Khoa học

Khoa học gia Trung Quốc chỉnh sửa gene người khiến thế giới chấn động

VietTimes -- Ngày 26.11, trang web của Nhân dân Nhật báo bất ngờ đưa tin “Đứa trẻ được chỉnh sửa gene đầu tiên miễn dịch với HIV-AIDS trên thế giới đã ra đời ở Trung Quốc”. Theo đó, nhà khoa học Hạ Kiến Khuê ở Thâm Quyến một ngày trước khi Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về chỉnh sửa gene khai mạc tại Hongkong đã thông báo cho ra đời thành công một cặp bé gái đã được chỉnh sửa gene trong tháng 11 khiến các em hoàn toàn miễn dịch với HIV-AIDS. Bài báo cho đây là thành tựu đáng tự hào, tuy nhiên phản ứng của giới khoa học trong, ngoài Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược.
Việc chỉnh sửa gene bị phản đối và cấm thực thi ở nhiều nơi trên thế giới do tính rủi ro và vấn đề đạo đức.
Việc chỉnh sửa gene bị phản đối và cấm thực thi ở nhiều nơi trên thế giới do tính rủi ro và vấn đề đạo đức.

Thành tựu hay thảm họa khoa học?

Tờ Tân Kinh Báo của Bắc Kinh thông tin rõ thêm: “Một cặp song sinh được chỉnh sửa gene giới tính nữ là Lulu và Nana đã ra đời khỏe mạnh tại Trung Quốc trong tháng 11. Một gene của hai bé gái này đã được chỉnh sửa để sau khi ra đời các em có khả năng đề kháng HIV-AIDS bẩm sinh. Đây là những trường hợp trẻ em chỉnh sửa gene để kháng HIV-AIDS đầu tiên trên thế giới; cũng có nghĩa là Trung Quốc đã thực hiện được đột phá mang tính lịch sử trong lĩnh vực kỹ thuật chỉnh sửa gene để đề kháng bệnh tật”.

Sự kiện này được đưa tin đã lập tức gây chấn động dư luận. Được biết, “thành tựu khoa học”này được tạo nên bởi nhóm nghiên cứu của Phó giáo sư Hạ Kiến Khuê ở Khoa Sinh vật, Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương; công trình này được Bệnh viện Phụ - Nhi Hòa Mỹ Thâm Quyến xem xét phê duyệt về vấn đề luân lý (đạo đức).

Theo Tân Kinh Báo thì, nhóm nghiên cứu đã chỉnh sửa gene CCR5 là tác nhân giúp virus HIV xâm nhập cơ thể người. Có tới 10% số người Bắc Âu bẩm sinh đã khiếm khuyết gene này; những người đột biến không có gene CCR5 có thể đóng kín cánh cửa lây nhiễm HIV-AIDS, khiến loại virus này không thể xâm nhập tế bào cơ thể, tức là có khả năng miễn dịch bẩm sinh với HIV-AIDS. Ông Khuê có ý định sẽ trưng bày, giới thiệu số liệu và kết quả nghiên cứu của nhóm đối với bào thai chuột, khỉ và người tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần 2 về chỉnh sửa gene người họp ở Hongkong từ ngày 27 tới 29.11.

Ông Hạ Kiến Khuê và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.
Ông Hạ Kiến Khuê và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.

Phản ứng dữ dội cả trong, ngoài Trung Quốc

Sau khi tin này được các cơ quan truyền thông đưa rộng rãi, lập tức gây nên tranh cãi lớn về tính an toàn và đạo đức do đây là sự kiện liên quan đến vấn đề chỉnh sửa gene. Ủy ban quốc gia về Y tế và sức khỏe Trung Quốc (tức Bộ Y tế) đã lập tức ra tuyên bố trên trang web chính thức, bày tỏ “coi trọng cao độ đến thông tin này, đồng thời yêu cầu Ủy ban Y tế và sức khỏe tỉnh Quảng Đông điều tra xác thực, xử lý vụ việc theo pháp luật và quy định trên tinh thần có trách nhiệm cao trước sức khỏe của nhân dân và theo nguyên tắc khoa học, kịp thời báo cáo công khai trước cộng đồng xã hội”.

