Theo The Guardian, bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson đã nhắc lại mối quan tâm của Anh Quốc đến tình hình vùng Thái Bình Dương, thể hiện qua việc Anh mới đây, lần đầu tiên từ năm 2013 đến nay đã triển khai 3 chiến hạm trong khu vực, một hoạt động sẽ được phát triển thêm trong những năm sắp tới.
Về nhiệm vụ của chiếc tàu sân bay mới của Anh, ông Williamson xác nhận là Luân Đôn và Canberra "sẽ phối hợp với nhau trong kế hoạch triển khai chiếc HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương... và hoạt động cùng với chiến hạm Úc".
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã nhắc đến những thách thức nhằm vào những chuẩn mực và quy tắc quốc tế ở vùng Thái Bình Dương, trong khi lúc bộ trưởng quốc phòng Úc Maryse Payne cho rằng đang có những mối đe dọa rõ ràng đối với "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" hiện nay.
Theo báo Anh dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng bộ trưởng quốc phòng Anh và Úc đã đưa ra đánh giá trên trong bối cảnh Bắc Kinh chiếm đóng và quân sự hóa trái phép các thực thể địa lý ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, xây dựng căn cứ không quân trên đó và bố trí các hệ thống tên lửa sát các nước láng giềng và tăng cường quyền khống chế các tuyến hàng hải khu vực.
Cả 4 bộ trưởng Anh và Úc đều cho rằng những mối đe dọa mới đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.
Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch, từng khẳng định rằng tàu sân bay mới của Anh sẽ hiện diện ở Thái Bình Dương với mục tiêu bảo vệ quyền tự do hàng hải, giữ cho các tuyến đường biển và đường hàng không luôn mở rộng.
Việc Mỹ và các đồng minh như Nhật, Anh, Pháp, Úc...điều tàu tuần tra hoặc diễn tập triên Biển Đông được ghi nhận là diễn ra với tần suất kỷ lục trong năm 2017, bất chấp Trung Quốc luôn lên tiếng phản đối, hăm dọa.
Dự kiến, tàu sân ba mới nhất của Anh HMS Queen Elizabeth sẽ hoạt động cùng với một hải đội tác chiến gồm nhiều khu trục hạm, hộ tống hạm trang bị hệ thống chống ngầm.