Tư vấn kỹ thuật

Khi nào thì nên đi kiểm tra góc đặt bánh xe?

VietTimes -- Việc chỉnh đúng các góc đặt bánh xe không những giúp tăng tuổi thọ của lốp mà còn nâng cao an toàn cũng như thoải mái khi vận hành xe.
Nếu các góc đặt bánh xe trên bị sai hoặc không đúng tiêu chuẩn đều có thể dẫn tới những mối nguy hại cho người lái

Thông thường các lái xe chỉ tiến hành cân bằng động cho lốp khi thay lốp mới hoặc tiến hành kiểm tra tổng thể khi xe có hiện tượng bất thường khi di chuyển. Tuy nhiên, nếu các góc đặt bánh xe trên bị sai hoặc không đúng tiêu chuẩn đều có thể dẫn tới những mối nguy hại cho người lái như: nhao lái, mất lái, lốp mòn không đều…, khiến người lái xe nhẹ thì mệt mỏi khi vận hành xe, tốn kém nhiều chi phí trong việc thay lốp, nặng là gặp những nguy cơ về tai nạn khi lưu thông trên đường

Tại sao phải cân chỉnh góc đặt bánh xe?

Ngay từ khi ra đời, các bánh xe ô tô đã được thiết kế sao cho chúng tạo thành những góc nhất định với thân xe và với mặt đường. Một chiếc xe dù hiện đại đến đâu nhưng cấu tạo chung nhất là vẫn phải có bốn bánh tiếp đất, khi di chuyển bánh xe phải thẳng đứng.

Điều này cho thấy ý nghĩa vô cùng quan trọng của bánh xe không chỉ là nâng đỡ toàn bộ của chiếc xe mà bánh xe còn được thiết kế mang tính hình học tối ưu để tạo cho chiếc xe đó có tính năng vận hành tốt như: khả năng bám đường, tạo cảm giác lái êm dịu, đảm bảo độ bền nhất cho các chi tiết cơ khí (dàn rô-tuyn, cao su, bi moay-ơ…), giảm thiểu nhất độ mài mòn lốp xe.

Bánh xe bị mòn không đều do các góc đặt bánh có dấu hiệu chưa chính xác

Việc thiết kế 4 điểm chạm đất sao cho chúng tạo với mặt đường và tạo với nhau một góc nhất định nào đó tùy thuộc vào trình độ thiết kế cũng như ý định của kỹ sư chế tạo xe hơi để sao cho chiếc xe có tính năng vận hành tốt nhất hoặc tuổi thọ của lốp được kéo dài nhất có thể.

Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng ô tô chúng ta thấy có những xe lái rất nhẹ nhàng, chắc chắn, linh hoạt, chính xác, dễ điều khiển (tay lái "đánh đâu trúng đó"), lái lâu không bị mệt, và có những xe thì cảm giác lái rất "cứng" hoặc rất "nhão", hoặc phải tốn rất nhiều công sức để điều khiển xe đi đúng hướng.

Sở dĩ xảy ra điều vì trong quá trình di chuyển, vận hành xe, sau một quá trình làm việc các rô-tuyn, cao su bị nhão, bi moay-ơ bị mòn, các bulong, đai ốc bị nới lỏng, hệ thống treo, lái bị mòn, rơ…điều này dẫn tới các góc đặt bánh xe không còn giữ được như thiết kế ban đầu và làm cho xe khó điều khiển hơn.

Góc đặt bánh xe là gì?

Để một chiếc xe vận hành êm ái, dễ điều chỉnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, các thông số cơ bản và quan trọng nhất ảnh hưởng đến vận hành xe khi cần cân chỉnh góc đặt bánh xe là góc Camber, góc Caster và đọ chụm (Toe).

Góc Camber: là góc ngả ra ngoài hoặc úp vào trong của bánh xe (trước hoặc sau) so với phương thẳng đứng được nhìn từ phía trước (hoặc sau).Camber được tính bằng độ và phút; camber dương khi bánh xe ngả ra ngoài (nhìn từ trước hoặc sau có hình chữ V); camber âm khi bánh xe úp vào trong (nhìn từ trước hoặc sau có hình chữ A); camber bằng 0 khi bánh xe vuông góc với mặt đường.

Góc Camber

- Chức năng: Góc Camber dương xe có xu hướng chạy rất ổn định trên đường thẳng (không cần giữ tay lái), camber âm tại bánh sau rất tốt cho xe giữ ổn định khi vào cua với vận tốc cao. Ngoài ra do chế tạo góc camber nên lực tác động từ mặt đường lên vành lái được giảm thiểu, đồng thời các chi tiết của hệ thống treo được bền do giảm cánh tay đòn và lực trực diện từ mặt đường được phân tích thành các lực thành phần có cường độ nhỏ hơn.

- Các bệnh do góc Camber không đúng tiêu chuẩn gây ra: Nếu camber dương quá tiêu chuẩn sẽ gây ăn mòn lốp má ngoài, camber âm quá sẽ gây ăn lốp má trong. Nếu camber bên phải và camber bên trái sai biệt quá tiêu chuẩn - xe sẽ có xu hướng nhao về bên dương nhiều hơn.(Ví dụ camber bên trái là 0 độ, camber bên phải là – 0 độ 45' - xe sẽ nhao về bên trái).