Ủy ban Y tế và sức khỏe tỉnh Quảng Đông cũng tuyên bố quan tâm cao độ đến sự kiện này và cho biết đã tổ chức lực lượng tiến hành điều tra. Ngoài ra, trang weibo chính thức của ủy ban cũng đưa tin: Ủy ban chuyên gia về đạo đức y học thành phố Thâm Quyến cũng cho biết đã khởi động cuộc điều tra về vấn đề đạo đức của sự kiện này.

Ủy ban sáng tạo Khoa học kỹ thuật thành phố Thâm Quyến cùng ngày 26.11 cũng đã ra “Tuyên bố về tình hình xung quanh công trình chỉnh sửa gene của Hạ Kiến Khuê”. Tuyên bố nêu rõ: qua kiểm tra, Ủy ban chúng tôi chưa có kế hoạch tài trợ các đề tài nghiên cứu tự do “Chỉnh sửa gene CCR5” và “Đánh giá về tính an toàn và hiệu quả của chỉnh sửa gene CCR5 miễn dịch với HIV-AIDS”. Chúng tôi cũng chưa từng tài trợ cho các hạng mục, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này của Hạ Kiến Khuê, Đàm Kim Châu ở Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương và Bệnh viện Phụ - Nhi Hòa Mỹ Thâm Quyến.

Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương, nơi Hạ Kiến Khuê công tác cũng ra tuyên bố: nhà trường không hề biết về việc nghiên cứu này và “bày tỏ rất kinh ngạc”. Bản tuyên bố được đăng tải trên web site của trường viết: “Nhà trường không hề hay biết về việc Phó giáo sư Hạ Kiến Khuê tiến hành nghiên cứu chỉnh sửa gene trên bào thai người. Ủy ban học thuật Khoa Sinh vật cho rằng việc này vi phạm nghiêm trọng đạo đức học thuật và quy phạm học thuật”.

Tuyên bố của Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương khẳng định: nhóm của Hạ Kiến Khuê đã tiến hành nghiên cứu bên ngoài nhà trường, không báo cáo nhà trường và Khoa Sinh vật nên nhà trường và khoa đều không hề hay biết. Nhà trường đã lập tức mời các chuyên gia có quyền uy thành lập một ủy ban độc lập tiến hành điều tra sâu rộng về vụ việc này, sau khi có kết quả sẽ công bố rộng rãi.

Tuyên bố chung của 122 nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, thử nghiệm trên bào thai để tạo ra hài nhi cải tạo gene trước khi được tiếp tục kiểm nghiệm nghiêm túc thêm đều tồn tại nguy cơ rất lớn.
Tuyên bố chung của 122 nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, thử nghiệm trên bào thai để tạo ra hài nhi cải tạo gene trước khi được tiếp tục kiểm nghiệm nghiêm túc thêm đều tồn tại nguy cơ rất lớn. 

Cũng ngay trong ngày 26.11, 122 nhà khoa học, học giả hàng đầu Trung Quốc đến từ Viện Khoa học Trung Quốc, các trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Phục Đán, Khoa học kỹ thuật Trung Quốc, Chiết Giang, Tây Nam, Thượng Hải, Quân y, Y khoa Thủ đô, Viện nghiên cứu khoa học sinh mạng Bắc Kinh, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford..v.v.. đã cùng nhau ký tên vào bản “Tuyên bố chung của các khoa học gia” rồi đưa lên mạng weibo và được nhiều cơ quan truyền thông đăng tải; kiên quyết phản đối và kịch liệt lên án công trình nghiên cứu của nhóm Hạ Kiến Khuê. Bản tuyên bố cho rằng, việc trực tiếp thử nghiệm trên cơ thể người chỉ có thể gọi là hành vi “ngông cuồng”.

