Trao đổi với VietTimes về đề nghị điều chỉnh giá bán điện trong thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc đề nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân được EVN thực hiện trên cơ sở các hướng dẫn, quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Theo đó, năm 2019 giá than trong nước bán cho sản xuất điện đã điều chỉnh từ đầu năm (tăng khoảng 5% đối với TKV, Tổng công ty Đông Bắc); Giá khí trong bao tiêu dự kiến thực hiện theo cơ chế thị trường trong năm 2019; Các nguồn điện có giá thành sản xuất rẻ như thủy điện thì đã khai thác tối đa; Còn các nguồn điện mới có giá thành sản xuất và mua cao (điện mặt trời 9,35 US cent/kWh).
Ngoài ra, năm 2019 dự báo tình hình thủy văn bước vào chu kỳ/giai đoạn khô hạn, chênh lệch tỷ giá của các đơn vị phát điện theo Thông tư số 56/2014/TT-BCT làm chi phí mua điện của EVN tăng cao.
EVN giải thích, năm 2018 tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo sản xuất kinh doanh, cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc dân, phải đối mặt với xu thế giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng. Tuy nhiên, tập đoàn đã rất cố gắng nỗ lực trong việc điều hành tối ưu hệ thống, khai thác tối đa nguồn thủy điện theo tình hình thủy văn, giảm tổn thất, tiết kiệm chi phí 7,5% và còn nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả SXKD, tăng năng suất lao động để đảm bảo đạt kế hoạch lợi nhuận.
Mặt khác, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân liên tục gia tăng với tốc độ cao. Hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam khoảng 48.000 MW. Với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 10%/năm (theo Quy hoạch điện VII điều, dự kiến đến năm 2025, nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia sẽ là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030, sẽ tăng lên khoảng 130.000 MW.
Trong khi đó, thủy điện hiện đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhưng tiềm năng đã khai thác gần hết, khó có khả năng phát triển thêm. Các nguồn điện khác thay thế cũng gặp nhiều khó khăn do Việt Nam đã tạm dừng triển khai dự án điện hạt nhân, một số dự án nhiệt điện ngoài EVN chậm tiến độ, các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể phát triển quy mô lớn do chi phí cao.
Chưa kể, sự mất cân đối giữa cung và cầu của từng vùng, miền cũng đang là thách thức với EVN. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung (gần 60%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%.
Theo World Bank, giá điện sinh hoạt, giá điện kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, giá điện tại Cam-pu-chia 19 US cent/kWh, Lào 9 US cent/kWh, Phi-lip-pin 14,6 US cent/kWh, và In-đô-nê-xi-a 7,3 US cent/kWh.
Bộ Công thương cho biết, trên cơ sở các phương án giá điện EVN tính toán, Bộ này sẽ phối hợp với Tổng cục Thống kê để đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Đồng thời, Bộ cũng đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất tiêu thụ điện lớn như sắt thép, xi măng.
Bộ Công thương khẳng định sẽ xem xét, đánh giá và đề xuất với Chính phủ để điều chỉnh giá điện ở mức độ phù hợp.
Như VietTimes đã đề cập, chia sẻ với báo giới vào sáng 5/3 vừa rồi, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết dự kiến giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 8,36% so với mức hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng đạt 1.864,44 đồng/kWh. Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện trong khoảng thời gian từ ngày 20/3/2019 đến 30/3/2019./. |