Liên minh G7 Taxi có gì để đấu lại với các hãng taxi công nghệ?

VietTimes -- Sau hơn 1 tháng thử nghiệm, thương hiệu G7 Taxi đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12/11 dưới sự hợp nhất của 3 đơn vị taxi lớn tại Hà Nội gồm taxi Thành Công, Ba sao và Sao Hà Nội.
Với số lượng xe lớn, khách hàng sẽ không phải chờ đợi lâu khi đặt xe G7 Taxi. (Ảnh: Ngô Minh)

Sự ra đời của thương hiệu G7 Taxi với sự hợp nhất của 3 đơn vị taxi truyền thông không phải là điều gì quá mới mẻ khi trước đây những vụ sát nhập kiểu này cũng đã từng diễn ra với Taxi Group.

Tuy nhiên, thời điểm diễn ra sự hợp nhất của 3 đơn vị taxi truyền thống thành G7 Taxi có phần khắc nghiệt hơn khi các đơn vị taxi truyền thống đang bị cạnh tranh rất khốc liệt bởi các hãng taxi công nghệ, điển hình là Uber và giờ là Grab.

Trước những thách thức lớn do sự tăng lên nhanh chóng về số lượng của taxi công nghệ, các đơn vị taxi truyền thống không chỉ phải thay đổi bằng cách đầu tư công nghệ, dịch vụ để giữ chân khách hàng mà còn phải tìm ra mô hình hoạt động mới để cạnh tranh trong hoàn cảnh số lượng taxi công nghệ đang lưu hành khoảng 170.000 xe, gấp hơn 10 lần số lượng taxi của mỗi hãng taxi truyền thống đơn lẻ.

G7 Taxi ra đời có lợi thế gì?

Đầu tiên, G7 Taxi không sở hữu một phương tiện nào mà là một đơn vị chỉ phát triển thương hiệu. Giống như Grab, G7 Taxi sẽ sử dụng sức mạnh tài chính để phát triển thị trường, hợp tác với các đơn vị taxi truyền thống có thương hiệu mạnh, người lái đào tạo bài bản, phương tiện tốt và giá cước ổn định để cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng.

Theo đại diện của G7 Taxi chia sẻ, hành khách có thể sử dụng nền tảng đa dạng để gọi xe, từ ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc đặt từ website của hãng. Nếu khách hàng không có smartphone, vẫy xe trên đường cũng có thể yêu cầu lái xe ước tính trước giá cước chuyến đi thông qua phần mềm của lái xe.

Mức giá niêm yết chỉ từ 9.900 đồng cho 3 km đầu tiên, từ km thứ 4 - 20 là 11.000 đồng và từ km thứ 21 trở đi sẽ chỉ còn 9.000 đồng. Nếu dùng ứng dụng, khách hàng còn có thể biết được luôn giá của lộ trình đã đặt. Đây là giá cước được G7 Taxi xác nhận là cạnh tranh nhất trên thị trường và không áp dụng tăng giá giờ cao điểm.

Chưa hết, những chuyến đi ngắn, khách hàng cũng không phải lo bị tài xế từ chối như trước kia, nếu xảy ra trường hợp bị từ chối khách hàng có thể phản ánh đến G7 Taxi qua đường dây nóng hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các trường hợp tài xế từ chối sẽ được phía G7 Taxi xử lý nghiêm để giữ hình ảnh với khách hàng.

Cơ sở nào để G7 Taxi có thể áp dụng giá cước thấp?

Với sự hợp nhất 3 đơn vị taxi truyền thống, G7 Taxi sẽ có tổng lượng phương tiện khoảng 3.000 xe, hoạt động ở khắp 12 quận nội thành nên độ phủ của G7 Taxi sẽ nhiều hơn, thuận tiện cho khách đặt xe.

Ngoài ra, hạ tầng của ứng dụng được phát triển trên nền tảng của Microsoft, sử dụng dữ liệu BigData, bản đồ vừa của Google và tự phát triển cùng hệ thống kết nối đa kênh. Thế nên, việc kết nối giữa khách hàng và hãng trở nên nhanh hơn. Đại diện của G7 Taxi còn tự tin khẳng định khách hàng chỉ cần mất khoảng 2 phút là có xe đến đón.

Chính điều này giúp cho lượng xe chạy rỗng được giảm bớt, theo thông kê của G7 Taxi trong 1 tháng thử nghiệm, lượng xe chạy có khách luôn đạt ở mức trên 90%, nhờ vậy các chi phí phát sinh đã được giảm từ đó góp phần làm cho chi phí dịch vụ cũng giảm theo.

G7 Taxi sẽ phát triển thế nào trong tương lai?

Trong năm 2018, G7 Taxi sẽ triển khai giai đoạn 1 khi ký kết hợp đồng hợp tác với 3 đơn vị taxi lớn trong Top đầu tại Hà Nội là taxi Thành Công, taxi Ba Sao, taxi Sao Hà Nội từ ngày 14/8. Giai đoạn 2 sẽ được tiếp tục thực hiện từ 2019 khi mở rộng phạm vi hoạt động ở thành phố HCM và Đà Nẵng, sẽ có trên 600 xe mới được bổ sung thay thế và kết nạp thêm các đơn vị taxi truyền thống khác.

Cùng với đó là có sự đồng hành của các đối tác trong các lĩnh vực như công nghệ, thanh toán điện tử, ngân hàng, viễn thông, quảng cáo và các đại lý bán ô tô.