Kỹ thuật gọi là CRISPR/Cas9 cho phép “cắt và dán” gene một cách chính xác, giúp các nhà khoa học loại bỏ và thay thế các phần DNA trong phôi theo ý muốn hiện đang còn tranh cãi rất lớn trong nội bộ giới khoa học về tính chuẩn xác và hiệu quả khoa học. Mọi hành vi trực tiếp tiến hành thử nghiệm trên bào thai để tạo ra hài nhi cải tạo gene trước khi được tiếp tục kiểm nghiệm nghiêm túc thêm đều tồn tại nguy cơ rất lớn. Kỹ thuật này đã có thể thực hiện từ lâu, không có chút sáng tạo hay giá trị khoa học nào. Các nhà khoa học trên thế giới không làm, không dám làm chính là vì không đảm bảo độ chính xác, độ rủi ro cao và quan trọng hơn là vấn đề đạo đức và ảnh hưởng xã hội.

Tuyên bố cho rằng, hành vi của nhóm Hạ Kiến Khuê là đòn chí mạng giáng vào danh dự và sự phát triển của giới khoa học Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu khoa học sinh vật trên toàn cầu, là sự bất công đối với tuyệt đại đa số các nhà khoa học Trung Quốc cần cù sáng tạo và giữ vững đạo đức khoa học.

Bản tuyên bố kết luận: “Chúng tôi kêu gọi cơ quan giám sát quản lý và đơn vị nghiên cứu liên quan cần nhanh chóng ra quy định giám quản và điều tra, xử lý toàn diện vụ việc này, kịp thời công bố các thông tin tiếp theo. Chiếc hộp Pandora đã được mở, trước khi không thể cứu vãn, chúng ta vẫn còn cơ hội đóng nó lại”.

“Thành tựu” của Hạ Kiến Khuê đã lập tức gây nên phản ứng dữ dội trong giới khoa học thế giới. Đài Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) ngày 26.11 đưa tin, ông Peter Dabroc, nhà thần học, Chủ tịch Hội đồng đạo đức khoa học Đức đã lên tiếng cho rằng, hành vi này là sự sỉ nhục khoa học, “thí nghiệm vô trách nhiệm”, “thảm họa rất lớn đối với giới khoa học”. Ông nói: “ngày mai giới khoa học toàn cầu họp ở Hongkong thảo luận về thái độ, trách nhiệm của việc chỉnh sửa gene, hôm nay công bố kết quả thử nghiệm này chỉ có thể là sự miệt thị đối với những người có trách nhiệm trong khoa học”. Ông Peter Dabroc cũng kêu gọi giới chính trị hãy quan tâm đến vấn đề này, nói: “Trước tình hình xuất hiện ở Trung Quốc, cần phải xem xét lập ra cơ quan giám sát quản lý giống như Cơ quan  Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) vậy”.

Theo Financial Times, Giáo sư chuyên ngành Bào thai nhân loại học Joyce Harper của University College London cho rằng, nội dung mà Hạ Kiến Khuê công bố là “quá sớm, nguy hiểm và thiếu trách nhiệm”.

Trang tin Đa Chiều cho biết, Giáo sư Dianne Nicol, Chủ nhiệm Trung tâm Pháp luật và Di truyền học (Centre for Law and Genetics) của Đại học Tasmania (Australia) cho rằng, việc tiến hành chỉnh sửa gene của thế hệ sau là “rất có vấn đề với xã hội”. Bà nói: “Thế hệ sau không có khả năng đồng ý (vì họ chưa ra đời); cho nên chỉ có thể dựa vào sự đồng ý của cha mẹ họ”. Bà cảnh cáo: “Sự nguy hiểm của việc chỉnh sửa gene về cơ bản có thể dự đoán được”.

