Apple có thể đánh bại Tesla về mảng xe tự lái? (ảnh: Detroit News)
Apple có thể đánh bại Tesla về mảng xe tự lái? (ảnh: Detroit News)

E-magazine Liệu Apple có thể chấm dứt huyền thoại của Tesla?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một khi các cỗ máy sản xuất ô tô của Apple được kích hoạt, Tesla và các công ty sản xuất ô tô truyền thống khó có thể kê cao gối ngủ ngon.

Năm 2020, xe năng lượng mới là những từ khóa nóng nhất. Cách đây vài ngày, Chủ tịch Toyota đã tuyên bố rằng các phương tiện năng lượng mới đã bị thổi phồng rất nhiều và chỉ ra rằng "chúng ta càng sản xuất nhiều phương tiện năng lượng mới thì lượng khí thải carbon dioxide càng nghiêm trọng"! Tuy nhiên, câu nói này có thể khiến nhiều người nhớ đến Nokia.

Đối với hướng phát triển của phương tiện năng lượng mới, Toyota có quan điểm của Toyota, và các nhà sản xuất xe năng lượng mới có quan điểm của riêng họ. Nếu chúng ta gạt mọi quan điểm gây tranh cãi trên thị trường sang một bên, sự thật không thể chối cãi là số hóa đã và đang là hướng đi không thể thay đổi của ô tô trong tương lai. Hướng phát triển của ô tô trong tương lai không phải là cuộc chiến giữa pin và xăng dầu mà là sự thông minh kỹ thuật số.

Liệu chế tạo ô tô

có phải là mục tiêu mới của Apple?

Theo nhiều nguồn tin, Apple đang xúc tiến dự án xe tự lái và dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Theo Economic Daily, chiếc xe điện đầu tiên của Apple - Apple Car sẽ được phát hành vào quý 3 năm sau và Apple đang chuẩn bị một dây chuyền sản xuất xe. Trước đó, Apple đã thay thế trưởng bộ phận lái xe không người lái và làm việc với TSMC để phát triển chip dành riêng cho lái xe không người lái.

Chủ đề Apple sản xuất ô tô một lần nữa lại dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi vào dịp cuối năm. Chứng kiến Tesla đạt giá trị thị trường tăng vọt hơn 600 tỷ USD, Apple, vốn không thua kém Tesla về nguồn lực công ty và kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ không người lái, đã đưa ra quyết định tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe. Nhìn ra thế giới, chỉ có duy nhất Apple mới là hãng duy nhất có khả năng kết thúc huyền thoại Tesla trong thời gian ngắn.

Ngay từ thời Steve Jobs, Apple đã có ý tưởng chế tạo một chiếc ô tô. Một năm trước khi Steve Jobs qua đời, Apple cũng đã đàm phán với "V-Vehicle" - một nhà sản xuất các mẫu xe nhẹ và giá rẻ. Vào năm 2013, tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC), người kế nhiệm Jobs là Tim Cook, đã chính thức ra mắt hệ thống điều khiển trên xe, gọi là "iOS in the Car" (sau này được đổi tên thành CarPlay) và thông báo rằng Apple chính thức bắt đầu tham gia vào lĩnh vực ô tô.

Năm 2014, có thông tin cho rằng Apple đã tung ra dự án "Project Titan" rất bí mật và lên kế hoạch chế tạo các sản phẩm xe hơi của riêng mình. Và việc “cướp” nhân sự từ các công ty xe hơi đình đám như Tesla, Volkswagen, General Motors cũng làm dấy lên sự bất mãn của Musk. Ông chủ Tesla từng công khai tuyên bố rằng những gì Apple đang làm thật tồi tệ.

Cho đến ngày nay, Elon Musk vẫn không quên trêu chọc ngành sản xuất ô tô của Apple: “Trong những ngày đen tối nhất của dự án Model 3, tôi đã liên hệ với Cook để thảo luận về khả năng Apple mua lại Tesla (với giá 10% giá trị thị trường hiện tại). Nhưng ông ấy đã từ chối cuộc họp về việc này”.

Nếu Apple muốn phát triển và lớn mạnh hơn nữa, hãng phải trải qua một quá trình chuyển đổi và săn đuổi công cuộc sáng tạo mới. Bởi vì trong lĩnh vực điện thoại di động và máy tính, hiệu suất và sự đổi mới của Apple về cơ bản đã thất bại. Đối với Apple, quy mô của hãng về gói sản phẩm như điện thoại di động và máy tính về cơ bản đã đạt đến giới hạn của giá trị thị trường (2 nghìn tỷ USD). Do đó, lựa chọn duy nhất của Apple chỉ có thể là lĩnh vực xe.

Lợi thế của chiếc xe của Apple

nằm ở đâu?

Mặc dù việc Apple nghiên cứu xe tự lái đã được giới công nghệ biết đến từ lâu, tuy nhiên dường như hãng gặp khó khăn trong việc ưu tiên sản xuất xe hoặc nghiên cứu và phát triển hệ thống lái tự động. Vào năm 2017, Tim Cook đã nói về kế hoạch xây dựng xe hơi của Apple trước công chúng lần đầu tiên: “Chúng tôi tập trung vào hệ thống lái xe tự động, vốn là công nghệ cốt lõi của xe điện. Là mẹ đẻ của Trí tuệ Nhân tạo, và cũng là dự án trí tuệ nhân tạo khó nhất”.

Ngày nay, tại Hoa Kỳ, Apple đã vận hành đội tàu thử nghiệm lớn thứ ba, chỉ đứng sau dự án Cruise của GM và dự án Waymo của Google. Lái xe tự hành có thể được gọi là bốn hiện đại hóa mới (điện, kết nối, thông minh và chia sẻ) của toàn bộ ngành ô tô, và thậm chí là viên ngọc chói lọi nhất trên đỉnh cao của công nghệ ô tô trong một thời gian dài sắp tới. Trong tương lai, bất kỳ ai có thể đi đầu trong việc thương mại hóa công nghệ không người lái cấp độ 4 có thể đứng trên đỉnh cao của ngành công nghiệp ô tô và mở ra một khoảng cách vừa đủ với các đối thủ khác.

Hiện tại, lạc quan nhất đối với tất cả các bên và gần nhất với việc sản xuất hàng loạt là Waymo của Google. Google và Chrysler, Volvo và Daimler Trucks đang tích cực hợp tác để thương mại hóa, nhưng hiện tại, khả năng đó dường như là không thể trong thời gian ngắn. Các đại gia xe hơi truyền thống đều muốn triển khai những công nghệ này trên sản phẩm mới, hiện tại tất cả vẫn đang chờ đợi và theo dõi, họ vẫn đang chần chừ đầu tư quy mô lớn.

Đối với Tesla, vì giá thành của công nghệ Lidar quá cao, hãng đã chọn một con chip tự phát triển, chỉ dựa vào camera, sóng milimet và radar siêu âm để nhận thức về môi trường xung quanh. Hiện tại, Tesla vẫn chưa có cách nào để đạt được khả năng xe tự lái cấp độ 4.

Về phía Apple, hãng mặt vẫn chưa từ bỏ Lidar, đồng thời Apple có dư tài nguyên trong lĩnh vực chip. Apple có thể sử dụng lô hàng điện thoại di động khổng lồ để làm giảm chi phí nghiên cứu và phát triển chip xe hơi chất lượng cao.

Sau khi ô tô bước vào kỷ nguyên thông minh, một số chip chính quan trọng, bao gồm buồng lái ô tô, lái xe thông minh và chip V2X trùng lặp nhiều với chip SoC của điện thoại di động. Các chip trong lĩnh vực điện thoại di động có thể được sử dụng trong lĩnh vực xe. Điều này cũng đã tạo điều kiện cho Qualcomm, MediaTek, Samsung và những gã khổng lồ chip điện thoại di động khác tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô.

Các chip trong lĩnh vực ô tô giống như chip điện thoại di động, có ba mô-đun điện toán quan trọng: CPU, GPU và NPU. Trong đó, CPU chịu trách nhiệm tính toán và điều phối tổng thể, trong khi GPU chịu trách nhiệm về phần liên quan đến hình ảnh, và NPU chịu trách nhiệm về phần liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Hiện tại, khả năng tính toán CPU và GPU của chip M1 của Apple đã vượt qua chip FSD do Tesla tự phát triển. Và nếu Apple mở rộng khuôn mẫu của chip M1 lên kích thước tương đương với Tesla, và sử dụng thêm phần này cho NPU, thì chip Tesla FSD sẽ bị Apple "vùi dập" về mọi mặt.

Ngoài ra, phải kể đến một điểm nữa. So với Tesla, Apple có một hệ sinh thái Internet rất lớn, và ô tô sẽ trở thành phương tiện di chuyển tốt nhất để kết nối tất cả các ứng dụng sinh thái của Apple. Đối với Tesla, bất kể hãng này tuyên bố mình là người dẫn đầu về phần cứng hoặc phần mềm của xe như thế nào, trừ khi chọn hợp tác với Android, Tesla gần như không thể thiết lập hệ sinh thái mạng xe hơi độc quyền của riêng mình trong thời gian ngắn.

