Đà Nẵng: Dịch COVID-19 kéo dài, nhiều hộ thuê mặt bằng kinh doanh gặp khó

VietTimes – Khác với cảnh tấp nập vào thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19, tại các tuyến phố kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng như: Lê Duẫn, Nguyễn Văn Linh, 2 tháng 9… hàng loạt các doanh nghiệp dân doanh, bám với mặt phố đã phải cửa khóa, then cài lâm vào cảnh khó khăn chất chồng.
Doanh nghiệp dân doanh, kinh doanh bằng việc thuê mặt bằng trên các tuyến phố phải đóng cửa vì dịch COVID-19
Doanh nghiệp dân doanh, kinh doanh bằng việc thuê mặt bằng trên các tuyến phố phải đóng cửa vì dịch COVID-19

Khó khăn chất chồng vì COVID-19

 Ghi nhận dọc tuyến đường kinh doanh mặt tiền trên địa bàn Đà Nẵng mới thấy sức tàn phá của COVID-19 đối với kinh tế địa phương. Các tuyến phố đóng cửa hàng loạt, im ỉm suốt thời gian qua đang đẩy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bám mặt tiền lâm vào thế khó. Thậm chí, nhiều cửa hàng vẫn treo biển hạ giá từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, nhưng cửa hiệu thì vẫn đóng kín vì lệnh đóng cửa chống dịch COVID-19.

“Anh thử nghĩ xem, vì dịch bệnh, cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế đi lại, vui chơi, thì ai mua sắm quần áo, giày dép làm gì! Mà ngành hàng chúng tôi thì trông chờ các dịp lễ Tết. Hàng nhập về bán Tết từ vài tháng trước, đến nay đã tháng 4 rồi mà cả kho hàng vẫn nguyên xi. Hàng bán không được, nhưng tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả. Có cắt giảm thì chỉ cắt giảm được cho nhân viên nghỉ vì không mở cửa buôn bán. Mà cho nhân viên nghỉ cũng xót, họ làm với mình bao lâu nay, giờ dịch không mở cửa thì phải cho nghỉ chứ biết làm sao. Mong sao dịch qua sớm, cộng đồng và chính quyền cùng chung tay hỗ trợ tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh như chúng tôi chứ cũng chẳng biết đề đạt hay đề xuất cái gì”- chị Thu, một chủ của hàng thời trang giấu tên chia sẻ.

Còn chủ Shop thời trang Hồng Cúc trên đường Lê Duẩn thì vẫn đau đáu: “Hợp đồng thuê mặt bằng 3 năm với mức 25 triệu/tháng. Tiền thuê mặt bằng thì đã đóng, nhưng cửa hàng thì không thể mở vì dịch bệnh. Ảnh hưởng nặng nề do dịch từ Tết Nguyên Đán đến giờ không thể kinh doanh, khiến chúng tôi thật sự lâm vào cảnh lao đao”.

Cũng theo chủ shop này, mặc dù có đề đạt với chủ nhà giảm giá cho thuê, nhưng phía cho thuê mặt bằng chưa thấy động tĩnh. “Loại hình kinh doanh của chúng tôi khá đặc thù, không giống như các doanh nghiệp còn có hiệp hội để kêu cứu. Còn với những hộ kinnh doanh thuê mặt bằng như chúng tôi thì chủ yếu phải tự bơi, gặp khó khăn thì cho nhân viên nghỉ, đóng cửa. Khó khăn thì nói chuyện với chủ thuê mặt bằng, nhưng cũng chỉ được động viên là sẽ xem lại sau khi dịch kết thúc. Hết dịch mở cửa lại không biết ra sao, sức mua có lại không” – chủ shop thời trang Hồng Cúc chia sẻ.

Đóng cửa và treo biển giảm giá chờ ngày nới lỏng giãn cách xã hội là cách mà các cửa hàng trên địa bàn Đà Nẵng ứng phó qua mùa dịch COVID-19
Đóng cửa và treo biển giảm giá chờ ngày nới lỏng giãn cách xã hội là cách mà các cửa hàng trên địa bàn Đà Nẵng ứng phó qua mùa dịch COVID-19

Còn chủ cửa hàng giày dép thời trang RB thì cho biết, cửa hàng chính thức đóng cửa từ hơn tháng nay khi tình hình dịch bệnh xảy ra. “Trước đó cũng có mở cửa bán dịp Tết, nhưng do dịch bệnh, người mua cũng không có, đến khi chính quyền thông báo đóng cửa thì chúng tôi cho nhân viên nghỉ và đóng cửa luôn”- chủ cửa hàng này cho biết.

Cũng theo chủ cửa hàng, chi phí để duy trì cửa hàng khoảng 35 triệu đồng/tháng, nặng gánh nhất là tiền thuê mặt bằng, lại phải trả trước 1 lần nên dịch bệnh hay biến cố xảy ra cũng phải ráng chịu.

“Chịu không nổi thì có trao đổi với chủ nhà, họ cũng hứa sẽ hỗ trợ, còn hỗ trợ bao nhiêu, như thế nào thì cũng tùy thuộc vào hảo tâm của họ, chứ chúng tôi cũng không biết bấu vào đâu” - chủ cửa hàng giày dép thời trang RB chia sẻ.