Chuyên gia về công trình gene Kiran Musunuru cho rằng, việc làm thực nghiệm chỉnh sửa gene trên cơ thể người là “không thể chấp nhận về luân lý, đạo đức”.
Chuyên gia về công trình gene  Kiran Musunuru cho rằng, việc làm thực nghiệm chỉnh sửa gene trên cơ thể người là “không thể chấp nhận về luân lý, đạo đức”.

Cũng theo Đa Chiều, chuyên gia về công trình gene Kiran Musunuru của Đại học Pennsylvania cho rằng: “Bản thân việc chỉnh sửa gene mới đang ở giai đoạn thử nghiệm, tồn tại sự đột biến, sai lệch, có thể gây nên các bệnh về gene sau khi sinh và trong cuộc sống sau này. Phương pháp phòng ngừa HIV-AIDS của người khỏe mạnh rất nhiều, ví dụ biện pháp phòng ngừa khi quan hệ tình dục, khi nhiễm HIV-AIDS cũng đã có biện pháp trị liệu hiệu quả. Thử nghiệm của Hạ Kiến Khuê trên cơ thể người mang lại nguy hiểm cho sức khỏe của các bé gái mà không có ích lợi thực tế hay cần thiết. Hành vi này là phi pháp và có thể bị cấm tiến hành ở nhiều quốc gia”.

Ông cho rằng, việc làm thực nghiệm như thế trên cơ thể người là “không thể chấp nhận về luân lý, đạo đức”. Đồng thời bày tỏ nghi ngờ về cái gọi là “khả năng đề kháng với HIV-AIDS bẩm sinh” của 2 bé gái và cho rằng trong tương lai các bé có thể đối mặt với những nguy hiểm về tính mạng.

Hạ Kiến Khuê đã chỉnh sửa gene thế nào?

Theo Hãng tin AP, khi trả lời phỏng vấn, ông Hạ Kiến Khuê nói, ông cảm thấy bản thân có trách nhiệm rất lớn, không chỉ là tạo ra được đứa trẻ đã được chỉnh sửa gene mà còn khiến đây trở thành một trường hợp mẫu mực.

Hạ Kiến Khuê giới thiệu, nhóm 8 người của ông đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene có tên “CRISPR/Cas9”. Kỹ thuật này có thể định vị chính xác và tiến hành tu sửa gene, nên còn được gọi là “phẫu thuật gene”. Mục tiêu của kỹ thuật này là tiến hành “biên tập” lại gene, tiến hành cắt bỏ và chắp vá thêm vào những đoạn DNA đặc biệt, có ưu thế vượt trội so với các loại kỹ thuật khác, có thể chỉnh sửa hữu hiệu nhất, nhanh gọn nhất bất cứ gene nào. Kỹ thuật CRISPR/Cas9 không chỉ chỉnh sửa thai nhi, loại bỏ các bệnh di truyền, mà về lý thuyết thậm chí có thể thay đổi diện mạo, giúp các bậc cha mẹ “thiết kế” đứa con tương lai của họ.

Chính vì vậy, kỹ thuật CRISPR/Cas9 bị giới khoa học coi là vùng cấm. Viện nghiên cứu Y tế quốc gia Mỹ (National Institutes of Health - NIH) từng tuyên bố: tiền vốn của chính phủ liên bang không thể đem chi cho bất cứ kỹ thuật chỉnh sửa gene đối với bào thai người nào.

Năm 2015, Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia đã tổ chức hội nghị chuyên đề tại Washington và đạt được thỏa thuận chung, cho phép tiến hành nghiên cứu cơ sở, nhưng nhấn mạnh cách làm đưa kỹ thuật này vào ứng dụng lâm sàng là thiếu trách nhiệm, lần đầu tiên hoạch định lằn ranh đỏ cho việc nghiên cứu chỉnh sửa gene.