Góc Caster: là góc ngả về phía trước hoặc phía sau của trục quay bánh lái so với phương thẳng đứng nhìn từ bên cạnh xe. Caster được đo bằng độ và phút. Caster dương khi trục quay bánh lái ngả về phía sau, caster âm khi trục quay bánh lái ngả về phía trước, caster bằng không khi trục quay bánh lái trùng với phương thẳng đứng.

Góc Caster

-  Chức năng: Caster dương làm cho bánh lái luôn chuyển động theo hướng của khung xe và tự động trả lái sau khi vào cua (do thiết kế trục quay bánh lái nghiêng về phía sau nên hễ khi xe có xu hướng quay vòng thì trọng lượng của xe sẽ đè lên trục moay ơ của bánh xe bắt nó quay về hướng chạy thẳng)

-  Các bệnh do Caster không đúng tiêu chuẩn gây ra: Caster bị sai so với tiêu chuẩn không gây ăn mòn lốp. Nếu caster hai bên trái và phải không bằng nhau thì xe sẽ có xu hướng nhao về bên ít dương hơn (ví dụ caster bên trái là + 2.0 độ; caster bên phải là + 3.2 độ - xe sẽ bị nhao lái về bên trái).

Góc Toe: là hiệu số khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía sau với khoảng cách giữa hai má lốp đo từ phía trước trên cùng một trục xe. Độ chụm được tính bằng inch, mm, độ và phút. Độ chụm dương (toe-in) khi khoảng cách giữa hai má lốp ở phía trước ngắn hơn so với khoảng cách hai má lốp đo tại vị trí sau. Độ chụm âm (toe-out) khi khoảng cách giữa hai má lốp đo tại phía trước lớn hơn so với phía sau. Độ chụm bằng không khi hai bánh song song với nhau.

Goc Toe

-  Chức năng: khi xe chuyển động thì độ cao của thân xe so với mặt đường sẽ khác với độ cao của thân xe khi đứng yên. Khi độ cao xe thay đổi nó làm cho chiều dài của rôtuyn lái thay đổi dẫn đến độ chụm bị thay đổi. Vì lý do đó người ta làm độ chụm sẵn để bù trừ khi chạy tốc độ cao độ chụm sẽ tiến dần bằng không để tránh ăn mòn lốp.

-  Các bệnh do độ chụm sai gây ra: Độ chụm không gây nhao lái- độ chụm sai chỉ làm vẹo vô lăng (ví dụ xe có độ chụm bên trái là 0 độ, độ chụm bên phải là 0 độ 50'- khi xe chuyển động thông qua cơ cấu thước lái xe sẽ tự động chia lại độ chụm bên trái là 25' và độ chụm bên phải 25' nhưng lúc này vô lăng bị lệch đi một góc). Ngoài ra độ chụm toàn phần sai còn gây ăn mòn lốp rất dữ: độ chụm quá dương sẽ ăn mòn má ngoài lốp, độ chụm quá âm sẽ làm ăn mòn lốp má trong.

Ngoài ra, khi cân chỉnh các góc đặt bánh xe có thể trên một số máy cân chỉnh có thêm các góc King pin (độ nghiêng của trụ lái), Thrust Angle (góc lệch giữa trục trung tâm của xe và trục chuyển động của cầu). Tuy nhiên, các góc này không ảnh hưởng quá lớn sự mài mòn lốp cũng như độ ổn định khi vận hành xe.

Những dấu hiệu nhắc bạn phải kiểm tra góc đặt bánh xe?

Các góc đặt bánh xe là không cố định mãi mãi cũng như không có “chu kỳ” sai lệch. Có thể sau một chuyến đi dài trên những con đường xấu xí, gồ ghề hay chỉ một cú xóc tồi tệ có thể làm lệch đi các góc đặt bánh xe, hoặc đơn giản thì theo thời gian, các góc này cũng dần lệch ra khỏi tiêu chuẩn, việc này diễn ra hết sức từ từ mà không gây hậu quả ngay lập tức.

Điều này khiến người lái xe không thể nhận biết, họ dần dùng sức để “bù lại” sự sai lệch này (như thường xuyên ghì tay lái để cho chiếc xe đi thẳng), và điều này là vô cùng nguy hiểm. Như vậy việc các góc đặt bánh xe trên bị sai hoặc không đúng tiêu chuẩn có thể diễn ra sau một thời gian dài hoặc cũng có thể diễn ra ngay sau khi cân chỉnh, điều này phụ thuộc vào điều kiện vận hành của xe.

Thông thường, nếu không có hiện tượng lốp mòn bất thường, nhao lái, bánh xe bị rung giật, bánh lái có xu hướng lệch sang một bên khi chạy thẳng, vị trí các bánh xe bị lệch trục (có thể phát hiện bằng mắt thường)…thì sau khi thay lốp, sửa chữa hệ thống treo, lái thì sẽ tiến hành kiểm tra và cân chỉnh lại các góc đặt bánh xe.

Hiện nay, việc cân chinh góc đặt bánh xe cũng có thể được thực hiện dễ dàng ở các trung tâm sửa chữa hoặc các gara lớn với sự trợ giúp của khoa học máy tính nhờcác phần mềm chuyên dụng và bộ vi xử lý, cũng như kỹ thuật quét camera không gian 3 chiều.

Vì vậy, trong một thời gian ngắn có thể đo kiểm tra và hiệu chỉnh các góc đặt bánh xe một cách chính xác và thuận tiện ngay cả các góc ẩn và góc trìu tượng mà bằng mắt người (thợ chăng dây để chỉnh) không thể làm được.

VIDEO