|
Chiếc máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-21 Raider ra mắt hôm 2/12 trong nhà kho khi ra mắt (Ảnh: Wiki). |
B-21 Raider là chiếc máy bay ném bom chiến lược mới đầu tiên của Mỹ trong hơn 30 năm qua. Hầu như mọi khía cạnh của dự án này đều được giữ bí mật. Trước khi chiếc máy bay này được công khai 16h ngày 2/12 (tức 7 giờ sáng ngày 3/12 theo giờ Việt Nam) tại căn cứ Không quân ở Palmdale, California quân đội Mỹ chỉ công bố hình phác thảo về nó. Những hình ảnh ít ỏi cho thấy B-21 Raider trông rất giống máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit mà nó sẽ thay thế.
Được chế tạo để đối phó thách thức của Trung Quốc
Máy bay ném bom chiến lược là một phần trong nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm hiện đại hóa cả ba trụ cột trong bộ ba tấn công hạt nhân của quân đội Mỹ. Bộ ba hạt nhân bao gồm vũ khí hạt nhân phóng từ trên không, tên lửa hạt nhân phóng từ hầm chứa và đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Quân đội Mỹ đang chuyển trọng tâm từ các hoạt động chống khủng bố trong những thập kỷ gần đây sang đối phó với quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc. Bản tin ngày 3/12 về sự kiện ra mắt của B-21 Raider trên trang web VOA nói, chiếc máy bay này được phát triển nhằm đối phó Trung Quốc.
|
Phác thảo B-21 Raider (phải) so với B-2 Spirit mà nó sẽ thay thế (Ảnh: Sohu). |
Lầu Năm Góc nói trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được công bố trong tuần này rằng theo quỹ đạo mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ khiến nước này sở hữu 1.500 vũ khí hạt nhân vào năm 2035, đồng thời đạt được tiến bộ trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, chiến tranh mạng, năng lực không gian và các lĩnh vực khác; tạo thành "thách thức mang tính hệ thống và hậu quả nghiêm trọng nhất" đối với "an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và hệ thống quốc tế tự do và cởi mở."
Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James nói năm 2015 khi thông báo hợp đồng về chế tạo B-21 Raiders: “Chúng ta cần một loại máy bay ném bom mới cho thế kỷ 21 cho phép chúng ta đối phó với những thách thức phức tạp hơn nhiều, chẳng hạn như các mối đe dọa mà chúng ta lo ngại một ngày nào đó sẽ đến từ Trung Quốc và Nga” và "B-21 có khả năng sống sót mạnh hơn để đối phó với những mối đe dọa khó khăn hơn này."
Sử dụng công nghệ mới nhất
Tuy hình dạng B-21 có lẽ trông giống với B-2, nhưng Kathy Warden, Giám đốc điều hành của Northrop Grumman Corp, công ty chế tạo chiếc máy bay này, nói chỉ cần bước vào máy bay thì sẽ thấy sự giống nhau biến mất.
Bà nói: “Vận hành bên trong của B-21 cực kỳ tiên tiến so với B-2 vì công nghệ đã phát triển rất nhiều về sức mạnh tính toán mà giờ đây chúng ta đã đưa vào phần mềm của B-21.”
|
Hình vẽ mô phỏng B-21 Raider nhìn từ các góc khác nhau. |
Một số nhà phân tích quốc phòng nói, những thay đổi khác có thể bao gồm các vật liệu tiên tiến cho lớp sơn phủ giúp máy bay ném bom khó bị phát hiện hơn và các cách thức mới kiểm soát điện tử để chiếc máy bay ném bom có thể đánh lừa radar của đối phương, ngụy trang biến nó thành vật thể khác và sử dụng công nghệ động cơ mới.
Northrop Grumman, có trụ sở tại Falls Church, Virginia, cho biết trong một tài liệu rằng công ty đang sử dụng "các công nghệ và vật liệu mới để đảm bảo rằng B-21 sẽ đánh bại các hệ thống chống tiếp cận/từ chối khu vực (A2/AD)."
Bà Warden không nêu chi tiết về những công nghệ này, nhưng bà nói rằng tính tàng hình của máy bay ném bom này mạnh hơn hẳn. "Khi chúng ta nói về khả năng bị phát hiện thấp, thực sự là khả năng quan sát thấy của nó thấp đến khó tin"; Warden nói: "Người ta có thể nghe thấy, nhưng thật sự không thể nhìn thấy nó."
Hiện đã có 6 chiếc B-21 Raiders đang được chế tạo. Không quân Mỹ có kế hoạch sản xuất 100 chiếc, có thể triển khai vũ khí hạt nhân và cũng được trang bị bom thông thường; có thể có người lái hoặc không có người lái. Cả Không quân Mỹ và Northrop Grumman đều nhấn mạnh sự phát triển tương đối nhanh của Raider: chiếc máy bay ném bom chỉ cần 7 năm kể từ khi kí hợp đồng cho đến khi có chuyến bay đầu tiên. Các chương trình máy bay chiến đấu và tàu chiến mới khác đều phải mất hàng thập kỷ.
|
Ảnh B-21 chụp từ xa (Ảnh: Huanqiu). |
Giá thành cao khủng khiếp
Hiện chưa rõ giá thành cụ thể của chiếc máy bay ném bom này là bao nhiêu. Không quân Mỹ trước đây nói rằng nếu đặt hàng 100 chiếc sẽ mất trung bình 550 triệu USD mỗi chiếc theo thời giá USD năm 2010, tương đương khoảng 753 triệu USD hiện nay. Nhưng không rõ Không quân Mỹ hiện thực sự chi bao nhiêu.