Khi được hỏi về vấn đề cho phép hay cấm chỉnh sửa gene, Hạ Kiến Khuê nói: “Xã hội sẽ quyết định bước tiếp theo nên làm như thế nào”. Bà Jennifer Doudna, nhà sinh vật học ở Đại học California là một trong 2 nữ khoa học gia Mỹ đã phát kiến ra kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR/Cas9. Khi trả lời báo chí, bà nhiều lần nói sau khi phát hiện ra kỹ thuật này bà đã gặp ác mộng. Trong giấc mộng đó, bà được một nhân vật quan trọng mời đến gặp để nói chuyện về kỹ thuật này. Bà vui vẻ nhận lời, nhưng khi đến nơi thì mới phát hiện ra, nhân vật quan trọng muốn tìm hiểu về kỹ thuật chỉnh sửa gene ấy chính là… Adolf Hitler!

Ông Hạ Kiến Khuê (phải) và các đồng sự tại Công ty khoa học sinh vật Direct Genomics Thâm Quyến do ông thành lập.
Ông Hạ Kiến Khuê (phải) và các đồng sự tại Công ty khoa học sinh vật Direct Genomics Thâm Quyến do ông thành lập.

Hạ Kiến Khuê – nhà khoa học mơ trở thành “Albert Einstein của Trung Quốc”

Một người từng là cộng sự của Hạ Kiến Khuê nói với phóng viên tờ “Giới diện”: “Nói về Hạ Kiến Khuê thì chỉ cần ba từ: thông minh, thiên tài và ngông cuồng”. Trước khi tuyên bố cho ra đời thành công trường hợp trẻ chỉnh sửa gene miễn dịch với HIV-AIDS đầu tiên trên thế giới, người bình thường chưa mấy ai biết đến cái tên Hạ Kiến Khuê. Nhưng người trong giới thì cho biết cái tên này rất nổi trong giới nghiên cứu chỉnh sửa gene, “trong giới ai cũng biết ông ta”.

Tư liệu công khai không thấy nói Hạ Kiến Khuê sinh năm nào, chỉ cho biết ông ta quê Hồ Nam, năm 2006 tốt nghiệp khoa Vật lý cận đại, Đại học Khoa học kỹ thuật Trung Quốc; năm 2010 lấy được bằng Tiến sĩ Vật lý sinh vật Đại học Rice University (Mỹ), trong thời gian này đã cùng Giáo sư Michael Deem nghiên cứu về vật lý sinh vật. Từ 2011 đến 2012 làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Viện Đại học Stanford, trong thời gian này ông nghiên cứu về gene cùng Giáo sư khoa Công trình sinh học Stephen Quake, rồi về giảng dạy tại Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương. Từ 1.2.2018 ông được nhà trường cho giữ chức nhưng thôi nhận lương (tạm nghỉ không nhận lương) đến tháng 1.2021. Tháng 7.2012 Hạ Kiến Khuê đã thành lập Công ty hữu hạn Khoa học kỹ thuật Sinh vật Direct Genomics Thâm Quyến, từ đó về sau ông còn trở thành cổ đông và đại biểu pháp nhân của nhiều công ty.

“Giới diện” cho biết, hiện Hạ Kiến Khuê là Phó giáo sư khoa Công trình sinh vật Đại học Khoa học kỹ thuật Nam Phương. Ông trở thành Phó giáo sư trẻ nhất trường này khi mới 28 tuổi. Báo chí cho biết, Hạ Kiến Khuê từng tuyên bố: “Lý tưởng lớn nhất của tôi là trở thành Albert Einstein của Trung Quốc”.

Về “thành tựu” của Hạ Kiến Khuê và các đồng sự, “Giới diện” cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sửa đổi gene CCR5 - tác nhân mở cửa cho virus HIV xâm nhập vào tế bào. Để sửa được gene CCR5, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật CRISPR/Cas9 “cắt và dán” gene một cách chính xác, giúp loại bỏ và thay thế các phần DNA trong phôi gần như theo ý muốn. Bằng cách này, Hạ Kiến Khuê và các đồng sự hy vọng hai đứa trẻ có thể miễn dịch với HIV-AIDS trong suốt cuộc đời.