Hệ thống trạm đo mưa tự động gồm có: thùng đo mưa được thiết kế đáp ứng các thông số kỹ thuật Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), phù hợp Thông tư số 70/2015/TT-BTNMT ngày 23/12/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đối với hoạt động của các trạm khí tượng thủy văn tự động, và hệ thống thu thập dữ liệu (Datalogger).
Dữ liệu đo mưa được truyền tự động (3G/GPRS/SMS) về hệ thống quản lý theo thời gian thực qua hệ thống viễn thông, tự động nhắn tin cảnh báo lượng mưa đến các đối tượng yêu cầu. Dễ dàng truy cập qua ứng dụng theo dõi lượng mưa và nhận tin cảnh báo mưa Mobile App VRAIN cài đặt trên điện thoại nền tảng hệ điều hành iOS và Android. Tất cả các thiết bị nói trên được thiết kế nhỏ gọn, lắp đặt tại vị trí phù hợp trên nền Đài Quan Tượng, không ảnh hưởng đến kiến trúc di tích, đảm bảo mỹ quan theo yêu cầu.
Quan Tượng Đài được xây dựng vào năm 1827 dưới triều vua Minh Mạng, nằm ở góc Tây Nam kinh thành Huế.
|
Quan Tượng Đài được xây dựng vào năm 1827 dưới triều vua Minh Mạng, nằm ở góc Tây Nam kinh thành Huế, thuộc phạm vi pháo đài Nam Minh (hiện thuộc địa phận phường Thuận Hòa, thành phố Huế). Công trình có hai phần chính: Phần nền đài cao gần 6m và đình Bát Phong nằm trên nền đài, là nơi để các nhà chiêm tinh của cơ quan Khâm Thiên Giám triều Nguyễn quan sát thiên văn, khí hậu, các hiện tượng thiên nhiên; sau đó những thông tin này được chuyển về Khâm Thiên Giám xử lý đưa ra kết quả như dự báo thời tiết, làm lịch, xem ngày.
Đây cũng là nơi các nhà thiên văn dùng kính thiên văn địa lý quan sát mặt trời, trăng và các ngôi sao nhằm xác định tọa độ địa lý của các tỉnh, thành, vùng miền trên đất nước. Những kết quả dự báo khí tượng từ Quan Tượng Đài đã chứng minh sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đối với đời sống xã hội, cuộc sống nhân dân, và là một bước tiến rõ rệt về khoa học kỹ thuật thời bấy giờ.
Quán Tượng Đài
|
Đây là công trình đài thiên văn thứ hai trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam, và là công trình duy nhất còn lại dấu tích. Trước đó, ở Kinh đô Thăng Long vào thời Lê (1428 - 1788) đã có một đài thiên văn và cơ quan Khâm Thiên Giám nhưng đã mất hoàn toàn dấu vết, chỉ còn để lại một tên phố “Khâm Thiên” (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội).
Việc lắp đặt và vận hành trạm đo mưa tự động tại di tích Quan Tượng Đài có ý nghĩa biểu tượng hết sức quan trọng không chỉ phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn phòng chống thiên tai cho các công trình di tích mà còn phát huy một cách sinh động các giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh, là minh chứng cho nền văn hóa và khoa học kỹ thuật của nước nhà luôn được các thế hệ con dân nước Việt tôn vinh, bảo tồn và tiếp nối.
Trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại Quan Tượng Đài cùng với 5 trạm đo mưa do Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai miền Trung hỗ trợ lắp đặt trước đây và hệ thống quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh được kết nối tự động vào Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (Hue-S) sẽ cung cấp thông tin lượng mưa một cách nhanh chóng, kịp thời và tiện lợi đến các cơ quan chính quyền và người dân, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.