Hàng loạt các vụ việc tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý, một số lượng lớn cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp đã bị xử lý nghiêm khắc, thể hiện thái độ kiên quyết, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản tham nhũng ngày càng cao. Những kết quả đó đã từng bước làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên, lấy lại niềm tin tưởng của nhân dân và các cơ quan Đảng và nhà nước, vào sự nghiệp đổi mới đất nước và được quốc tế ghi nhận.
Đại án Phạm Công Danh là một trong số những vụ án nổi cộm có số tiền thất thoát rất lớn nhưng khó thu hồi. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Ngành Thanh tra luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Với chức năng “kép”, vừa là cơ quan thực hiện quyền quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, vừa trực tiếp là lực lượng phát hiện các dấu hiệu tham nhũng thông qua các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội, ngành Thanh tra tiếp nhận và giải quyết các tố cáo, phản ảnh của người dân đối với hoạt động của bộ máy công quyền và những người có chức vụ, quyền hạn. Kết quả công tác thanh tra năm qua cho thấy những con số ấn tượng về các sai phạm đã được phát hiện và xử lý qua công tác thanh tra.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng kết quả đó chưa tương xứng với tình trạng tham nhũng, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng và Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân. Nguyên nhân của tình trạng này một mặt là do năng lực phát hiện sai phạm còn hạn chế, sự bất cập của các quy đinh về tổ chức và hoạt động thanh tra và quyền hạn của cơ quan thanh tra nhưng còn có cả từ những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động của thanh tra.
Thực tiễn cho thấy một trong những hành vi tiêu cực điển hình trong hoạt động thanh tra, và kể cả các hoạt động kiểm tra, kiểm toán, điều tra chính là việc “ăn chia” khoản tiền trong khối tài sản chiếm đoạt được của kẻ tham nhũng và những người mang danh chống tham nhũng, như cách nói của Thủ tướng là việc “vào thấy con voi, ra chỉ còn con chuột!”. Khi phát hiện ra sai phạm của đối tượng, thay vì phải kiên quyết đưa ra ánh sáng để xử lý nghiêm minh thì những kẻ thoái hóa biến chất lại tìm cách mặc cả buộc đối tượng phải đưa những khoản tiền lớn để đổi lại việc mức độ sai phạm được giảm nhẹ thậm chí là ém nhẹm, vô can.
Đã có một số vụ án tham nhũng lớn đã được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Ảnh: Thanh tra Chính phủ.
|
Tại Hội nghị ngành Kiểm sát ngày 16/1/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cán bộ làm công tác chống tham nhũng “phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng”.
Ngược lại, cũng cần kiên quyết đấu tranh với tình trạng “bé xé ra to, con kiến biến thành con voi”, coi những sai sót của người dân và doanh nghiệp, những bất cập trong quy định là cơ hội để tạo sức ép gây phiền hà sách nhiễu, vòi vĩnh quà cáp hối lộ. Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc chính là sự phản ứng mạnh mẽ, kịp thời của Chính phủ đối với tình trạng “tham nhũng vặt” mà các cơ quan nhà nước cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc để góp phần vào quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ với đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy chuyên nghiệp và liêm chính.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra phải lấy xây làm chính, không chỉ là hoạt động “tóm bắt, vạch mặt” mà còn phải chú trọng phát hiện những “lỗi hệ thống” dẫn đến cơ hội cho kẻ tham nhũng lợi dụng, giúp Đảng và Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tạo ra một nền quản trị tốt “không thể tham nhũng”.
Trong thời gian tới, cùng với các lực lượng có chức năng phòng, chống tham nhũng khác, đội ngũ cán bộ thanh tra cần tiếp tục rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chiến đấu, trau dồi trình độ nghiệp vụ để đẩy mạnh cuộc chiến chống “quốc nạn tham nhũng”, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đối mới và kỳ vọng của nhân dân. Chống tham nhũng không chỉ cần có biện pháp mạnh mẽ, cần có “bàn tay sắt” mà trước hết phải có những “bàn tay sạch”, đấu tranh với những hành vi vi phạm bên ngoài nhưng trước hết cũng phải đấu tranh với chính mình để "miễn dịch" với cám dỗ hàng ngày, hàng giờ mà người cán bộ thanh tra phải đối mặt trong trận chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go./.