Khám phá kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ và Nga hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 25/3, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, theo yêu cầu của Tổng thống Belarus Lukashenko, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.
Bom hạt nhân B61-12 là loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mới đang được Mỹ gấp rút sản xuất để thay thế loại cũ (Ảnh: Huanqiu).
Bom hạt nhân B61-12 là loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mới đang được Mỹ gấp rút sản xuất để thay thế loại cũ (Ảnh: Huanqiu).

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 27/3 đăng bài cho rằng, thông tin này không chỉ khiến thế giới bên ngoài vô cùng lo ngại về chiều hướng của cuộc xung đột Nga-Ukraine mà còn lo lắng về trạng thái cân bằng hạt nhân trên thế giới trong tương lai.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược khác nhau thế nào?

Trên thế giới không có quy định rõ ràng về việc phân chia cụ thể vũ khí hạt nhân chiến thuật và vũ khí hạt nhân chiến lược. Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là John Mattis đã tuyên bố: "Tôi không nghĩ có thứ gọi là 'vũ khí hạt nhân chiến thuật'. Việc sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào vào bất kỳ lúc nào đều sẽ thay đổi quy tắc của trò chơi chiến lược hạt nhân."

Trang web Global Security của Mỹ viết quân đội Mỹ định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến lược là "được thiết kế để tấn công vào khả năng chiến đấu và sự sẵn sàng tiến hành chiến tranh của kẻ thù, bao gồm phá hủy khả năng công nghiệp, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và liên lạc của đối phương và các mục tiêu khác". Vũ khí hạt nhân chiến thuật, còn được gọi là "vũ khí hạt nhân phi chiến lược", nhằm vào các mục tiêu quân sự hạn chế, trực tiếp hơn. Nói chung, vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn đáng kể về kích thước, tầm bắn và đương lượng nổ. Ngày nay, vũ khí hạt nhân chiến lược chủ yếu được trang bị cho các tên lửa liên lục địa cỡ lớn có thể bay hàng nghìn km và tấn công các mục tiêu xuyên đại dương, trong khi vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm tên lửa tầm ngắn, bom hàng không và thậm chí cả đạn pháo, "nhưng một số nền tảng này cũng có thể mang theo vũ khí hạt nhân chiến lược."

Súng không giật mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật "David Crockett" có đương lượng nổ 20 tấn của Mỹ (Ảnh: Huanqiu).

Súng không giật mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật "David Crockett" có đương lượng nổ 20 tấn của Mỹ (Ảnh: Huanqiu).

Theo các chuyên gia, đương lượng nổ của vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể từ dưới 1.000 tấn đến khoảng 100.000 tấn, trong khi đương lượng nổ của vũ khí hạt nhân chiến lược có thể lên tới 1 triệu tấn trở lên. Nhưng điều đó không có nghĩa là sức mạnh của vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể bị xem nhẹ - chúng có thể có sức nổ lớn hơn hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II. Đánh giá của nhà sử học hạt nhân Mỹ Alex Wellerstein cho rằng, ngay cả loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất do Mỹ sản xuất là súng không giật hạt nhân chiến thuật "David Crockett" có đương lượng nổ 20 tấn, cũng có thể tấn công khu phố thủ đô Washington, D.C. của Mỹ, cũng sẽ gây thương vong nghiêm trọng khiến 3.270 người chết và 3.620 người bị thương.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật gây tranh cãi

Trang web Popular Mechanics của Mỹ viết, khái niệm vũ khí hạt nhân chiến thuật lần đầu tiên được Mỹ nêu ra. Trong những năm 1950 và 1960, vũ khí hạt nhân chiến thuật là phương pháp hiệu quả nhất của NATO để duy trì sự cân bằng quân sự ở châu Âu. Vào thời điểm đó, Liên Xô có ưu thế tuyệt đối về vũ khí thông thường, để ngăn chặn dòng sắt thép của Liên Xô, những vũ khí hạt nhân chiến thuật này đã được đặt nhiều hy vọng. "Ngay cả khi xe tăng Liên Xô có thể chống lại sóng xung kích và bức xạ do vụ nổ hạt nhân tạo ra một cách hiệu quả, thì thiệt hại của vũ khí hạt nhân chiến thuật đối với các phương tiện và binh sĩ không có vỏ bọc vẫn rất lớn". Các nhà lý luận quân sự Mỹ chỉ ra rằng, do hiệu quả sát thương của vũ khí hạt nhân chiến thuật đối với pháo binh, bộ binh và xe cộ, hậu cần rất tốt, vì vậy đối tượng chính của vũ khí hạt nhân chiến thuật của NATO là nhắm vào các mục tiêu mềm như vậy trên tuyến thứ hai của quân đội Liên Xô, khiến các cụm xe tăng của Liên Xô ở tiền tuyến mất đi sự hỗ trợ.

