Không cấm lái xe khi uống rượu, bia– hơn nửa đại biểu Quốc hội muốn gì

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes  – Tôi thật sự hoang mang khi cả 2 phương án có tác dụng hạn chế tác hại của rượu bia đều bị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từ chối khi lấy ý kiến vào chiều 3/6.

Đặc biệt hoang mang hơn khi trong số 441 vị ĐBQH, chỉ có 44,21% vị đồng ý cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật, còn có tới 43,80% vị ĐBQH không đồng ý cấm điều này. Bên cạnh đó, 15 vị ĐBQH không tỏ thái độ.

Điều gì xảy ra vậy? Trước một vấn đề đã được khẳng định là vi phạm pháp luật, mà quá nửa các vị ĐBQH vẫn từ chối bấm nút cấm, là một sự phi lý tận cùng. Vậy các vị muốn gì khi lắc đầu trước việc đưa ra các giải pháp hạn chế tác hại của rượu bia ở tài xế, vốn là nguyên nhân của biết bao cái chết thương tâm của những người vô tội, khiến nhiều gia đình ly tán, tang thương?

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngày 1/5 làm chết 2 người tại đường hầm Kim Liên, Hà Nội. (Nguồn: baogiaothong.vn)
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngày 1/5 làm chết 2 người tại đường hầm Kim Liên, Hà Nội. (Nguồn: baogiaothong.vn)

Trước sự bức xúc của dư luận về việc quá nửa số ĐBQH không bấm nút thông qua việc cấm tài xế uống rượu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông (TNGT). Mà trên thực tế, pháp luật hiện hành đã có quy định về vấn đề này, nhưng do quá bức xúc trước tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia gây TNGT, trong quá trình xây dựng dự Luật, Cơ quan soạn thảo dự Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số đại biểu đã đề nghị tăng chế tài xử lý người uống rượu bia mà lái xe, nhưng sau khi biểu quyết thì kết quả hai phương án là ngang nhau.

Theo Văn phòng WHO tại Việt Nam, tử vong trên thế giới do TNGT liên quan tới rượu bia tới nửa triệu người mỗi năm. Còn ở Việt Nam, trong số các vụ TNGT có liên quan đến rượu, bia, có tới 36% người đi xe máy và 66.8% lái xe ô tô có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép.

Một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức về các ca tử vong do TNGT có liên quan đến rượu bia cho thấy 59% trong độ tuổi 15-29, nam giới chiếm 97%. Đa số là tai nạn nghiêm trọng đến mức 68% nạn nhân có thời gian sống <30p sau tai nạn.

Tuy nhiên, cách giải thích theo kiểu các ĐBQH muốn tăng chế tài xử lý để hạn chế tác hại của rượu bia sẽ được hiểu thế nào đây, khi mà cả 2 phương án về thời gian cấm bán rượu, bia từ 22h đến 8h sáng hôm sau, hoặc không quy định thời gian bán rượu, bia, cũng đều không được nhất trí?

Thôi thì cứ cho là người dân hiểu sai việc Quốc hội không muốn cấm lái xe uống rượu, nhưng đến chính Bộ trưởng Bộ Công an, cũng là một ĐBQH tham gia trong quá trình xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu bia, cũng đã hiểu như vậy. Chỉ một ngày sau khi các ĐBQH biểu quyết, trả lời chất vấn trên nghị trường về xử lý đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giãi bày rằng, việc chỉ có chưa đến 50% đại biểu đồng ý luật hóa quy định cấm uống rượu bia khi lái xe, sẽ gây khó khăn cho lực lượng công an, khi tới đây sẽ không có việc đo nồng độ cồn nữa. Bởi sau khi kết quả biểu quyết tại Quốc hội được công bố, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gặp khó khăn, thậm chí có thể một số lái xe phản ứng việc đo nồng độ cồn.

Rõ ràng, với kết quả biểu quyết ở Quốc hội thì dù hiểu theo cách nào, vẫn có một quá nửa số ĐBQH không muốn cấm việc sử dụng rượu bia khi lái xe, không muốn cấm bán rượu vô tội vạ.

