Tại hội thảo “Góp ý Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” Ths.BS Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) thông tin, Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia tính theo cồn nguyên chất.
Số liệu năm 2015 cũng cho thấy có tới 77,3% nam giới và 11% nữ giới ở độ tuổi trưởng thành uống rượu, bia; trong độ tuổi từ 25 – 64, có tới trên 80% nam giới uống rượu, bia. Trong nhóm tuổi vị thành niên (13 – 17 tuổi) có tới 1/3 nam giới và 1/15 nữ giới có sử dụng rượu bia, 1/2 số em nam uống lần đầu trước 14 tuổi.
Tỷ lệ nam giới Việt Nam trưởng thành uống rượu, bia hiện cao nhất thế giới (77,3% so với 47,7% toàn cầu; 40,2% ở châu Phi; 70,7% ở châu Mỹ; 21,7% ở Đông Nam Á…). Tuổi càng cao, nam giới Việt Nam có tần suất uống bia ngày càng tăng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam.
Các chuyên gia bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về “nạn dịch” lạm dụng rượu, bia – một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của những bệnh không lây nhiễm chủ yếu và những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội. Rượu bia gây ra 5,7% tổng số ca tử vong; có liên quan đến 35,2% các ca tai nạn giao thông ở nam giới; là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cần có những điều khoản liên quan tới kiểm soát quảng cáo khuyến mại và tài trợ, kiểm soát bán lẻ rượu, bia; Nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu bia và những hệ lụy của nó tới đời sống kinh tế - xã hội và các thế hệ sau, tại hội thảo, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; đề nghị Quốc hội sớm đưa “Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vào chương trình nghị sự xây dựng Luật năm 2017 của Quốc hội.