Không phát hiện cụ rùa ở Hồ Gươm

VietTimes -- Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, công ty đã đánh lưới và không phát hiện cụ rùa tại Hồ Gươm, ghi chép lịch sử cũng chỉ ghi nhận Hồ Gươm có 4 cụ rùa, tất cả đều đã chết.
Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Tài nguyên môi trường.
Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Tài nguyên môi trường.

Chiều 28/11, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thông tin về việc triển khai phương án nạo vét hồ Hoàn Kiếm.

Nhiều ý kiến quan tâm có hay không cá thể rùa tại Hồ Gươm và nếu có thì sẽ bảo tồn như thế nào trong quá trình nạo vét.

Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội khẳng định, Công ty đã kết hợp với Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học và nguồn lợi Thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thực hiện việc quét lưới và không phát hiện cụ rùa mà chủ yếu là cá.

“Trong việc quét lưới chúng tôi đã tính đến chuyện là có cụ rùa. Theo Giáo sư Hà Mạnh Đức và ý kiến của người dân, ghi chép lịch sử thì Hồ gươm có 4 cụ. Qua thời gian và qua lịch sử 4 cụ đã đi. Cụ "đi" muộn nhất là ngày 19/1/2016”, ông Hùng nói.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: “Phương án nạo vét và cải tạo tổng thể chúng tôi đã cân nhắc đến phương án nếu còn thì sẽ giải quyết như thế nào? Chúng tôi đã có phương án để giải cứu cụ, bảo tồn không ảnh hưởng đến sức khỏe của cụ. Qua quây lưới thì không có cụ nào cả, mà chủ yếu toàn các loài cá”.

Tuy rằng khẳng định có phương án bảo vệ rùa Hồ Gươm nếu phát hiện nhưng ông Võ Tiến Hùng chưa nêu rõ về phương án bảo tồn như thế nào. Ông Hùng cũng cam kết sẽ không làm đội vốn dự án một đồng nào.

Về phương án cải tạo Hồ Hoàn Kiếm, ông Hùng thông tin, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất phương án thực hiện dự án nạo vét. Trên cơ sở khảo sát cao độ mực nước, bùn hiện trạng Hồ Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện nạo vét bùn với khối lượng dự kiến khoảng 57.400m3.

Việc nạo vét được đưa ra là giữ nguyên mực nước không bơm cạn Hồ, nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5.6m để đảm bảo không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn.

Biện pháp thi công nạo vét là sử dụng dây truyền C2 cải tiến. Bố trí 02 mũi thi công, mỗi mũi sử dụng 01 dây chuyền C2 cải tiến, thi công sông song từ hướng Nam lên hướng Bắc.

"Đặc biệt là trong quá trình thực hiện dự án Hồ Hoàn Kiếm sẽ được bổ cập bằng nước giếng khoan nhưng nước sẽ được thực hiện xử lý bằng công nghệ lọc của Đức", ông Hùng cho biết. Cụ thể, đường kính khoan giếng là 168mm, sâu 70m tại khu vực Hàng Khay, công suất dự kiến 360m3/ngày đêm.

Thời gian thực hiện từ 01/12/2017 đến 07/02/2018 (ngày 22 tháng chạp âm lịch), tổng kinh phí dự kiến 29 tỷ đồng.