Khi nào AI mới tạo ra cuộc cách mạng kinh tế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT sẽ biến đổi nền kinh tế ra sao, và liệu con người có thể bị thay thế (?).
Ảnh minh họa: The Economist
Ảnh minh họa: The Economist

Ngày nay, người ta có thể dễ dàng nghĩ tới việc các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) làm biến đổi nền kinh tế. Nhiều người có thể nghĩ tới bối cảnh mà trong đó những công cụ như ChatGPT – một chatbot thông minh xuất hiện vào tháng 11 năm ngoái – có thể tăng cường đáng kể năng lực sản xuất của lao động con người hoặc thay thế họ hoàn toàn.

Cụm từ “GPT” trong tên của chatbot này là viết tắt của “generative pre-trained transformer”, một mô hình ngôn ngữ. Nó cũng có thể là cụm từ viết tắt của “general-purpose technology”: một loại hình sáng tạo có tầm ảnh hưởng lớn nhằm thúc đẩy sản lượng ở nhiều ngành công nghiệp hay ngành nghề.

Các cuộc cách mạng kinh tế lấy động lực từ những GPT trước đây có thể cho chúng ta đôi chút nhận thức về việc AI có thể làm biến đổi các nền kinh tế như thế nào trong những năm tới đây.

Trong bài báo đăng tải vào năm 1995, Timothy Bresnahan đến từ ĐH Stanford và Manuel Trajtenberg đến từ ĐH Tel Aviv đã đưa ra thứ mà họ xem là những đặc tính của công nghệ đa dụng (general-purpose technology). Loại công nghệ này có thể được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp, có tiềm năng để tiếp tục cải thiện và làm tăng “các bổ sung sáng tạo” – tức kích thích sự sáng tạo trong các ngành công nghiệp ứng dụng nó.

Khi nào AI mới tạo ra cuộc cách mạng kinh tế?

AI hiện đang được chấp nhận ngày một rộng rãi, và đang được ứng dụng nhiều hơn trong nghiên cứu và phát triển (R&D). Vậy khi nào thì một cuộc cách mạng kinh tế bắt đầu (?).

Bài học đầu tiên trong lịch sử là, ngay cả những công nghệ mới mạnh mẽ nhất cũng cần phải có thời gian để thay đổi một nền kinh tế.

James Watt sáng chế ra động cơ hơi nước vào năm 1769, nhưng năng lượng từ hơi nước vẫn chưa thể thay thế năng lượng của nước trong công nghiệp cho đến mãi những năm 1830 ở Anh, và 1860 ở Mỹ. Ở Anh, sự đóng góp của động cơ hơi nước vào đà tăng trưởng sản lượng đạt đỉnh vào giai đoạn sau 1980, tức gần 1 thế kỷ kể từ khi động cơ này được sáng chế, theo dữ liệu của ĐH Sussex.

Về điện khí hóa, những bước tiến kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực này đã được hoàn thiện từ trước năm 1880, nhưng đà tăng trưởng sản lượng của Mỹ lại giảm từ năm 1888 đến 1907.

Gần 3 thập kỷ kể từ khi silicon lần đầu được tích hợp vào các bảng mạch, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Robert Solow vẫn cho rằng thời đại máy tính có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, nhưng lại chưa thể hiện rõ trên những thông số về sản lượng. Phải đến mãi giai đoạn giữa thập kỷ 90, một cuộc bùng nổ sản lượng nhờ ứng dụng máy tính mới xuất hiện ở nước Mỹ.

Có khoảng cách về thời gian giữa sự đổi mới sáng tạo và tác động của nó tới nền kinh tế một phần là bởi công nghệ mới cần có thời gian để tinh chỉnh.

Những cỗ máy hơi nước đầu tiên được đánh giá là kém hiệu quả và ngốn rất nhiều than đá để vận hành. Tương tự, khả năng đáng kinh ngạc của những công cụ AI xuất hiện gần đây cũng tiên tiến hơn nhiều so với những công cụ xuất hiện cách đây gần một thập kỷ. (Siri, công cụ hỗ trợ ảo của Apple, ra mắt vào năm 2011, là một ví dụ).

Những vấn đề về nguồn vốn cũng có thể làm chậm đà phát triển của công nghệ mới. Robert Allen đến từ ĐH New York Abu Dhabi chỉ ra rằng sức tăng sản lượng chậm chạp ở Anh trong thời kỳ công nghiệp hóa cho thấy tình trạng thiếu nguồn vốn để xây dựng các nhà máy và chế tạo máy móc. Tình trạng này đã dần được khắc phục khi các nhà tư bản tái đầu tư khoản lợi nhuận khổng lồ của họ.