Tên lửa đất đối đất Iskander của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Sohu).

Tên lửa đất đối đất Iskander của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân

(Ảnh: Sohu).

Chính vì sự cân nhắc này mà Mỹ đã phát triển và trang bị hàng nghìn vũ khí hạt nhân chiến thuật trong Chiến tranh Lạnh. Hans Christensen, chuyên gia hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết, Mỹ từng triển khai 7.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu, nhưng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã lấy lại ưu thế về sức mạnh quân sự thông thường nên đã lần lượt ngừng hoạt động hầu hết các vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ. Ngược lại, sau Chiến tranh Lạnh, Nga bắt đầu coi trọng hơn đến vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm đối phó với ưu thế binh lực thông thường của phương Tây.

Tuy nhiên, sự phát triển của các loại vũ khí dẫn đường hiện đại có độ chính xác cao đã khiến việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật vào thực chiến trở nên khả thi hơn. Trước đây, khi muốn tiêu diệt các mục tiêu được gia cố đặc biệt, phải sử dụng sức công phá lớn của đầu đạn hạt nhân chiến lược để bù đắp cho việc thiếu độ chính xác khi bắn, dễ gây thương vong nghiêm trọng cho dân thường ở gần; tuy nhiên, tên lửa hiện đại có độ chính xác cao và chỉ cần một đương lượng nổ tương đối nhỏ là đủ để tiêu diệt mục tiêu. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân chiến thuật thế hệ mới "sạch" hơn, gây hại tương đối ít cho dân thường. Do đó, một số học giả quân sự quốc tế cho rằng khi sử dụng hạn chế vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể gây ra những hậu quả chính trị tương đối nhỏ, chẳng hạn như "Sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật lượng nổ thấp tấn công các mục tiêu quân sự cô lập cách xa dân thường". Tuy nhiên, thế giới bên ngoài thường cho rằng kết quả của việc triển khai một số lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến thuật về cơ bản sẽ hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, bởi vì không ai dám xác nhận liệu đối thủ có thực hiện một cuộc trả đũa hạt nhân quy mô lớn sau khi bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không.

Tên lửa hành trình tầm xa Kalibr của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Sohu).

Tên lửa hành trình tầm xa Kalibr của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân

(Ảnh: Sohu).

Vì nhiều lý do, vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa bao giờ là một phần của hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược giữa Mỹ và Nga; một phần là do kích thước nhỏ của vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể mang trên các nền tảng thông thường và rất khó theo dõi, giám sát trong thời gian dài.

Nga có nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến thuật

Không giống như vũ khí hạt nhân chiến lược bị hạn chế nghiêm ngặt bởi các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, Nga chưa bao giờ tiết lộ nước này sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật, và các cơ quan tình báo phương Tây có nhiều ý kiến ​​khác nhau. Báo cáo của chính phủ Mỹ năm 2009 cho biết Nga có "khoảng 3.000-5.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật". Năm 2011, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Miller ước tính "Nga có thể có 2.000-4.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật". Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2022 của Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đánh giá, "Nga có thể có 1.000-2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật", trong khi đánh giá của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ lại cho rằng quân đội Nga hiện tại có không quá 1.900 đầu đạn loại này.

Theo đánh giá liên quan của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, vũ khí hạt nhân chiến lược và vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được cất giữ trong khoảng 40 kho lưu trữ thường trực được cảnh giới cao trên cả nước. Hải quân Nga sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật nhất, với tổng số khoảng 935 đầu đạn; bao gồm trang bị cho tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa chống tàu ngầm, tên lửa phòng không, ngư lôi và bom chìm.

