Kinh doanh gặp khó vì COVID-19, giám đốc không lương tiếp tục ở nhà thuê

VietTimes – Vừa khai trương thì rơi đúng mùa dịch, kinh doanh gặp khó vì COVID-19 hoành hành. Đầu tư nhà hàng xong, giám đốc đi làm không lương, tiếp tục ở nhà thuê, chịu lỗ mỗi tháng cả trăm triệu. 
Miss Korea (229 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) mở cửa trở lại nhưng vắng khách (Ảnh: Hòa Bình)
Miss Korea (229 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) mở cửa trở lại nhưng vắng khách (Ảnh: Hòa Bình)

Nhà hàng quán sá điêu tàn vì COVID-19

Trên các đường phố hiện tại, dù đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng vẫn rất nhiều nhà hàng trên các con phố Nguyễn Trãi (quận 1), Trần Hưng Đạo (quận 1) đều đang còn đóng cửa, vì chưa thể khởi động trở lại. Nhiều biển hiệu “Cho thuê” tiếp tục được treo lên vì người thuê cũ đã bỏ dở việc kinh doanh, không chịu nổi áp lực tài chính với các khoản nợ, khoản vay đến hạn.

Một số nhà hàng, quán cà phê bắt đầu lác đác mở cửa trở lại nhưng khách ghé ăn vô cùng ít ỏi, ai cũng tỏ ra thận trọng, có việc bắt buộc, cực chẳng đã mới hẹn nhau hoặc mời nhau đến nhà hàng.

Một nhà hàng Nhật rộng tới 500 mét vuông trên phố Nguyễn Huệ, con phố trung tâm, sang chảnh bậc nhất Sài thành, cả bữa trưa chỉ có khoảng 3 bàn có khách. Chủ nhà hàng từ chối bình luận về những khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đang phải gánh chịu vì COVID-19.

Nhà hàng Nhật trên phố Nguyễn Huệ vừa mở lại, vắng tanh chỉ có vài người khách (Ảnh: Hòa Bình)
Nhà hàng Nhật trên phố Nguyễn Huệ vừa mở lại, vắng tanh chỉ có vài người khách (Ảnh: Hòa Bình)
Nhà hàng bia trên phố Nguyễn Trãi quận 1 đang phải đóng cửa chưa thể mở lại
Nhà hàng bia trên phố Nguyễn Trãi quận 1 đang phải đóng cửa chưa thể mở lại
Xỉn quán trên đường Trần Hưng Đạo hiện tại vẫn chưa thể mở cửa trở lại (Ảnh: H.B)
Xỉn quán trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) hiện tại vẫn chưa thể mở cửa trở lại (Ảnh: H.B)

“Trong khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 như vừa rồi, đa số khách hàng đều không có thu nhập, nhiều người mất việc, chưa tìm được việc mới, nên nói đến chuyện đi ăn ngoài, chắc chắn là rất ngại” – chị Hồng Thị Gấm, chủ nhà hàng Miss Korea bán thức ăn Hàn Quốc (229 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) cho biết.

“Không riêng gì Miss Korea, bạn bè kinh doanh cùng ngành, kể cả quán Hàn lẫn quán Việt đều gặp tình trạng tương tự. Chưa biết là 4 hay 5 tháng tới có thể đi qua được cơn khủng hoảng này và quay trở lại bình thường hay chưa?” – Hồng Thị Gấm lo lắng chia sẻ.

Đầu tư nhà hàng là cả một tài sản

“Giá thuê mặt bằng nhà hàng Miss Korea hàng tháng là 80 triệu. Tháng 2 và tháng 3/2020 vì gặp dịch COVID-19 nên chủ nhà có giảm cho tôi 20 triệu/tháng, tức là còn lại 60 triệu tiền thuê mặt bằng. Kể cả đóng cửa thì tiền thuê vẫn phải trả thôi. Hợp đồng mặt bằng có giá trị 5 năm” – Gấm bộc bạch.

“Giờ mỗi tháng, tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, thuế, điện nước, tiền nhập hàng vào… cũng hết vài ba trăm triệu. Mà khách thì lưa thưa, mỗi ngày chỉ có vài bàn có khách. Doanh thu sụt giảm tới 50%. Nghĩa là mỗi tháng chịu lỗ cả trăm triệu. Chưa biết tôi chịu nổi mấy tháng” – Bà chủ Miss Korea ngậm ngùi chia sẻ.

Miss Korea (229 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) vừa mở cửa trở lại nhưng vắng khách (Ảnh: HB)
Miss Korea (229 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1) vừa mở cửa trở lại nhưng vắng khách (Ảnh: HB)
Tình cảnh đối lập hẳn với Miss Korea dịp Tết rất nhộn nhịp đông khách (Ảnh: Miss Korea cung cấp)
Tình cảnh đối lập hẳn với Miss Korea dịp Tết rất nhộn nhịp đông khách (Ảnh: Miss Korea cung cấp)

Với một nhà hàng không quá sang trọng nhưng được đặt ngay giữa trung tâm quận 1, thì món đầu tư cũng là cả một tài sản.

