Liên quan tới sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy tại Lào, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, hiện các cơ quan đầu mối và cơ quan hợp tác quốc tế của Việt Nam tiếp tục cập nhật, tham mưu, xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố này.
Tổng cục Phòng chống thiên tai sẵn sàng phương án hỗ trợ các bạn Lào để xử lý sự cố vỡ đập. Trong đó, đã cử 10 cán bộ tham gia lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu của AHA (Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai);
Đánh giá về thiên tai năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thiên tai hiện nay đang rất cực đoan, thường sau các đợt nắng nóng là mưa lớn. Bộ trưởng Cường cho biết mưa lớn trên toàn vùng thời gian qua đã khiến 110 người chết, tổng thiệt hại kinh tế gần 3.600 tỉ đồng.
"Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một loạt đê cấp 1, 2, 3 tổn thương ghê gớm như vậy, ẩn họa khôn lường" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy lợi cử ngay các đoàn công tác tiếp tục rà soát các hồ có nguy cơ cao bị sự cố. "Hồ nào không có khả năng an toàn khi tích nước thì kiên quyết không cho tích, chứ nếu không bị sự cố giống thủy điện của Lào là rất nguy hiểm".
Đối với các hồ thủy điện, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Bộ Công Thương tổng kiểm tra lại ngay 285 hồ chứa, trong đó phải đặc biệt lưu ý các hồ thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các địa phương cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai - các cơ quan chức năng đã tính toán và đưa ra nhận định ban đầu là sự cố vỡ đập ở Lào ít có tác động đến ĐBSCL. Tuy nhiên, đây là bài học đối với Việt Nam.
"Chúng ta cần rà soát, đánh giá tổng thể các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trước mùa mưa lũ. Ngoài ra, cần tính toán quan trắc để có thông tin chính xác về lượng mưa, lượng nước… để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thủy điện để có giải pháp ứng phó kịp thời" - ông Hải đề nghị.
Trước đo, trong đợt mưa lớn dài ngày bởi ảnh hưởng của bão Sơn Tinh, lũ lụt trở nên nghiêm trọng ở nhiều khu vực của Lào. Sự cố vỡ xảy ra tại một đập phụ tại hồ Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy đang trong giai đoạn tích nước xảy ra vào khoảng 20h ngày 23/7/2018.
Về sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, đại tá Lê Hồng Quang - đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - cho biết, chiều 24/7, Thủ tướng đã họp về vỡ đập thủy điện này, đồng thời sắp xếp huy động lực lượng để hỗ trợ các bạn Lào trong vấn đề cứu nạn, cứu hộ.
"Ngay sáng 25-7, chúng tôi đã phối hợp với quân khu 5 để sang Lào tổ chức cứu hộ cứu nạn, đưa cả trang thiết bị sang hỗ trợ, sau đó sẽ bàn giao các thiết bị máy móc cứu nạn này cho Lào tiếp nhận"- đại tá Quang cho biết.
Đập Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy (Lào) nằm trên 2 tỉnh Champasack và Attapeu, thuộc lưu vực sông Sekong. Đập có hai đập chính, gồm đập Xe-Pian cao 48m, dài 1307m, lưu vực 217km2, dung tích hồ chứa 28.27 triệu m3, và đập Xe-Namnoy cao 73,7m, dài 1600m, lưu vực 522 km2, dung tích hồ chứa 1043 triệu m3.
Dự án khởi công từ tháng 2/2013, dự kiến phát điện thương mại vào năm 2019.
Chủ đầu tư dự án này Công ty Năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy - một liên doanh giữa của Công ty Xây dựng SK (Hàn Quốc), Công ty Điện phương tây Hàn Quốc, Công ty Sản xuất điện Thái Lan Ratchaburi và Công ty Cổ phần nhà nước Lào.
Sự cố vỡ đập Thủy điện Xe-pian Xe-Namnoy đã gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực hạ lưu, khiến nhiều người chết và mất tích, hàng nghìn người không có nhà để ở. Ngày 24/7/2018, Chính phủ Lào đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại huyện Samathay, tỉnh Attapeu.
Theo báo cáo số 1 của trung tâm hỗ trợ nhân đạo Asean (AHA) mưa lũ đã khiến 41 huyện, 349 ngôi làng, 3452 gia đình bị ảnh hưởng, hơn 200 ngôi nhà bị phá hủy và phá hủy hoàn toàn, nhiều hạ tầng giao thông bị hỏng.
Tại tỉnh Attapeu, hệ thống nước sạch đã bị cắt; cách duy nhất để di chuyển đến vùng bị ảnh hưởng là bằng thuyền. Chính phủ Lào đã tích cực huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả và hàng nghìn người cũng đã được sơ tán đến nơi an toàn.
|