Chúng có thể được mang theo bởi các loại tàu nổi, tàu ngầm và máy bay của Không quân Hải quân. Điều thu hút sự chú ý nhất của phương Tây là tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp "Yasen M" mới nhất, có thể mang nhiều loại ngư lôi hạng nặng và tên lửa hành trình, tất cả đều có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Ngoài ra, một số lượng lớn tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Nga có khả năng phóng cả tên lửa hành trình tầm xa "Kalibr" thông thường và hạt nhân, có nghĩa là tất cả chúng đều có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga trang bị trên MiG-31 có thể mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Sohu).

Tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga trang bị trên MiG-31 có thể mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Sohu).

Không quân Nga là lực lượng sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn thứ hai trong quân đội Nga, với tổng số khoảng 500 đầu đạn, có thể trang bị cho máy bay ném bom Tu-22M3, máy bay chiến đấu Su-24M, Su-34 và MiG-31K. Dự kiến, máy bay tàng hình thế hệ mới Su-57 cũng sẽ có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngoài các loại tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ trên không và bom hạt nhân rơi tự do, điều mà phương Tây lo ngại nhất là tên lửa siêu thanh "Kinzhal" do MiG-31K mang theo.

Báo cáo này cũng cho rằng quân đội Nga có khoảng 70 đầu đạn hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng cho loạt tên lửa chiến thuật "Iskander" phóng từ mặt đất. Ngoài ra, lực lượng chiến lược A-135 chống tên lửa của Nga vẫn được trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật, nhằm tiêu diệt các tên lửa đang bay tới bằng vụ nổ hạt nhân ngoài không gian. Đầu những năm 1990, Lực lượng Phòng không Nga có khoảng 2.500-3.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật cho nhiệm vụ chống tên lửa, nhưng nay con số này có thể giảm xuống chỉ còn khoảng 380.

Tên lửa hành trình AGM-86B của Mỹ được máy bay B-52 phóng từ trên không có thể mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Baidu).

Tên lửa hành trình AGM-86B của Mỹ được máy bay B-52 phóng từ trên không có thể mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Baidu).

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đang được nâng cấp

Số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ cũng không được công khai. Theo “Báo cáo đánh giá tình trạng hạt nhân” của Mỹ, vũ khí hạt nhân của họ được lưu trữ tại 24 địa điểm bí mật ở 11 tiểu bang của Mỹ và 5 quốc gia châu Âu. "Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ hoàn toàn bao gồm bom hạt nhân trọng lực dòng B61 ​​do máy bay chiến đấu F-15E mang, với tổng số khoảng 230 quả. Trong số đó, khoảng 150 quả bom hạt nhân trọng lực B61-3 và B61-4 được triển khai tại 6 căn cứ ở 5 quốc gia châu Âu, số còn lại triển khai ở Mỹ”.

Hiện Mỹ đang gấp rút chế tạo các bom hạt nhân B61-12 có đương lượng nổ từ 300 tấn đến 50 nghìn tấn TNT và nó có thể được mang bằng máy bay chiến đấu tàng hình F-35, trong tương lai B61-12 sẽ thay thế các loại bom hạt nhân trọng lực khác của quân đội Mỹ hiện có.

Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Mỹ về bề nổi không lớn, nhưng Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng với sự phát triển của thế hệ đầu đạn hạt nhân mới ở Mỹ, sự khác biệt giữa đầu đạn hạt nhân chiến lược và hạt nhân chiến thuật của quân đội Mỹ đang thu hẹp hoặc thậm chí biến mất. Ví dụ, tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm "Trident II D5LE" do tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp "Ohio" của Mỹ mang theo đã bắt đầu được trang bị đầu đạn hạt nhân uy lực thấp W76-2, đương lượng nổ chỉ 5.000 tấn , thấp hơn nhiều so với mức 100.000 tấn của đầu đạn hạt nhân W76-1. Truyền thông Mỹ cũng thừa nhận, mục đích quân đội Mỹ phát triển loại đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ thấp này là để “có thêm sự chọn lọc trong răn đe và tác chiến thực tế”.

Đồng thời, 46 máy bay ném bom B-52 của Mỹ được trang bị tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86B, trong tương lai còn được trang bị tên lửa hành trình tầm xa AGM-181 mới, chúng đều có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Theo phân tích của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, nếu tính cả các đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ thấp mới, quy mô của loại vũ khí hạt nhân này ở Mỹ là rất lớn.