Lợi ích cho sức khoẻ
Điều đầu tiên cần nói đến là không gian biển sẽ mời gọi để bạn vận động, thông qua việc đi dạo, lội nước, bơi…rất thích hợp với những người muốn giảm cân, duy trì sức khoẻ.
Theo các chuyên gia, nắng và gió biển sẽ cung cấp cho bạn lượng iot đáng kể, giúp trao đổi chất tốt hơn, cân bằng lượng hormone. Đặc biệt, iot hỗ trợ tích cực trong việc phòng ung thư, giảm các triệu chứng u xơ, tăng cường chức năng của tuyến giáp. Vì thế, bơi hay ngâm mình trong nước biển, da bạn sẽ thẩm thấu được một lượng iot đáng kể.
Bên cạnh đó, nắng biển, gió biển sẽ cung cấp trực tiếp qua da lượng vitamin D cần thiết hàng ngày, mà dù bạn có ăn uống hay bổ sung bằng thực phẩm chức năng cũng vẫn không đủ. Trong khi vitamin D lại là một trong những vitamin rất cần thiết yếu cho sức khỏe.
Nước biển còn có tính kháng khuẩn và kháng nấm, sẽ hỗ trợ bạn chống các nhiễm trùng bên trong và bên ngoài da cũng như hệ thống miễn dịch.
Nước biển còn giúp tăng cường phòng, chống các bệnh cơ xương khớp, giảm viêm, giảm đau, diệt vi khuẩn và nấm gây mụn trên da, làm đẹp da.
Khi đến bãi biển, hormone serotonin giúp bạn thư giãn và vui vẻ được giải phóng gần như ngay lập tức. Vận động, hoạt động các môn thể thao ở biển, cùng với không khí trong lành ở biển sẽ mang cho bạn giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn, từ đó, ăn uống ngon miệng hơn. Vì thế, đi biển còn giúp bạn giải toả căng thẳng về thể chất và tinh thần.
Chú ý gì khi tắm biển?
GS.TSKH Dương Đức Tiến (Hội các ngành sinh học Hà Nội) lưu ý: Hãy cảnh giác nếu thấy nước biển có màu xanh thẫm hoặc màu hồng, đỏ, vì đó là tảo độc đang nở hoa, hoặc nước mùi tanh nồng, rất nguy hiểm. Du khách cần chú ý khuyến cáo của địa phương, chỉ tắm ở những bãi biển cho phép tắm.
Theo ông Tiến, tảo sống trong môi trường nước một cách bình thường, nhưng khi gặp thời tiết thuận lợi sẽ bùng phát dữ dội, kể cả ở ngay khu vực biển được quy hoạch bãi tắm. Nếu không may tắm phải vùng nước có tảo độc, da sẽ mẩn ngứa hoặc bị suy hô hấp. Tuy nhiên, tảo nở hoa và tan đi trong một vài ngày nên sau đó vẫn có thể tắm bình thường.
Một tai nạn dễ gặp với người đi biển là sứa đốt hay cá cắn. Các bãi tắm ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Vũng Tàu...rất dễ gặp sứa khi đang bơi hoặc đang đi dạo trên bãi biển.
TS Nguyễn Kiêm Sơn, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, cho biết, nọc sứa gây bỏng, đau, ngứa rát, nếu bị sứa đốt, hãy đổ dấm lên vết thương để sát trùng, loại bỏ nọc sứa. Hạn chế gãi nhiều gây viêm, loét vết cắn.
Một lưu ý nữa với những du khách đến biển là phải chú ý tránh "dòng Rip" - một dòng xoáy cục bộ chảy theo hướng vuông từ bờ ra biển.
Theo TS. Nguyễn Bá Xuân, một chuyên gia nghiên cứu về dòng Rip trên các vùng biển gần bờ, khi tắm biển hoặc vui chơi ở bờ biển, cần quan sát và nhận biết những dấu hiệu về dòng Rip, để tránh xa, đặc biệt là những người không biết bơi, bơi yếu hoặc trẻ em.
