Thiếu nước sạch và những hệ lụy
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định khoảng 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển do nguồn nước và môi trường không đảm bảo. WHO ước tính cho tới nay có khoảng 130 triệu người đang phải đối mặt với việc dùng nước bi nhiễm arsenic với nồng độ cao hơn nồng độ cho phép là 10 mg/lít.
Thông tin từ tờ Dân Trí, Liên Hiệp quốc công bố, mỗi năm số người chết vì nguồn nước ô nhiễm còn nhiều hơn số người chết do các hình thức bạo lực, bao gồm cả chiến tranh. Ước tính có khoảng 842.000 người tử vong mỗi năm vì nước sinh hoạt, môi trường không đảm bảo an toàn.
Người dân tại một số vùng trên thế giới không có nước để sinh hoạt. Ảnh: Internet
|
Tại Việt Nam công bố của Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên môi trường quốc gia thuộc Bộ TN-MT cho thấy hơn 80% kết quả phân tích mẫu vi sinh, hơn 65% kết quả phân tích nhiễm bẩn và hơn 30% mẫu phân tích hàm lượng sắt đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong đó nguồn nước bị ô nhiễm được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây nên các làng ung thư.
Công nghệ đột phá tái tạo nước sạch
Nhiều năm qua, các quốc gia luôn tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ nguồn nước, tái tạo nước sạch cho cuộc sống. Bên cạnh việc, đẩy mạnh giáo dục nâng cao hiểu biết, ý thức của con người về sử dụng tài nguyên nước thì các công nghệ, thiết bị hiện đại cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ, tái tạo nguồn nước.
Thông tin từ tờ Nhân Dân, tháp nước Warka là một trong những công nghệ lọc nước đột phá, được hoàn thành vào đầu năm 2019. Thiết kế đạt giải thưởng dựa trên kế hoạch ngưng tụ sương mù, vật liệu chủ yếu của tháp là tre và được bọc trong lưới tái chế.
Nước được thu thập thông qua một loại lưới nilon hoặc polypropylene và hơi nước ngưng tụ từ không khí trên bề mặt lạnh của lưới. Sau đó, các giọt nước rơi xuống một bình chứa dưới ảnh hưởng của trọng lực. Tháp ngưng tụ nước này có thể được đặt trên sàn nhà hoặc ngoài trời và dễ dàng sửa chữa hoặc thay thế.
Máy lọc nước UV nhỏ gọn. Ảnh: Nhân Dân
|
Máy lọc nước UV nhỏ gọn cũng là công nghệ ưu việt, mang lại nguồn nước sạch cho con người. Đại học Stanford và Phòng thí nghiệm gia tốc quốc gia SLAC đã phát triển máy lọc nước này.
Nó được đặt trong một hình chữ nhật màu đen nhỏ xíu có khả năng giảm quá trình lọc nước xuống từ 48 giờ đến khoảng 20 phút. Mẫu thử nghiệm đầu tiên trong phòng thí nghiệm cho thấy có thể đây là bước đầu tiên trong phương pháp lọc nước thế hệ mới giúp lọc nước bẩn thành nước có thể sử dụng được. Tuy nhiên, thiết bị này còn phải trải qua hàng loạt các cuộc kiểm định chất lượng.
Đại dương là nguồn nước khổng lồ. Tuy nhiên, đây là nước mặn nên làm sao biến nó thành nguồn nước ngọt có thể sử dụng cũng được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều năm qua.
The PiPe - 1 kế khử muối mới cho California (Mỹ) với hứa hẹn sẽ cung cấp khoảng 1,5 tỷ Gallon (khoảng 5,7 tỷ m3) nước sạch. Hệ thống nổi khử muối bằng năng lượng mặt trời được sáng chế dựa trên phương pháp khử mặn điện từ để biến nước biển thành nước sạch, lọc các sản phẩm phụ mặn thông qua phòng xông nhiệt, và sau đó xả lại vào Thái Bình Dương.
Biến sương mù dày đặc trong sa mạc Ma-rốc thành nước sạch là mục đích của thiết bị máy gom sương mù lớn nhất thế giới.
Thiết bị này có diện tích bề mặt lên tới 600 m2, mỗi máy thu gom sương mù này có thể thu được 17 gallon (hơn 64 lít) nước sạch và an toàn cho mỗi m2 lưới. Cùng với máy bơm nước sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống đường ống, các máy gom sương này có thể cung cấp nước sạch cho 400 cư dân địa phương và cả những người dân xếp hàng dài chờ nước tại các khu vực khô cằn.
"Chip nước" (water chip) có thể tạo ra một điện trường nhỏ để khử muối trong nước biển. Ảnh: Nhân Dân
|
Trong năm 2014, Đại học Texas và Đại học Marburg ở Đức đã phát triển một "chip nước" (water chip) có thể tạo ra một điện trường nhỏ để khử muối trong nước biển. Với chip này, con người hy vọng một giải pháp lọc nước cầm tay nhỏ gọn có khả năng chạy bằng pin một cách thường xuyên. Đến nay, công nghệ này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu và phát triển thành sản phẩm.
Công ty năng lượng Carnegie Wave Energy đã triển khai dự án khai thác năng lượng từ sóng ở Australia. Dự án này có hai nhiệm vụ là tạo ra năng lượng tái tạo từ các cơn sóng ở đại dương đồng thời khử mặn nước biển. Các thiết bị này sẽ giống như những chiếc phao nổi được đặt ở ngoài khơi bờ biển Perth (Australia) và hoạt động thông qua các cơn sóng trong lòng đại dương.
Không chỉ các công nghệ nêu trên, mỗi năm, hàng loại các thiết bị, sáng kiến được ra đời nhằm tạo ra nước sạch dễ dàng, rẻ hơn và đến được với các vùng miền khó khăn, thiếu thốn. Chỉ một số trong những công nghệ nêu trên đã được áp dụng ở bên ngoài nhưng hiệu quả chúng mang lại rất lớn. Đến nay, những công nghệ này đã đem lại hàng tỷ gallon nước sạch cho con người.
Tuy nhiên, con người trên toàn cầu vẫn cần rất nhiều nguồn nước. Một số nước tiên tiến có điều kiện áp dụng công nghệ hiện đại, trong khi đó các nước đang phát triển, các nước nghèo,... thì chưa do cần nguồn kinh phí cao. Nhưng nếu có điều kiện áp dụng các công nghệ hiện đại nhưng con người không có ý thức tiết kiệm nước thì bài toán nước sạch vẫn sẽ còn luẩn quẩn.
Tại Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành luôn tìm cách xử lý nguồn nước bẩn, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
Trên tờ Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá chỉ riêng tại TP.HCM thì đây là nơi có tốc độ đô thị hóa cao. Trung bình 5 năm TP tăng 1 triệu dân. Do đó, việc có đủ nước sạch để người dân sử dụng trong tương lai là một thách thức lớn.
Ông Hoan cho biết các quốc gia có ý thức sử dụng tiết kiệm nước, tái tạo vòng nước. Nước ta chưa có công nghệ tái tạo, người dân chưa có ý thức tiết kiệm nước nên đang lãng phí tài nguyên. Các quy hoạch phải gắn với xử lý nước thải, phải quy hoạch vùng, phải sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm mới mang lại hiệu quả.