Vì thế, cá nhân tôi thật sự không hiểu các vị ĐBQH đã nghĩ gì, khi bấm nút từ chối việc cấm lái xe sử dụng rượu quá mức cho phép, cũng như từ chối luật hóa việc bán rượu theo giờ? Khi nồng độ cồn đã vượt mức quy định của pháp luật mà đa số các ĐBQH vẫn không đồng ý cấm lái xe, tức là các vị ấy muốn trên đường sẽ đầy những kẻ say rượu cầm lái và khi đó, tính mạng của bất cứ ai cũng bị đe dọa?

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục có những chiếc “xe điên” đâm vào người vô tội và sẽ có vô vàn những vành khăn trắng với những đám tang trên đất nước này. Nếu chính các vị không quan tâm đến tính mạng, sức khỏe của mình và gia đình mình, thì tùy, nhưng trên cương vị là những người lập pháp, các vị cần nghĩ đến số phận của bao người dân vô tội sẽ gặp nguy hiểm vì những tay “bợm rượu” lái xe, để đưa ra những chính sách bảo vệ người dân một cách bền vững, thay vì nhìn lợi ích cỏn con trước mắt.

Tôi không tin vào những lời lan truyền trên mạng rằng ngành công nghiệp rượu bia rất tích cực bỏ tiền “vận động hành lang” trong suốt quá trình xây dựng luật, nhằm “mềm hóa” dự Luật như hiện nay và vẫn còn tiếp tục ngáng trở những điều khoản hạn chế tác hại của rượu bia một cách mạnh mẽ! Tôi không tin vì tôi nghĩ, các vị ĐBQH là đại diện của dân, lại có hiểu biết pháp luật, hiểu rõ vai trò và vị trí của mình đối với xã hội, thì không ai lại vô liêm sỉ, thiếu đạo đức đến mức để các doanh nghiệp rượu bia “cầm tay chỉ lối” như thế!

Xin được trích tâm sự của một nhà báo tên tuổi trước kết quả biểu quyết của các ĐBQH chiều 3/6 để kết thúc bài viết này: “Khi "trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật" mà đa số ĐBQH vẫn không đồng ý, chỉ có 44,21% ĐBQH đòi cấm lái xe thì rất là khó hiểu…Tôi không biết ngành rượu bia có "lobby" hay không, mà có tới hơn 50% ĐBQH quay lưng với nguy cơ người lái xe uống rượu bia. Tôi cũng không cáo buộc gì, chỉ lấy làm lo lắng.”

Một số vụ tai nạn giao thông thảm khốc do tài xế sử dụng rượu bia:

1. Vào 0h10 sáng 1/5/2019, tại hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội), xe ô tô Mercedes mang BKS 30F-154.78 do Lê Trung Hiếu lái đã va chạm với xe máy không biển số, khiến 2 người phụ nữ ngồi trên xe máy tử vong tại chỗ. Hiếu khai nhận trước khi xảy ra tai nạn đã uống 6 chai bia và rượu.

2. Đêm 22/4/2019, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống rất nhiều bia đã lái xe ôtô 7 chỗ tông vào chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng. Sau đó, Tuyên tiếp tục đâm vào một xe máy và chiếc ô tô khác. Vụ tai nạn khiến chị Hà tử vong tại chỗ, người đi xe máy bị thương.  Kết quả đo nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Tuyên cao gấp gần ba lần mức được phép.

3. Chiều 13/2/2019, tài xế Nguyễn Tiến Duy lái chiếc Fortuner đâm vào xe chở khách 16 chỗ do tài xế Trần Huy Sỹ điều khiển. Vụ tai nạn khiến 12 người nhập viện, trong đó ba người tử vong và ba người khác bị thương nặng. Cả 2 tài xế đều có nồng độ cồn quá mức cho phép trong máu.

4. 15h30 phút ngày 2/1/2019, tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) xe công-ten-nơ do Phạm Thành Hiếu điều khiển đã lao thẳng vào những người dừng chờ đèn đỏ, khiến bốn người chết, 18 người bị thương. Kết quả kiểm tra cho thấy, lái xe đã sử dụng bia rượu và dương tính với ma túy.

5. Trưa 11/4/2019 tại Bình Định, xe Lexus bảy chỗ do tài xế Nguyễn Đức Huyện lao thẳng vào đoàn người trong Đội dịch vụ tang lễ, khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn của tài xế cho thấy anh ta đã sử dụng rượu bia trước khi lái xe.