Lịch sử và ý nghĩa của tên Giáo hoàng Leo

Robert Prevost, vị Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên, lấy tên Leo XIV, gợi lại di sản của Leo XIII và kêu gọi hòa bình trong thời đại AI đầy biến động.
Ông Robert Prevost đã chọn Leo làm tên Giáo hoàng của mình, là vị Giáo hoàng thứ mười bốn lựa chọn cái tên này. Ảnh: Reuters.

Leo giờ đã trở thành cái tên phổ biến thứ tư trong lịch sử các Giáo hoàng, ngang hàng với tên Clement. Chỉ có ba cái tên được chọn nhiều hơn là John, Gregory và Benedict.

Tuy nhiên, Giáo hội đã hơn một thế kỷ qua chưa có một Giáo hoàng mang tên Leo.

Giáo hoàng Leo gần đây nhất là Leo XIII, sinh năm 1810 tại Rome dưới sự chiếm đóng của Pháp. Ngài đảm nhiệm chức vị Giáo hoàng từ năm 1878 đến khi qua đời năm 1903 – với 25 năm trị vì, đây là triều đại dài thứ tư trong lịch sử Giáo hội Công giáo.

Leo XIII được ghi nhớ là một vị Giáo hoàng của học thuyết xã hội Công giáo. Năm 1891, ngài viết một thông điệp nổi tiếng gửi đến toàn thể tín hữu Công giáo mang tên Rerum Novarum (tạm dịch: “Về những biến chuyển cách mạng”). Thông điệp này phản ánh những tổn thất mà cuộc Cách mạng Công nghiệp gây ra cho cuộc sống của người lao động.

Trong một cuộc họp báo hôm 8/5 sau Mật nghị Hồng y, người phát ngôn Tòa Thánh Matteo Bruni cho biết việc tân Giáo hoàng chọn tên "Leo" là sự ám chỉ rõ ràng đến học thuyết xã hội hiện đại của Giáo hội, khởi nguồn từ Rerum Novarum.

Ông Bruni nhấn mạnh rằng tên gọi này mang ý nghĩa sâu sắc về “con người, nam giới, nữ giới, công việc, và người lao động trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, như một sự liên tưởng đến tốc độ thay đổi công nghệ của thế kỷ XXI với thời đại Cách mạng Công nghiệp.

Vị Giáo hoàng Leo đầu tiên, tại vị vào thế kỷ thứ 5, được biết đến với danh xưng “Leo Cả” – người đã thuyết phục vua Attila dừng bước tiến công, giúp cứu Đế chế La Mã khỏi bị tàn phá. Cuộc gặp gỡ này đã được họa sĩ Phục hưng Raphael khắc họa trong một bức tranh vẽ năm 1514, hiện được trưng bày tại Dinh Tông Tòa Vatican – nơi 133 Hồng y cử tri, bao gồm cả Hồng y Robert Prevost (nay là Giáo hoàng Leo XIV), đã đi qua khi tiến vào Nhà nguyện Sistine hôm thứ Tư để bắt đầu Mật nghị.

Trong bức họa, Giáo hoàng Leo không mang vũ khí, đứng trước quân đội của Attila với sự bảo trợ từ Thánh Peter và Thánh Paul – biểu tượng cho lòng dũng cảm và quyền lực tâm linh. Cuộc gặp này được người Công giáo ca ngợi là biểu tượng cho việc đạt được hòa bình mà không cần đến bạo lực.

Đức Giáo hoàng mới đắc cử vẫy tay chào từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter hôm 8/5. Ảnh: Reuters.

Giáo hoàng Leo XIV đã sử dụng những lời đầu tiên trong cương vị Giáo hoàng để kêu gọi hòa bình. “Bình an cho anh chị em, đó là lời chào đầu tiên của Đức Kitô phục sinh”, ngài tuyên bố từ Vương cung thánh đường Thánh Peter.

Tên gọi “Leo” xuất phát từ tiếng Latin, nghĩa là “sư tử”, tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm.

Trong bài diễn văn đầu tiên của mình, Giáo hoàng Leo XIV khẳng định rằng Giáo hội vẫn vang vọng “tiếng nói yếu ớt nhưng luôn can đảm” của người tiền nhiệm – Giáo hoàng Francis.