến đề xuất tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu ra được đội ngũ ban lãnh đạo cho VPF, báo hiệu một chặng đường đầy khó khăn phía trước cho tổ chức này. Trước mắt VPF cần phải hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp, cần tổ chức các cuộc họp định kỳ để CLB đóng góp.
Nếu không mặc dù chỉ là một cuộc họp chuyên môn đơn thuần của Ban tổ chức giải nhưng nó đã “bung” ra như một đại hội cổ đông, thực chất là buổi họp online luận tội VPF. Năng lực thực tế của VPF đang bị đặt dấu hỏi và nếu không dàn xếp ổn thỏa thì rất có thể VPF sẽ phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường.