Khi báo chí tìm 'khách hàng' trên không gian số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  "Khách hàng của báo chí là độc giả, có độc giả là sẽ có mọi thứ. Cuộc chiến của báo chí thực ra là cuộc chiến thu hút độc giả".
Ông Trương Trí Vĩnh - chuyên gia về báo chí - phát biểu tại Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí

Ông Trương Trí Vĩnh - chuyên gia về báo chí - phát biểu tại Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí

Quan điểm này được ông Trương Trí Vĩnh – chuyên gia về báo chí – chia sẻ tại Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí, diễn ra vào hôm nay (21/9).

Ông Vĩnh cho rằng, câu chuyện chuyển đổi số báo chí không chỉ dừng lại ở việc thay đổi nội dung, cách trình bày, mà còn ở việc phát triển các 'kênh phân phối' tương xứng.

Nhiều năm trước, báo chí từng có kênh phân phối rất tốt và hiệu quả, đó là các sạp báo. Nhưng khi báo chí điện tử lên ngôi, các sạp báo cũng dần biến mất. Báo chí cũng mất đi kênh phân phối hiệu quả.

"Khi công tác ở CafeF, chúng tôi từng chú trọng vào font chữ, thị giác, vị trí đặt quảng cáo, quy định 1 paragraph nên dài bao nhiêu. Tuy nhiên, 10 năm sau, các câu chuyện đó trở nên vô nghĩa, cuộc chiến trang chủ của các tờ báo không còn quan trọng nữa. Độc giả giờ đọc tin tức trên Facebook, Google Search, App Mobile, Zalo", ông Vĩnh phân tích.

"Độc giả - khách hàng của báo chí – ở trên không gian số", ông nói.

Để xác định chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, theo vị chuyên gia này, các cơ quan báo chí cần phải định vị rõ các trụ cột cơ bản: Sứ mệnh (tôn chỉ mục đích), chiến lược, và cam kết giá trị mang tới độc giả. Mà trước hết, là việc trả lời câu hỏi: "Vì sao tờ báo này tồn tại?". Theo vị chuyên gia này, các tờ báo như Financial Times, WallStreetJournal, thành công nhờ có định vị giá trị rất rõ ràng.

Ông Vĩnh cho biết, các tờ báo cần phải xác định được: Phân khúc độc giả là gì? Độc giả xem tin tức như thế nào, khi nào và ở đâu? Độc giả cần thông tin gì và không cần thông tin gì?.

"Khách hàng của báo chí là độc giả, có độc giả là sẽ có mọi thứ. Cuộc chiến của báo chí thực ra là cuộc chiến thu hút độc giả", vị chuyên gia này nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, có những tờ báo điện tử dẫn đầu về lượng 'traffic', xuất bản từ 100 – 200 tin tức/ngày, song 'sức tiêu thụ' của độc giả chỉ khoảng 10 bài, qua đó có thể dẫn đến việc tiêu tốn nguồn lực, đánh mất bản sắc của tờ báo.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus

Ông Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus – một số tờ báo đã có thêm các chuyên viên phân tích dữ liệu.

Theo kinh nghiệm của báo chí quốc tế, việc phân tích dữ liệu có 4 lợi ích chính: (1) Gia tăng lượng Subcirber, đăng ký mua thông tin, đăng ký đọc; (2) Tăng cường trải nghiệm cho độc giả; (3) Phát triển nội dung; (4) Cá nhân hoá, tự động hoá, từ đó tăng trải nghiệm của độc giả, tăng thời gian lưu trang.

"Nhiều tờ báo quan tâm tới pageviews, nhưng theo nhiều chuyên gia hàng đầu về báo điện tử trên thế giới, lượt click quan trọng hơn rất nhiều. Nó như 'bản đồ nhiệt' của độc giả", ông nói.

Vị này dẫn chứng, The Washington Post là một trong những tờ báo đầu tiên áp dụng 'machine learning' (học máy) để phân tích hành vi của độc giả, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, thu hút độc giả trả phí.

Năm 2017, tờ báo này đạt 1 triệu người đăng ký trả phí dài hạn. Tới năm 2018, The Washington Post cho phép độc giả đăng ký thông qua Google, bao gồm cả Google News, Google Search.

"Một số tờ báo trong nước cũng đi theo mô hình này và bắt đầu ghi nhận thành quả", ông Nhật cho biết./.