Sẽ buộc thôi việc, thu bằng lái, phạt tiền đến 100 triệu nếu lái xe uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng?

VietTimes -- Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ quan điểm thống nhất quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet, đồng thời đề nghị mức xử phạt từ xử lý hành chính cho thôi việc, thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền đến 100 triệu nếu lái xe uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng.
ĐBQH đề nghị cần giảm thiểu sử dụng rượu bia để tránh việc người sử dụng rượu bia vướng vào vòng lao lý, không kiểm soát và ai cũng trở thành phạm nhân hay tội phạm.
ĐBQH đề nghị cần giảm thiểu sử dụng rượu bia để tránh việc người sử dụng rượu bia vướng vào vòng lao lý, không kiểm soát và ai cũng trở thành phạm nhân hay tội phạm.

Sáng nay, Quốc hội có phiên thảo luận sôi nổi ngay từ đầu với các nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia như: quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia,...

Hơn 80% đồ uống quảng cáo cho trẻ dưới 16 tuổi có chứa cồn

Từ tình trạng tai nạn, tội phạm, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em do tác hại của rượu bia, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn ĐBQH Phú Yên đề nghị, cần giảm thiểu sử dụng rượu bia để tránh việc người sử dụng rượu bia vướng vào vòng lao lý, không kiểm soát và ai cũng trở thành phạm nhân hay tội phạm.

“Qua khảo sát các trẻ từ 12-16 tuổi cho thấy có 83% liệt kê có sử dụng đồ uống có cồn. Nhưng nguy hại hơn, 80% trẻ em cho rằng sản phẩm quảng cáo là nước trái cây có ga, nước lên men. Nếu không muốn nói quảng cáo tự do đánh tráo khái niệm, thì điều này đã trái với việc nghiêm cấm, cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe đã được nêu trong quy định của Luật”  - ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho biết.

Cùng với đó, các đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng.

Các ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương), Nguyễn Văn Tuyết (Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) và nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở trên internet.

Đặt vấn đề về tình trạng phổ biến của Internet, tình trạng “vẽ đường cho hươu chạy”, đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương nêu ý kiến: “Báo cáo giải trình chỉ đề cập cân nhắc quy định cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc nguy cơ tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội. Nếu cho rằng các điều khoản phải vừa vặn với nguồn lực hiện có nhằm đảm bảo tính khả thi thì việc cấm bán bia trên Internet có đòi hỏi nguồn lực quá sức không".

Ông đặt vấn đề, rằng Ban soạn thảo chưa cân nhắc được hết nguy cơ khi nguồn lực hiện có chưa đảm bảo nhưng lại phép bán bia trên Internet, trong khi biện pháp thì không thể. Ông cho rằng, đây là sự mâu thuẫn.

Đề nghị "mạnh tay" với rượu lậu và rượu thủ công

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình thì nhìn nhận tác hại của rượu bia về tình trạng lái xe uống rượu bia gây tai nạn làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đề nghị mức xử phạt từ xử lý hành chính từ phê bình đến cho thôi việc, thu hồi bằng lái từ 1-5 năm thậm chí thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền đến 100 triệu nếu uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình.

Ông thẳng thắn đặt trách nhiệm, rượu bia là nguyên nhân liên quan đến rối loạn tâm thần, người lái xe gây tai nạn giao thông, gây tổn thương về cả tinh thần, tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác.

"Làm cho bản thân dẫn vào vào lao lý. Chuyển đổi mạng sống đến với bệnh tật như tim mạch, xơ gan, ung thư, gây hậu quả tử vong do tác hại của rượu bia. Nếu không có giải pháp phòng chống tác hại của rượu bia sẽ đe dọa trực tiếp đến người sử dụng", ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng điểm này là vô cùng quan trọng, khi Luật được ban hành người dân đọc sẽ có thay đổi nhận thức.

Đề cập thực trạng, rượu thủ công và rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ mặc dù đang chiếm khoảng 70% thị trường rượu nhưng chưa được quản lý và là nguyên nhân gây ngộ độc thời gian qua, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần quy định điều khoản cụ thể chặt chẽ về biện pháp quản lý các loại rượu này. Để tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, ĐBQH Phạm Văn Tân, đoàn Thái Bình đặt vấn đề về việc ngân sách nhà nước thất thu đối với loại hình này.

"Nếu quản lý tốt rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, thì ngân sách có thể có nguồn thu bổ sung kinh phí góp phần thực hiện tốt các nội dung để thực hiện các quy định của luật này”, ĐBQH Phạm Văn Tân nói.