Dòng Rip có kích thước rất nhỏ, nhưng tốc độ có thể đạt cực đại tới 2 m/s. Với vận tốc này, chỉ trong 1 phút, dòng Rip có thể cuốn trôi người tắm biển ra ra khoảng 120 m. Khi đó, hầu như không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ.
Với dòng Rip chảy xoáy ở các bãi tắm, bề rộng dọc bờ từ 3-30m và chiều dài ra biển từ 100-150m, người tắm biển nếu chủ quan, không hiểu biết và không nắm được cách phòng tránh thì rất nguy hiểm và dễ bị chết đuối khi bị rơi vào dòng Rip.
Cách nhận biết dòng Rip
TS Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học) khuyến cáo: Dòng rip xuất hiện thường để lại những dấu vết khác biệt như một vùng nước xáo trộn lăn tăn, hay một vùng bọt nước trắng xóa trên mặt biển gần sát bờ; một dải hẹp tập trung rác và vật trôi nổi trên mặt nước.
Ở những khu vực không có sóng đổ nhào, mặt nước thường phẳng lặng và nước biển luôn luôn có màu xanh đậm, chính là những khu vực có các ao sâu, rãnh sâu của địa hình đáy do sóng tác động tạo nên và khả năng xuất hiện của dòng Rip là rất lớn.
Bởi vậy, những người tắm biển không nên tắm ở những khu vực biển lặng, chính là vùng nước sâu, rãnh sâu, mà nên tắm ở những khu vực biển cạn có sóng đổ nhào bọt nước trắng xóa hoặc bên ngoài là đới sóng đổ nhào.
Người tắm biển cũng có thể tự mình nhận biết sự tác động của dòng rip ở khu vực mình đang tắm, thông qua dấu hiệu sụt lún rất nhanh của cát dưới chân chỗ mình đang đứng. Vì thế, rời khỏi vị trí đang đứng càng nhanh càng tốt.
Cách thoát khỏi dòng rip
TS. Lê Đình Mầu lưu ý: Khi phát hiện mình đang bị dòng nước đưa ra xa bờ, bạn cần bình tĩnh và luôn nhớ là không được bơi ngược dòng Rip để vào bờ vì sẽ rất nhanh mất sức và đuối nước. Bạn cần quan sát nhanh để lấy phương hướng sau đó bơi song song với đường bờ, khi đã ra khỏi dòng rip thì bơi vào bờ.
Nếu bạn không có khả năng bơi ra khỏi dòng rip hãy giữ người nổi để tự trôi ra khỏi dòng rip, sau đó tìm cách bơi vào bờ. Nếu không đủ sức để bơi hãy dùng tay để ra hiệu cầu cứu. Một điều kỳ lạ là hầu hết người đuối nước không bao giờ đưa ra tín hiệu nào để cầu cứu (có lẽ vì họ quá hoảng sợ).
Khi có người bị dòng Rip cuốn phải làm gì?
Theo khuyến cáo của TS. Nguyễn Bá Xuân, những người đang ở trên bờ chưa bị dòng Rip tấn công cần:
- Phải thận trọng để mình không phải là nạn nhân tiếp theo của dòng Rip,
- Cần tìm ngay đội tuần tra, cứu hộ cứu nạn bãi biển để giúp đỡ những người gặp nạn.
- Nếu không không liên lạc được với đội tuần tra cứu hộ cứu nạn bãi biển, thì tìm người biết bơi giỏi hoặc người có kinh nghiệm đi biển nhiều để giúp đỡ cứu hộ người gặp nạn,
- Kêu to nói với nạn nhân về cách bơi thả lỏng, bơi đứng, không hoảng sợ sẽ có người giúp đỡ,
- Nếu có phao cứu sinh thì có thể ném phao xuống biển để hộ trợ cho nạn nhân,
-Gọi khẩn cấp đến số điện thoại chuyên nghiệp của đội cứu hộ cứu nạn để giúp đỡ.