Việc giá cả không được công khai đã khiến một số nhóm giám sát chính phủ lo lắng. Ông Dan Grazier, một chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng cấp cao tại Project on Government Oversight (Dự án Giám sát Chính phủ), cho biết: “Đó có thể là một thách thức đối với chúng tôi khi thực hiện phân tích bình thường về một dự án lớn như vậy. "Trước khi B-21 thực sự bay, thật dễ dàng để nói rằng mọi thứ đều đúng kế hoạch. Bởi vì các vấn đề thực sự chỉ được phát hiện cho đến khi các chương trình này bước vào giai đoạn thử nghiệm thực tế. Đó mới là lúc lịch trình bắt đầu trượt và giá thành thực tế mới bắt đầu gia tăng."
Warden nói, B-21 Raider sẽ không thực hiện chuyến bay đầu tiên trước năm 2023. Nhưng Northrop Grumman, với phương thức tính toán tiên tiến, đã sử dụng một bản sao kỹ thuật số của Raider để kiểm tra tính năng của nó. Bản sao ảo này cũng đã được công bố hôm 2/12.
Khi xưa Không quân Mỹ cũng mơ tưởng có 100 máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit, nhưng cuối cùng chỉ có 21 chiếc được chế tạo do chi phí cao hơn dự kiến và những thay đổi về môi trường an ninh sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Todd Harrison, một chuyên gia hàng không vũ trụ và giám đốc điều hành của Metrea Strategy Insights nói, do những chiếc B-2 cũ có nhu cầu bảo dưỡng nghiêm trọng nên số lượng máy bay ném bom già cỗi này có thể cất cánh được không thể nào đủ cả 21 chiếc.
Cần nhà chứa máy bay đặc biệt
B-21 Raider được lấy tên từ Cuộc đột kích Doolittle năm 1942 vào Tokyo. Warden cho biết B-21 kích thước nhỏ hơn một chút so với B-2 để gia tăng phạm vi hoạt động.
Tháng 10/2001, sau vụ tấn công khủng bố 11/9, các phi công B-2 đã lập kỉ lục khi bay 44 giờ liên tục tới Afghanistan để thả những quả bom đầu tiên. Tuy nhiên, B-2 thường thực hiện các nhiệm vụ bay đi và về đường dài bởi không có nhiều nhà chứa máy bay trên khắp thế giới có thể chứa được sải cánh của nó. Điều này hạn chế nơi B-2 có thể hạ cánh để bảo dưỡng cần thiết sau chuyến bay. Hơn nữa các nhà chứa máy bay này phải có điều hòa nhiệt độ, bởi cửa sổ của loại máy bay ném bom này không mở được, nếu nhiệt độ quá nóng có thể làm hỏng các thiết bị điện tử trong buồng lái.
Warden cho biết Raider mới cũng sẽ cần có các nhà chứa máy bay mới để phù hợp với kích thước và độ phức tạp của nó.
|
Cho đến nay, B-21 vẫn được giữ bí mật về các chi tiết và thông số kỹ thuật (Ảnh: Northrop Grumman) |
“Sự kỳ diệu nằm ở chỗ không ai thấy nó”
Sự khác biệt cuối cùng là cách nó được ra mắt. Mặc dù cả hai loại máy bay ném bom đều được ra mắt tại Nhà máy 42 của Không quân ở Palmdale, nhưng bối cảnh khi B-2 ra mắt năm 1988 hoành tráng hơn.
Do các vệ tinh và camera giám sát hiện tiên tiến hơn, hình dạng của Raider sẽ được che đậy kỹ hơn và sẽ được ra mắt bên trong nhà chứa máy bay. Khách mời có Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và rất ít phóng viên cùng quan chức. Ông Lloyd Austin chứng kiến việc mở cửa nhà chứa máy bay cho buổi ra mắt công khai đầu tiên chiếc máy bay ném bom, sau đó cửa sẽ bị đóng lại. Hình ảnh cụ thể và các thông số kỹ thuật của B-21 sẽ vẫn được giữ bí mật tuyệt đối. "Sự kỳ diệu của chiếc máy bay là ở chỗ mọi người không thể nhìn thấy nó", bà Warden nói.
Truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về sự kiện B-21 Raider ra mắt cho rằng Mỹ muốn chuyển thông tin nhằm đe dọa Trung Quốc, nhưng đã không tạo được cảm giác căng thẳng hay lo sợ bởi Trung Quốc cũng đã sắp cho ra mắt chiếc máy bay ném bom chiến lược tàng hình H-20 của họ.