“Lúc thuê mặt bằng Miss Korea, điều khoản đặt cọc là hơn 400 triệu. Đầu tư sửa chữa, thiết kế, decor, sắm bàn ghế, mua thiết bị từ Hàn Quốc về, thuê đầu bếp người Hàn Quốc sang ăn ở TP.HCM huấn luyện nhân viên, trả lương đầu bếp Hàn Quốc những tháng đầu, tiền chi phí marketing cho nhà hàng… tổng đầu tư hết khoảng 1,7 tỷ đồng (tính luôn cả tiền đặt cọc)” – Hồng Thị Gấm cho biết.

“Nhà hàng mới khai trương từ tháng 10/2019. Ba tháng đầu, với ngành thức ăn đồ uống, ai cũng biết là sẽ phải chịu lỗ, vì tổng đầu tư bỏ ra khá lớn mà khách chưa quen địa điểm mới. Chính vì vậy, nên kể cả Tết nguyên đán chúng tôi không dám nghỉ, bán hàng xuyên Tết luôn để mong khách nhớ mình. Nhưng vừa qua Tết thì rơi trúng vào mùa dịch COVID-19, giờ nếu mình buông xuôi, bỏ cuộc thì sẽ mất luôn cả khối đầu tư ban đầu chứ không chỉ là tiền chi phí hàng tháng” – Bà chủ nhà hàng Miss Korea trải lòng.  

Trả giá đắt cho đam mê

Đam mê kinh doanh nhà hàng, đang đi làm trợ lý giám đốc cho công ty nước ngoài, nhận lương cao, nhưng Hồng Thị Gấm quyết tâm bỏ việc, đi học quản lý nhà hàng.

Vì có nhiều năm làm việc với người Hàn Quốc nên Gấm đã quan sát và hiểu được trên địa bàn TP.HCM có bao nhiêu nhà hàng Hàn Quốc, địa chỉ nào làm món “chuẩn Hàn”, chỗ nào chỉ là những “phiên bản lỗi”.

Bà chủ Miss Korea nói về những khó khăn khi kinh doanh mùa dịch
Bà chủ Miss Korea nói về những khó khăn khi kinh doanh mùa dịch

“Nếu muốn ăn đồ Hàn ngon, phải sang Quận 7 hoặc Quận 1. Mà mức giá ở các nhà hàng này quá cao với đối tượng bình dân. Người có tiền vừa phải thường phải lựa chọn mấy hệ thống gần như các “cửa hàng tiện lợi” có bán đồ ăn Hàn nhưng phải nói thật là thức ăn ở đấy không thể gọi là ẩm thực Hàn. Miss Korea xác định đối tượng khách hàng là những người có tiền vừa phải nhưng phải được phục vụ chuẩn vị Hàn, cộng với được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn mùa dịch COVID-19 như cơ quan chức năng yêu cầu” – Bà chủ Miss Korea nói.

Khách hàng đánh giá về Miss Korea trên các hệ thống bán hàng ăn uống online như Foody hay Table now đều phản hồi rất tốt về đồ ăn Hàn ở đây.

“Nếu quán bán không được là do đồ ăn không ngon hoặc phục vụ không tốt, thì tôi cần phải xem lại vấn đề. Đằng này, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì nó không phải vấn đề từ bản thân mình” – Hồng Thị Gấm tự tin nói.

Nhưng bà chủ của Miss Korea hậu giãn cách xã hội vì COVID-19 cho biết giám đốc đang phục vụ không lương, chịu lỗ cả trăm triệu mỗi tháng.

Hồng Thị Gấm, bà chủ Miss Korea trải lòng về công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)
Hồng Thị Gấm, bà chủ Miss Korea trải lòng về công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19

“Chấp nhận làm ăn thì cũng có thể phải chịu rủi ro. Đáng lẽ, có một số tiền tích cóp được, tôi định mua một căn chung cư nho nhỏ để ở nhưng vì đam mê nhà hàng nên vay thêm vốn bỏ vào kinh doanh. Nếu vận hên, gặp thời, có thể mua được 2 căn nhà chứ không phải chỉ có 1. Còn vận xui, thì lại đi thuê nhà tiếp thôi” – Gấm ngậm ngùi nói.

Khi được hỏi, trước tình trạng khó khăn bi đát của nhiều doanh nghiệp đang phải chịu hậu quả vì COVID-19, với các cơ quan chức năng, chủ nhà hàng có kiến nghị gì không, bà chủ Miss Korea cho rằng: “Chỉ biết cố gắng làm tốt nhất việc của mình”.