Một lần nữa, vàng lại lên tiếng. Sau một thời gian dài im ắng “nằm vùng” trong khoảng 35-36 triệu, tuần qua giá vàng đã có thời điểm vượt qua mức 40 triệu đồng/lượng. Điều đáng quan ngại là kịch bản cũ đang lặp lại: trong khi giá vàng thế giới tăng trong vòng một tuần chưa đến 2%, thì tốc độ tăng trên thị trường nội địa là khá lớn (hơn 8%), chênh lệch giá gần 3 triệu đồng/lượng, thậm chí chênh nhau giữa giá mua và bán lên đến 1 triệu đồng/lượng.
Hiện tượng này có khả năng kích hoạt tâm lý bất ổn, đầu cơ lan rộng, kể cả phát sinh tình trạng buôn lậu vàng, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường trên thị trường tiền tệ và ảnh hưởng xấu đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Phân tích nguyên nhân cho thấy nguồn cơn chính dẫn đến hiện tượng giá vàng “đảo chiều mạnh” hầu như không phải xuất phát từ biến động thị trường trong nước mà chủ yếu do tác động mạnh từ thị trường quốc tế, đặc biệt sau vụ việc Brexit.
Bên cạnh đó, tiếp nối những kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam về việc tháo gỡ các “rào cản” trong kinh doanh vàng, một loạt ý kiến khác yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trả lại “quyền huy động vàng”, cho phép thành lập sở giao dịch vàng với lý lẽ cần khơi thông vàng cất trữ trong dân, tăng nguồn lực vốn cho sản xuất kinh doanh, cho dù những tổn thất vô cùng lớn trong những năm trước đây do buông lỏng kiểm soát đầu cơ vàng đến nay vẫn chưa khắc phục xong...
Luồng dư luận này đã có tác động “đánh thức sự trỗi dậy” của vàng trong nền kinh tế, vốn dĩ lâu nay vẫn còn đang trong trạng thái “ngủ yên”. Yếu tố tâm lý bị kích thích từ thị trường quốc tế, cộng hưởng với tác động từ chiến dịch truyền thông liên tục về việc khôi phục vai trò vị thế vàng trên thị trường vốn, mặc dù vẫn chưa ngã ngũ đến đâu, chưa có căn cứ để kiểm nghiệm đánh giá, là căn nguyên chính dẫn đến hiện tượng sốt giá trong những ngày gần đây.
Kinh nghiệm điều hành thị trường tiền tệ nói chung, thị trường vàng nói riêng, vào những thời điểm có biến động mạnh nhiều năm qua cho thấy vai trò “cầm trịch” của nhà quản lý là rất quan trọng. Trên lĩnh vực hết sức nhạy cảm này, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải luôn ở tâm thế “vượt trên ngăn chặn”, chủ động phát ngôn chính thức, ra tay can thiệp kịp thời nhằm lèo lái dư luận, bình ổn thị trường, kiểm soát tốt tình hình.
Tính kiên định nhất quán trong điều hành chính sách không mâu thuẫn với khả năng ứng xử linh hoạt, không đồng nghĩa với sự bảo thủ cứng nhắc, bỏ qua lắng nghe dư luận, sớm nắng chiều mưa, mà quan trọng là ở chỗ biết vận dụng hợp lý chức năng giải trình, qua đó tạo ra sự đồng thuận cao trong cộng đồng xã hội, giải tỏa những khúc mắc, kể cả điểm danh những “góc khuất” có khả năng bị giới đầu cơ lợi dụng để gây bất ổn thị trường.
Thực tiễn cho thấy, uy lực của vàng là không thể nghi ngờ. Dù có trải qua bao nhiêu cung bậc thăng trầm của thời cuộc, nhưng với tư cách là “phương tiện cất trữ” không thể thay thế vàng luôn giữ vững tư thế “làm chủ cuộc chơi” mỗi khi tình hình có biến động bất thường.
Mong mỏi của giới kinh doanh tài chính muốn đưa vàng sớm quay trở lại quỹ đạo thị trường vốn có vẻ là ý tưởng hay, hấp dẫn, nhưng không hẳn là tốt cho toàn bộ nền kinh tế. Không nên nhìn bề ngoài để vội kết luận rằng lượng vàng đang “cố thủ” trong dân (theo dự đoán có thể lên đến 500 tấn, tương đương 20 tỉ đô la Mỹ) là sự lãng phí nguồn lực ghê gớm? Bởi lẽ mục tiêu rất đơn giản của người dân chính là phòng ngừa rủi ro. Lý lẽ này hoàn toàn hợp lý, tự nhiên và nhân bản. Nhiều khi đó lại là tấm đệm cần thiết để góp phần “giảm sốc” cho chính bản thân, gia đình họ và cho cả nền kinh tế mỗi khi lâm vào tình huống khó khăn, khủng hoảng.
Ở góc độ an ninh kinh tế, có thể xem đó như là “tài nguyên hay của để dành” dự phòng cho đất nước, khi cần lắm mới mang ra sử dụng. Mặt khác, theo nguyên lý bình thông nhau, một khi niềm tin vào giá trị đồng nội tệ được củng cố và lên ngôi, ngay lập tức vàng sẽ tự chuyển hóa sang nhiều kênh đầu tư khác nhau mà không gây thêm bất ổn rủi ro đáng kể nào cho an toàn kinh tế vĩ mô.
Theo Tâm Dân/TheSaigontimes