Apple sản xuất ô tô và có một lợi thế quan trọng nhất khác là tiền. Apple là một trong số ít công ty có giá trị vốn hóa thị trường hơn 2.000 tỉ USD, và so với Tesla, dòng tiền của Apple đủ để đè bẹp Tesla. Musk cần phải làm mọi thứ một cách triệt để hơn và hạ cánh nhanh hơn để có thêm sự hỗ trợ về nguồn lực và thúc đẩy toàn bộ dự án về phía trước. CEO của Volkswagen cũng cho biết, so với các hãng xe hơi truyền thống như Toyota, sự gia nhập của hãng công nghệ khổng lồ có nguồn lực tốt như Apple sẽ khiến các hãng truyền thống chịu áp lực lớn hơn. Nếu Apple quyết tâm thì dù có xây dựng nhà máy riêng thì áp lực đối với Apple cũng không lớn bằng Tesla.

Câu hỏi lớn nhất, Apple có thực sự

muốn chế tạo một chiếc ô tô?

Có vẻ như Apple có lợi thế duy nhất trong việc sản xuất ô tô, và họ gần như là hãng cuối cùng tham gia cuộc chiến xe tự lái. Nhưng câu hỏi lớn nhất là, liệu Apple có thực sự muốn chế tạo ô tô của riêng mình.

Hai ngân hàng đầu tư từ Phố Wall đã bày tỏ sự nghi ngờ. Nhà phân tích Jim của Citibank cho biết: “Apple tiến hành nghiên cứu và phát triển trong nhiều lĩnh vực, nhưng chúng tôi rất nghi ngờ liệu Apple có sản xuất ô tô hay không vì tỷ suất lợi nhuận trong ngành ô tô khá thấp.” Nhà phân tích Amit Daryanani của Evercore cũng nói rằng kinh doanh ô tô lãi suất thấp và rất dễ thâm dụng vốn.

Nhà đầu tư Trip Miller của Apple, đối tác quản lý của Gullane Capital Partners, cũng nói với giới truyền thông rằng Apple có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt ô tô. Tuy nhiên, với phong cách kín miệng Apple, khả năng tuyên bố này là một chiêu trò.

Trước đây, trong các sản phẩm mang tính cách mạng của Apple như iPhone và Mac, Apple đóng vai trò là một nhà tích hợp giải pháp hơn là một nhà phát triển công nghệ. Kỹ thuật trong ngành công nghiệp ô tô rõ ràng là cao hơn nhiều so với điện thoại di động và sự phức tạp của chuỗi cung ứng thậm chí còn khó hiểu hơn.

Kinh nghiệm trong lĩnh vực điện thoại di động không thể ứng dụng hoàn toàn vào ô tô. Việc kết hợp hàng chục nghìn bộ phận và linh kiện để tạo ra một chiếc ô tô đạt tiêu chuẩn sẽ là một thách thức đối với Apple, người chưa từng có kinh nghiệm chế tạo ô tô. Tesla đã từng mượn hệ thống cung cấp phụ tùng của Mercedes-Benz, cùng với nền tảng chuỗi công nghiệp của GM và Ford, đồng thời học hỏi từ Toyota hệ thống kiểm soát chất lượng để phục vụ cho quá trình tạo ra Model S. Đây là cái giá mà người đi đầu tiên phải trả. Nhưng với những người đến sau, lợi thế của họ là tránh được rất nhiều đường vòng không cần thiết.

Nhà quan sát kỳ cựu trong ngành ô tô Bahude nói với giới truyền thông rằng các công nghệ AI, tự động, 5G và Internet có thể mang lại những thay đổi đột phá cho ngành ô tô. So với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu truyền thống, độ khó kỹ thuật của phương tiện sử dụng năng lượng mới được giảm thiểu đáng kể. Đồng thời, điều mà người tiêu dùng đánh giá cao khi lựa chọn xe năng lượng mới không còn chủ yếu là hiệu suất của xe mà là trải nghiệm về công nghệ và trí thông minh. Về mặt này, những gã khổng lồ công nghệ có năng lực đi trước các công ty xe hơi truyền thống.

Khi Steve Jobs phát hành chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, ông đã dẫn lời Alan Kay, người tiên phong về giao diện đồ họa máy tính: “Những người thực sự coi trọng phần mềm nên tự làm phần cứng cho riêng mình.” Trong kế hoạch sản xuất ô tô của mình, liệu Apple có kết thúc huyền thoại của Tesla?

Dù thế nào thì những sự đột phá mà các hãng sản xuất xe mang lại đều có lợi với người tiêu dùng.

Theo Zhuanlan.Zhihu