Khi tiền thành phí của niềm tin

Con người ta không thể sống trong đời mà không có một niềm tin. Niềm tin giúp tạo ra động lực sống, là chỗ dựa tinh thần, an ủi, khích lệ… giúp con người vượt qua những thử thách, khó khăn của cuộc đời. Ai cũng cần có cho mình một niềm tin và đôi khi bạn phải tin vào niềm tin của người khác trong lúc chờ tìm được niềm tin của mình.
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đi lễ chùa là một cách để con người có được niềm tin, rằng sẽ có đấng tối cao đầy quyền năng phù hộ độ trì, giúp mình thoát khỏi mọi tai ương, có thể sống bình an, hạnh phúc. Ai cũng muốn được tin thánh thần, phật pháp… những quyền lực phi phàm trong vũ trụ sẽ che chở, đem lại công bằng, đem lại sức mạnh để giúp mình vượt qua cuộc sống đầy bất trắc này. Không chỉ con người thưở xa xưa khi khoa học chưa phát triển mà con người hiện đại của ngày hôm nay, vẫn luôn cần những niềm tin trong tâm linh ấy để dựa vào.

Chỉ cần một nén hương và tấm lòng thành là bạn có thể vào chùa, cúi mình trước khói hương mà khấn nguyện để rồi thanh thản bước ra với một niềm tin tâm linh cho mình. Ngày xưa, các bà các mẹ thường chải tóc soi gương, ăn mặc chỉnh tề, nghiêm ngắn xách làn trái cây nhỏ, dắt theo con gái thong thả lên chùa. Trong chùa thỉnh thoảng có người đặt lên chiếc đĩa thờ chút bạc lẻ với ý góp vào việc mua hương, nến vì nhà chùa phải hương khói quanh năm, gọi là tiền giọt dầu.

Bây giờ, dường như cách đi chùa đã khác. Đi chùa không thể không mang theo tiền. Trong mỗi ngôi chùa giờ có rất nhiều hòm quyên tiền. Cảnh tượng đầu tiên thường gặp khi bước vào chùa, nhất là vào dịp đầu năm mới, là người người trên tay cầm một xấp tiền mới. Nghèo thì tiền mệnh giá nhỏ, giàu thì tiền mệnh giá to, đi đến đâu người ta thi nhau đặt tiền đến đấy. Tiền được giắt cả vào tay, chân tượng Phật và tượng các quan, thậm chí vào khe cửa gần Tam bảo. Những lúc nhà chùa chưa kịp cho người đi gom, tiền vương vãi lả tả trên ban thờ. Gương mặt những người nhiều tiền có thần thái tự tin hơn những người ít tiền.

Đó là nhà chùa, còn ở bệnh viện, nơi con người ta chỉ đến khi ốm đau và cần có một niềm tin rằng mình sẽ được tận tình cứu chữa, cảnh tượng cũng tương tự. Chúng ta cũng biết, không một bệnh viện nào có quy định bệnh nhân khi đến viện phải có tiền bồi dưỡng cho bác sĩ. Rất nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế nói rằng họ hoàn toàn bị động trong việc nhận tiền của bệnh nhân và đó là sự thực. Gia đình bệnh nhân thường chủ động, thậm chí tìm mọi cách để được bác sĩ nhận tiền như cậy nhờ người thân hoặc quen biết bác sĩ. Chỉ đến khi bác sĩ nhận tiền họ mới yên tâm điều trị, mới tin mình sẽ được tận tình cứu chữa.

Chưa kể để có được niềm tin rằng mình cũng có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, được ghi nhận những đóng góp trong công việc; để chắc chắn rằng mình sẽ không bị ác cảm, trù dập, sẽ được phán xét công bằng khi chẳng may phạm phải khuyết điểm; thậm chí muốn sửa nhà mà không bị cản trở, gây khó khăn, muốn li hôn mà không bị thiệt thòi… tất cả, đều phải có chút tiền để hối lộ, để đút lót.

Cứ như thế, không biết từ bao giờ, tiền đã thành một thứ phí của niềm tin. Khi tiền thành phí của niềm tin, đương nhiên người ít tiền sẽ chẳng lấy đâu ra niềm tin để mà sống, mà vượt qua những rủi ro, thử thách trong cuộc đời, còn kẻ lắm tiền sẽ dễ dàng có được mọi niềm tin, mà trước hết là niềm tin vào sức mạnh vô địch của đồng tiền. Và niềm tin này trở thành động lực để có người tìm cách kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả việc chà đạp lên đạo lý, sinh mạng của người khác.

Theo Dân trí

Theo Dân trí