Quan điểm này được ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI) – cho biết trong bài phát biểu với chủ đề “Chuyển đổi số để hình thành năng lực kiến tạo trường học số" tại buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, hôm 3/1.
Cụ thể, Viện trưởng DTSI cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản nhiều phương diện của cuộc sống, từ mô hình kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, học tập và giải trí, cách tổ chức và quản trị tri thức của loài người.
"Người ta nói đến chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Những thay đổi căn bản ấy đòi hỏi người lao động phải có năng lực số. Trường học số chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực thiết yếu ấy", ông Giang nói.
|
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số trình bày chiến lược “Chuyển đổi số để hình thành năng lực kiến tạo trường học số” |
Xu thế chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Nguyễn Trường Giang cho hay, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đạt đến một quy mô đáng kể với mức độ tác động mà không doanh nghiệp, tổ chức, ngành hoặc chính phủ nào có thể bỏ qua.
Theo đó, công nghệ hiện diện trong từng lát cắt nhỏ nhất của cuộc sống, xóa nhòa ranh giới giữa các bộ môn, xuất hiện những hình thái tổ chức công việc mới trong không gian lai (hybrid space), trong đó, người và máy cùng phối hợp với nhau.
Trong đó, trường học cũng không thể nằm ngoài xu hướng này để chuyển đổi chính mình. Đồng thời, trường học cũng phải đào tạo ra những con người có năng lực đáp ứng được với thực tế mới này.
Theo Viện trưởng DTSI, chuyển đổi trường học truyền thống trở thành Trường học số là chuyển đổi bản chất của một trường học từ truyền đạt tri thức sang chuyển hóa tri thức. Cụ thể là chuyển đổi từ việc tiếp thu tri thức một cách thụ động sang vận dụng và kiến tạo tri thức thích ứng hiệu quả với một môi trường đòi hỏi sự tương tác liên tục và đồng thời.
“Mỗi con người đều là một nguồn tài nguyên. Giáo dục, đào tạo phải giúp người ta khai thác được nguồn tài nguyên ấy.
Tài nguyên phải biến thành giá trị. Tất cả phải bắt đầu từ con người, nhất là từ những người thầy, người cô. Trường đại học sư phạm chính là điểm khởi đầu quan trọng để khởi động tiến trình ấy", ông Giang nhấn mạnh.
|
PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cùng Ban lãnh đạo Nhà trường tại buổi làm việc |
Làm thế nào để có trường học số?
"Một trong những hành động quan trọng đó là định hình và chuyển đổi cách làm việc gắn liền với công nghệ số và ra quyết định dựa trên dữ liệu", ông Giang nói.
Cụ thể, trọng tâm của trường học số là tạo ra những sự sáng tạo đột phá thông qua tiến trình module hóa các chương trình giáo dục, cho phép tạo ra những sự kết hợp và phối hợp có tính thích ứng cao và hiệu quả.
Điều này giúp cho mỗi cá nhân, vừa đạt được các lợi ích cá nhân hài hòa với lợi ích tổng thể nhờ sự đồng tâm trong một ngôi trường và hướng tới sự cộng tác thông qua quá trình chia sẻ để thúc đẩy sự phát triển của tri thức. Đồng thời, nó cũng tạo ra sự an toàn trong việc đạt được các lợi ích mà tiến trình giáo dục trong cách nhà trường đem đến cho cả học sinh, giáo viên và các bên liên quan.
|
Về cách thức vận hành, trong chiến lược “Chuyển đổi số để hình thành năng lực kiến tạo trường học số”, ông Giang gợi mở: vận hành trường học theo phương thức nền tảng (Platform) - một hình thái tổ chức mới phù hợp với nền tảng vận hành mới; cho phép hình thành năng lực cạnh tranh mới với lợi thế cạnh tranh hành động; áp dụng công nghệ để vượt qua các rào cản về không gian, thời gian, văn hóa; kiến tạo nên một môi trường làm việc mới – Metaverse (không gian số); làm việc gắn liền với công nghệ số và ra quyết định dựa trên Dữ liệu, cho phép cung cấp ngày một nhiều hơn các tuỳ chọn (options) cho phép làm việc mọi lúc mọi nơi với các loại thiết bị khác nhau cùng mức độ di động cao.
Nhận thức được tầm quan trọng của tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, trường Đại học sư phạm – Đại Học Đà Nẵng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với DTSI để tìm ra những định hướng và cách thức chuyển đổi số phù hợp, nhằm tối ưu hiệu quả của việc dạy và học trong kỷ nguyên số.
PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng - chia sẻ, nhà trường đã đưa ra chủ đề cho năm 2023 là năm chuyển đổi số với kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong các hoạt động của Nhà trường.
Để thực hiện chuyển đổi số tại trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng nói riêng và chuyển đổi trong giáo dục và đào tạo nói chung, cần xây dựng một khung khổ chung cho trường học số tại Việt Nam dựa trên 6 chiều kích sau: Chuyển hóa hiệu quả Công nghệ số - Dữ liệu số; năng lực thích ứng hiệu quả; chuyển đổi sang một Nền tảng (Platform); Chuyển đổi sang một Nền tảng (Platform); Định hình nền tảng cho tương lai; Dữ liệu; Chuyển đổi số trường học.
Chuyển đổi trường học truyền thống trở thành trường học số là một tiến trình chuyển đổi đầy thách thức, khó khăn nhưng cần thiết để triển khai một cách đồng bộ, kiến tạo nên những đột phá, hiệu quả cho việc đào tạo, học tập và những giá trị to lớn cho xã hội.
|
PGS.TS. Lưu Trang - Hiệu trưởng nhà trường và ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số đại diện cho Trường Đại học sư phạm – ĐH Đà Nẵng & Viện chiến lược chuyển đổi số ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) |
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện Viện chiến lược chuyển đổi số và Trường Đại học sư phạm – ĐH Đà Nẵng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU).
Theo đó, 2 bên sẽ phối hợp Xây dựng Tổng đồ Chuyển đổi số cho Đại học Sư phạm Đà Nẵng nhằm định hình Phương thức Chuyển đổi số cho ĐHSPĐN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác lập các phương án nguồn lực cần thiết để Chuyển đổi số cho toàn bộ tiến trình, cũng như xây dựng các phương thức phối hợp giữa các bên liên quan và trong nội bộ ĐHSPĐN để thực hiện hiệu quả và thành công tiến trình Chuyển đổi số.
Ngoài ra, 2 bên cũng thống nhất cùng nhau phối hợp với các bên liên quan để xây dựng Trung tâm kiến tạo các giải pháp đổi mới sáng tạo trong giáo dục số, đồng thời phối hợp cùng thực hiện các dự án, các hoạt động nghiên cứu Khoa học, Công nghệ, Giáo dục trong lĩnh vực giáo dục số.