|
Ảnh minh hoạ. |
Với sự chú trọng, quan tâm phát triển trồng cây dược liệu, các sản phẩm dược liệu của Lào Cai đến với người tiêu dùng không chỉ qua các kênh bán hàng trực tiếp mà còn thông qua các sàn giao dịch điện tử nhằm mở rộng quảng bá sản phẩm, tăng thu nhập.
Hiện Lào Cai có 25 sản phẩm dược liệu đã được chứng nhận OCOP. Trong đó, 7 sản phẩm được xếp hạng 4 sao là Cao mềm Actiso, Trà phun sương Actiso Sa Pa, Cao phun sương Actiso Sa Pa, Trà dây leo Sa Pa, Đông trùng hạ thảo Sa Pa, Tinh dầu sả Bảo Yên, Tinh dầu quế Bảo Yên và 18 sản phẩm xếp hạng 3 sao là Trà túi lọc trà dây leo Sa Pa, Trà Giảo cổ lam Sa Pa, Viên nang đông trùng hạ thảo Sa Pa, Tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất Mạnh Hương, Quế sáo Cầu Mây, Tinh dầu Đại từ bi, Tinh dầu tía tô…
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa cho biết các sản phẩm OCOP khi đạt sao chính là sự khẳng định thương hiệu, là tiền đề để đưa sản phẩm phát triển, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng; là điều kiện cần và đủ để vươn xa trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế.
Để phát triển cây dược liệu trở thành cây trồng chủ lực, ông Hoàng Quốc Khánh – Phó Chủ tịch UBND Lào Cai cho biết: Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỉ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000 ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỉ đồng.
Lào Cai đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu và xây dựng thương hiệu 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Đại diện lãnh đạo Lào Cai cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc hỗ trợ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ dân đa dạng hóa các kênh phân phối bán hàng, tối đa chi phí, tăng doanh thu, lợi nhuận. Đây là một hướng đi mới của Lào Cai nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, mở rộng liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm đặc trưng của Lào Cai./.