Khủng hoảng truyền thông của Thu Cúc và nguy cơ khách hàng quay lưng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Để xảy ra tai biến y khoa, bệnh viện tư nhân dễ sập tiệm, còn bệnh viện công sẽ ảnh hưởng uy tín. Cần tránh tối đa sự cố, nếu có thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân”, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh nói.

Thu Cúc.jpg
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Ảnh: TCI.

Khủng hoảng truyền thông liên quan vụ thai nhi tử vong khi sản phụ đăng ký đẻ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (Bệnh viện Thu Cúc) kéo dài mấy tuần qua. Sau khi VietTimes và một số cơ quan báo chí phản ánh, gia đình cho biết đại diện bệnh viện đã đến xin lỗi và chia sẻ với sản phụ về nỗi đau mất con.

Vậy vì sao sự cố y khoa có lúc trở thành tâm điểm dư luận? Và khủng hoảng có liên quan đến cách ứng xử, cung cấp thông tin của bệnh viện hay không?

Ngay hôm sự việc được báo chí đăng tải (9/4), Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Bộ Y tế có công văn khẩn, yêu cầu Bệnh viện Thu Cúc “kiểm tra, xác minh ngay sự việc và báo cáo Bộ Y tế”. Sau khi báo chí đăng về công văn này, Bệnh viện Thu Cúc phản hồi trên fan page là chưa nhận được công văn của Bộ Y tế, và cho biết thông tin thai nhi tử vong tại bệnh viện “chưa được kiểm chứng, chưa chính thức từ phía bệnh viện”.

Bệnh viện mong “các cơ quan báo chí chờ thông cáo báo chí chính thức từ phía bệnh viện để đưa tin một cách đầy đủ, chính xác, khách quan. Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc đang tiến hành xác minh thông tin và sẽ sớm đưa ra thông cáo báo chí chính thức về vụ việc.”

VT_ BV .png
Thu Cúc cam kết sớm đưa ra thông cáo báo chí nhưng đến nay vẫn chưa cung cấp thông tin.

Trong 2 công văn ngày 9/4 và 12/4, Bộ Y tế đều yêu cầu Bệnh viện Thu Cúc thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng, đảm bảo khách quan, minh bạch đảm bảo quyền lợi của người bệnh cũng như hoạt động của Bệnh viện và ngành Y tế.

Dù bệnh viện cam kết sớm ra thông cáo báo chí và Bộ Y tế 2 lần chỉ đạo nhưng đến hôm nay, 23/4, Bệnh viện Thu Cúc vẫn chưa cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông.

Trong bối cảnh không có thông tin từ phía bệnh viện, báo chí đã ghi nhận ý kiến, khai thác nội dung tài liệu gia đình cung cấp và góc nhìn của chuyên gia. Vì thế các tin bài mới liên quan sự cố y khoa này vẫn tiếp tục xuất hiện, gây ra hiệu ứng không tốt cho Thu Cúc về mặt thương hiệu.

Trên nhiều diễn đàn, thông tin về vụ thai nhi tử vong được bàn luận xôn xao. Nhiều người nhắc đến những kỷ niệm "không vui" liên quan bệnh viện này.

Việc bệnh viện cho rằng sản phụ không yêu cầu mổ đẻ như chia sẻ của gia đình cũng làm nảy sinh những tranh cãi. Như thông tin từ phía gia đình, quá trình khám chỉ có sản phụ và bác sĩ. Có người đã đặt câu hỏi: Trong tình huống hoảng loạn khi biết thai nhi ngừng tim, không lẽ sản phụ phải quay phim, ghi âm để lưu chứng cứ về việc trao đổi với bệnh viện?

Một vấn đề khác cũng đẩy khủng hoảng đi xa là trong công văn ngày 9/4, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Thu Cúc “gặp gỡ chia sẻ, động viên tới gia đình sản phụ”. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó, gia đình vẫn bày tỏ bức xúc. Ngoài gửi đơn đến cơ quan chức năng, gia đình sản phụ đã căng băng rôn trước cổng bệnh viện và chia sẻ thông tin liên quan "hợp đồng dịch vụ" của Thu Cúc.

Cuối tuần qua, tức là hơn 10 ngày sau khi Bộ Y tế chỉ đạo và hơn 20 ngày tính từ khi thai nhi tử vong, việc gặp gỡ mới đạt được kết quả.

Ở góc độ cơ quan quản lý và hướng dẫn chuyên môn, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế - cho biết khi sự cố y khoa xảy ra, bệnh viện phải xin lỗi trước. Mức độ đúng, sai sẽ có hội đồng y khoa giám định, xử lý. Khi người bệnh bất ngờ gặp tai biến y khoa dẫn đến tử vong ở bệnh viện, chắc chắn phía bệnh viện phải có lỗi.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh lưu ý rằng khi xảy ra sự cố, bác sĩ điều trị thường không thể trực tiếp gặp gia đình bệnh nhân. Phòng công tác xã hội của bệnh viện phải là đầu mối gặp gỡ, chia buồn, thậm chí xin lỗi gia đình.

Theo PGS.TS Khuê, việc xin lỗi sẽ an ủi, xoa dịu những mất mát của gia đình người bệnh, từ đó tạo được sự thông cảm, bớt đi những khiếu kiện không đáng có. Đối với các thầy thuốc không may liên quan đến tai biến y khoa, khi bệnh viện chủ động xin lỗi, họ cũng cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng hơn.

“Để xảy ra tai biến y khoa, bệnh viện tư nhân dễ sập tiệm, còn bệnh viện công sẽ ảnh hưởng đến uy tín. Do đó, cần tránh tối đa xảy ra tai biến và nếu có thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Với việc chấp nhận lời xin lỗi, gia đình sản phụ sẽ gạt bỏ những bức xúc, để mọi thứ khép lại. Nhưng dư luận và khách hàng vẫn không hiểu được vì sao khi phát hiện mất tim thai, Thu Cúc lập tức thanh toán gói đẻ và chuyển viện. Tình hình thêm tồi tệ khi bệnh viện chọn cách im lặng, còn các chuyên gia sản khoa nói việc cho thai nhi đã tử vong ra ngoài không phải cấp cứu, có thể thực hiện tại bệnh viện.

Uy tín của bệnh viện đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi những ngày qua, nhiều người lên tiếng tẩy chay và đặt ra những câu hỏi: Cơ sở y tế được giới thiệu có chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại, vì sao không làm được kỹ thuật không quá phức tạp như cho thai nhi đã tử vong ra ngoài? Và có sản phụ nào dám trao gửi niềm tin nếu biết bệnh viện vội vã thanh toán gói đẻ khi thai nhi tử vong còn trong bụng mẹ?