Một số nghiên cứu gần đây nhấn mạnh rằng, thời gian là thứ cần thiết để tích lũy nguồn vốn vô hình, hay khoảng thời gian mà những người trong ngành cần có để đưa ra cách ứng dụng công nghệ mới một cách hiệu quả.

Các chuyên gia Erik Brynjolfsson (ĐH Stanford), Daniel Rock (MIT) và Chad Syverson (ĐH Chicago) cho rằng một công nghệ đột phá mới có thể kéo theo “hiệu ứng đường J” trong sản lượng.

Có nghĩa rằng, đà tăng sản lượng có thể suy giảm trong nhiều năm, hoặc nhiều thập kỷ, sau khi một công nghệ mới xuất hiện, khi mà các doanh nghiệp và người lao động đầu tư thời gian và nguồn lực cho việc nghiên cứu công nghệ này và thiết kế ra những quy trình kinh doanh liên quan đến nó.

Chỉ sau khi những khoản đầu tư này đơm hoa kết trái, đường J mới đi lên. Các tác giả cho rằng các khoản đầu tư liên quan tới AI dưới dạng vốn vô hình có thể đã và đang làm giảm đà tăng sản lượng, mặc dù không quá nhiều.

AI có thay thể con người?

Đương nhiên có rất nhiều người đang tỏ ra quan ngại về những hậu quả của việc áp dụng AI đối với lao động con người, như AI sẽ chiếm công việc của họ. Liên quan đến câu hỏi này, những bài học từ lịch sử cũng khá hỗn tạp.

Tuy nhiên, có một thông tin tốt lành là, bất chấp sự thay đổi lịch sử về công nghệ và kinh tế, viễn cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh do ứng dụng công nghệ chưa từng xảy ra. Công nghệ có thể và thực sự thay thế một số công việc của con người, nhưng chỉ theo những cách gây gián đoạn về mặt xã hội.

Giai đoạn đầu của Cách mạng Công nghiệp, cơ khí hóa đã làm tăng mạnh nhu cầu tuyển mộ nhân công không có kỹ năng, nhưng lại làm giảm thu nhập của những tay thợ lành nghề, đó cũng là nguyên nhân mà một số người lựa chọn gia nhập phong trào tẩy chay máy móc Luddite.

Và trong thập kỷ 89 và 90, áp dụng tự động hóa trong công việc tại xưởng sản xuất và văn phòng đã khiến nhiều lao động có ít chức năng mất việc làm, nhưng đồng thời làm tăng lượng lao động có kỹ năng cao và thấp được tuyển dụng.

AI có thể làm tăng năng lực sản xuất của lao động con người ở mọi cấp độ kỹ năng khác nhau. Nhưng tầm ảnh hưởng của nó tới một nghề nghiệp còn phụ thuộc vào việc ứng dụng nó sẽ mang tới hiệu quả to lớn đến đâu. Khi dây chuyền lắp ráp cho phép Henry Ford giảm chi phí sản xuất xe hơi, nhu cầu đã tăng đột biến và người lao động hưởng lợi.

Nếu AI tăng sản lượng và giảm chi phí – ví dụ như thuốc men – điều đó có thể giúp tăng nhu cầu trong ngành dược phẩm, mang lại lợi ích cho người lao động trong ngành này.

Cũng có khả năng một AI hùng mạnh sẽ phá vỡ khuôn mẫu lịch sử. Một công nghệ có khả năng xử lý gần như mọi nhiệm vụ mà một cá nhân điển hình có thể làm sẽ đẩy nhân loại tới một viễn cảnh kinh tế vô định. Nhưng dù trong viễn cảnh như vậy, lịch sử vẫn có một số bài học.

Đà tăng trưởng kinh tế bền vững nhờ vào cách mạng hơi nước, và sự tăng tốc sau đó nhờ vào điện khí hóa và các công nghệ sau này, đều chưa từng có tiền lệ. Chúng làm dấy lên những nỗ lực to lớn nhằm đưa ra các sáng kiến và tổ chức mới, để đảm bảo rằng sự thay đổi lớn về kinh tế sẽ mang tới sự thịnh vượng thay vì hỗn loạn. Và điều này có thể sớm xảy ra thêm một lần nữa./.

Theo The Economist