Doanh nghiệp dân doanh rất cần được hỗ trợ

 Các doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh tại các tuyến đường trung tâm trên địa bàn Đà Nẵng như: Nguyễn Văn Linh, đường 2/9, Hùng Vương... cũng lâm cảnh khó khăn không kém. Thậm chí nặng nề hơn khi chi phí thuê mặt bằng lên đến cả trăm triệu đồng/tháng, tiền thuê mặt bằng thì đã thanh toán trước mỗi năm, nhưng không kinh doanh được khiến nguy cơ vỡ nợ, đóng cửa doanh nghiệp kéo dài là khó tránh khỏi

“Khi tôi trình bày khó khăn với chủ cho thuê mặt bằng thì họ cũng bày tỏ chia sẻ, nhưng mức hỗ trợ cụ thể như thế nào vẫn chưa được họ cho biết, vì họ nói họ cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên họ cũng hứa sẽ xem xét. Thật sự chúng tôi không biết phải kêu cứu hay đòi hỏi ở đâu, nếu có chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh thuê mặt bằng như chúng tôi thì cũng tốt. Vì dịch bệnh chung, Chính phủ lệnh đóng cửa thì phải tuân thủ. Bí quá cũng có lúc nghĩ trả lại mặt bằng, nhưng tiền thuê đã trả cả rồi thì biết làm sao” -  anh Th., chủ của hàng trên đường Nguyễn Văn Linh chia sẻ.

Phải đóng cửa cửa hàng, cho nhân viên nghỉ, sau dịch sẽ mở cửa lại, cùng với lo lắng về sức mua có trở lại hay, liệu có chính sách hỗ trợ nào hay không từ phía chủ cho thuê mặt bằng hay chính quyền hay không… là những vấn đề khó có lời giải của hầu hết các hộ thuê mặt tiền tại các tuyến phố trên địa bàn Đà Nẵng để kinh doanh trong những ngày này. Thậm chí một diễn biến xấu hơn là trả lại mặt bằng và "xin lại" tiền đã nộp, tuy nhiên vấn đề pháp lỹ có vẽ đẩy khó cho người thuê.

Cửa hàng trên phố chuyên doanh thời trang trên đường Lê Duẫn đóng cửa hàng loạt
Cửa hàng trên phố chuyên doanh thời trang trên đường Lê Duẫn đóng cửa hàng loạt

Nói về  pháp lý của hợp đồng thuê mặt bằng và các điều khoản hợp đồng khi có dịch bệnh, liệu người thuê mặt bằng có “căn cứ” điều khoản loại trừ để được giảm, miễn tiền thuê mặt bằng trong bối cảnh dịch bệnh, luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc – Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết: "Vấn đề này thời gian vừa rồi cũng đã gây nhiều tranh cãi. Trên thực tế, dịch bệnh cụ thể ở dây là COVID-19 được xem là sự kiện bất khả kháng. Ý nghĩa của sự kiện bất khả kháng là để miễn trừ một số nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp hợp đồng thuê quy định rõ về các nghĩa vụ được miễn, giảm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì căn cứ theo hợp đồng để miễn, giảm.

Và nếu hợp đồng không có quy định, thì căn cứ Điều 351 Bộ Luật Dân sự 2015: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự"".

“Cụ thể ở đây là người thuê nếu vi phạm các nghĩa vụ của hợp đồng thì không phải chịu các trách nhiệm như bồi thường hay bị phạt cọc hoặc một số nghĩa vụ khác có quy định trong hợp đồng. Trong trường hợp này, không có căn cứ của luật để được miễn hoặc giảm tiền thuê mặt bằng. Các bên cần là thương lượng với nhau để tạo điều kiện cùng hỗ trợ và trường hợp này thì ưu tiên thỏa thuận để hỗ trợ. Còn nếu các bên muốn chấm dứt hợp đồng thì bên đi thuê cũng không bị mất cọc hay phải bồi thường gì”- Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc cho biết thêm.

Tuy vậy, theo nhiều doanh nghiệp dân doanh, bám mặt tiền các tuyến phố để kinh doanh thì dù khó khăn, nhưng họ vẫn mong muốn tiếp tục được thuê mặt bằng để hoạt động, bởi đó là cái nghiệp, sinh kế. Sonng vẫn mong có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân, chủ cho thuê mặt bằng cùng chung tay để vượt qua khó khăn.

Theo thống kê của Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp trong quý I/2020 ở Đà Nẵng đã giảm đáng kể với mức giảm lên đến 22% về số lượng doanh nghiệp và giảm đến 10% về vốn so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, doanh nghiệp lĩnh vực bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy giảm 6,27%; lĩnh vực thông tin và truyền thông giảm 15,69%; dịch vụ việc làm, du lịch giảm 30,26%; doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ khác giảm 40,91%. Đặc biệt, doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm đến 61,45%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 26,79%... so với cùng kỳ năm 2019.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động trong quý I/2020 tiếp tục giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Lũy kế đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 30.570 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 210.377 tỷ đồng.