Theo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030, tại các khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình; Khu vực Hoàng Thành Thăng Long; Khu vực Phố Cổ; Khu vực Hồ Gươm và khu vực phụ cận và Khu vực phố cũ thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Tây Hồ sẽ chuyển đổi, phát triển hạ tầng cột ăng ten cồng kềnh sang cột ăng ten không cồng kềnh, ngụy trang, thân thiện môi trường; không lắp đặt cột ăng ten cồng kềnh trên mặt đất có chiều cao từ 50m trở lên; không phát triển mới các cột ăn ten cồng kềnh.
Các khu vực này theo lộ trình đến năm 2020 tối thiểu có 50% cột ăng ten cồng kềnh được chuyển đổi sang loại không cồng kềnh hoặc ngụy trang, thân thiện môi trường tại các khu phố cũ và các khu vực yêu cầu về cảnh quan đô thị và hoàn thành việc chuyển đổi trước năm 2025.
Đối với các khu vực còn lại, các cột ăng ten hiện hữu khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi từ loại cột cồng kềnh sang không cồng kềnh hoặc ngụy trang, thân thiện môi trường.
Với khu vực nông thôn, khu vực có mật độ dân cư thấp, khu vực sản xuất nông nghiệp, rừng phòng hộ cho phép tồn tại các cột ăng ten hiện có và xây mới các cột ăng ten để mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển 4G.
Trong giai đoạn 2017-2020, dự kiến Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng, phát triển mới khoảng 6.000 cột ăng ten. Trong đó, có khoảng 2.250 cột ăng ten xây dựng mới, còn lại sử dụng chung cơ sở hạ tầng với cột ăng ten hiện có.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu, việc xây dựng các cột ăng ten phải đảm bảo nguyên tắc, mỗi vị trí sử dụng chung cho 2-4 doanh nghiệp.
Trường hợp tại một vị trí xây mới có từ 01 đến 03 doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng phát triển mới trong phạm vi 100m tại khu vực nội thành và 500m tại khu vực ngoại thành thì một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng và các doanh nghiệp còn lại phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng với doanh nghiệp xây dựng trước đó.
Tại các vị trí xây dựng mới trong phạm vi 100m tại khu vực nội thành và 500m tại khu vực ngoại thành nếu gần với cột ăng ten hiện có của doanh nghiệp đang quản lý, khai thác thì các doanh nghiệp xây dựng mới phải đàm phán, sử dụng chung cơ sở hạ tầng với doanh nghiệp đang khai thác, quản lý.
Hiện tại đã có 05 doanh nghiệp viễn thông đăng ký đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn TP. Hà Nội bao gồm: VNPT, Mobifone, FPT, Viettel, CMC. Cả 05 doanh nghiệp này sẽ phối hợp với Tổng công ty Điện lực Hà Nội thực hiện dự án.
Dự kiến mỗi doanh nghiệp sẽ đầu tư vào dự án khoảng 500 tỷ đồng, tổng mức đầu tư thực hiện dự án khoảng 3.000 tỷ đồng.